Bảo tồn di sản làng Việt: Chật vật tìm lối đi mới

Thứ ba, 30/08/2016 - 10:01

TNV – Chiều ngày 27/8, Tọa đàm “Di sản làng Việt và phương pháp tiếp cận mới trong công tác bảo tồn” của nhóm Di sản làng Việt đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Hà Nội.

Được thành lập vào đầu năm 2015, CLB Di sản làng Việt với nhiệt huyết của các bạn sinh viên, các nhà chuyên môn, đã có nhiều hoạt động thực tiễn thiết thực góp phần bảo tồn những di tích làng xã truyền thống.

Buổi Tọa đàm thu hút sự quan tâm đông đảo từ hơn 130 bạn sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu. Trong tiết chiều chớm thu Hà Nội, không khí trao đổi hào hứng hơn bao giờ hết.

Một số đại diện tham dự buổi Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm Một số đại diện tham dự buổi Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

“Công tác bảo tồn của Việt Nam đang khá đơn lẻ và phiến diện”

Đó là nhận định của PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường, Trưởng Bộ môn Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội kiêm Chủ tịch CLB Di sản làng Việt.

Việt Nam vốn là quốc gia giàu di sản làng xã. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, công tác bảo tồn có phần “nhạt nhòa”. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, di sản làng Việt sẽ “thoi thóp”.

Theo báo cáo tại Tọa đàm, trong phạm vi cả nước, chỉ có hai ngôi làng là Đường Lâm và Phước Tích được bảo tồn tổng thể. Còn lại, hàng nghìn giá trị di sản khác như cổng làng, lũy tre, cầu đá, ao làng, quán, miếu, phủ… có giá trị vật thể lẫn tinh thần với cuộc sống cộng đồng làng đều đang trong tình trạng “báo động” khi để nhân dân tự kiểm soát. Thành thử, dẫn đến thực trạng “xã nào quan tâm thì giữ, xã nào bị sức ép đô thị hóa thì phá”, dẫn lời PGS.TS Phạm Hùng Cường.

Công tác bảo tồn hiện nay chỉ “chạm” đến một số thành phần được coi là chính yếu trong không gian làng xã truyền thống, tiêu biểu là đình, chùa. Còn lại, hầu hết các công trình bị lãng quên.

PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường trong buổi Tọa đàm PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường trong buổi Tọa đàm

“Một loạt các hệ thống di sản, chẳng hạn như quán -  nơi nghỉ chân của những người đi làm đồng, đến bây giờ gần như bị bỏ hoang. Nhiều giếng làng khi không còn vai trò cấp nước thì một là lấp đi, hai là đậy lên. Ngay đến cổng làng - di sản có ý nghĩa lớn như vậy, số phận cũng khác nhau. Ví dụ như cổng làng Nành, Ninh Hiệp hay Ước Lễ, Thanh Oai còn khá tốt, nhưng một số cổng như làng Cáo Đỉnh, Từ Liêm - do bé quá nên phải làm đường đi xung quanh, nhìn trông rất xập xệ” - PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường cho hay.

Chật vật tìm hướng đi mới

Theo Luật Di sản hiện hành, các nguyên tắc bảo tồn nguyên gốc, nguyên trạng, phần lớn chỉ phù hợp với các di tích “tĩnh” như di tích tôn giáo tín ngưỡng hoặc di tích lăng tẩm.

Trong khi các di sản mang yếu tố “động”, gắn bó trực tiếp với cuộc sống của người dân như cổng nhà, đường làng, ngõ xóm, các di tích thuộc về cảnh quan khác… khó có thể áp dụng cách thức tương tự. Lý giải về điều này, PGS.TS Phạm Hùng Cường cho hay, bản thân di tích luôn tồn tại sự xung đột giữa mục đích bảo tồn và mục đích sử dụng. Chính điều này khiến nhiều làng xã “bơ” với việc được công nhận di tích vì có nhiều quy định ngặt nghèo.

Tại Tọa đàm, PGS.TS Phạm Hùng Cường nhấn mạnh không thể áp dụng phương pháp bảo tồn nguyên trạng với tất cả các làng truyền thống như cách đã áp dụng ở Đường Lâm, mà phải có một cách tiếp cận mới mềm mại hơn, theo hướng thích ứng, có sự tham gia của cộng đồng.

Phương pháp này đang được CLB Di sản làng Việt áp dụng bước đầu ở làng Nôm (Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên) với các phương pháp bảo tồn thích ứng từng hạng mục như cổng làng, ao làng, lũy tre…Trên cơ sở nghiên cứu và tư vấn, dự án sẽ chuyển giao hồ sơ cho cộng đồng địa phương thực hiện.

Ngoài ra, CLB cũng đang tiến hành khảo sát, phân loại khoảng 50 ngôi làng truyền thống khác, mục đích xác định các giá trị vật thể và phi vật thể của di sản trong cuộc sống đương đại, từ đó có cách bảo tồn phù hợp với từng di sản.

Trao đổi trong Tọa đàm, PGS.TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội nhấn mạnh “phải đẩy tầm bảo tồn lên”. Đồng thời, ông cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với phương pháp mới mà CLB Di sản làng Việt đang áp dụng. Thực tế, trên thế giới có nhiều quốc gia đã thành công với phương pháp tiếp cận này. Cụ thể, quốc đảo Singapore đã bảo tồn thành công di tích ChinaTown.

“Đặc sản” của CLB là chiếc mũ mang slogan “Tìm hiểu – Yêu quý – Hành động – Chung tay gìn giữ Di sản làng Việt” “Đặc sản” của CLB là chiếc mũ mang slogan “Tìm hiểu – Yêu quý – Hành động – Chung tay gìn giữ Di sản làng Việt”

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dự án của CLB Di sản làng Việt gặp không ít khó khăn.Cụ thể, nhận thức của cộng đồng chưa cao dẫn đến thiếu hợp tác, chính quyền địa phương ít quan tâm và kinh phí phục vụ nghiên cứu khá eo hẹp. Để dự án diễn ra suôn sẻ, PGS.TS Phạm Hùng Cường mong muốn nhà nước thành lập một quỹ riêng hỗ trợ hoạt động bảo tồn và phát triển di sản làng Việt. Bên cạnh đó, CLB chủ động đẩy mạnh truyền thông quốc tế, mục đích thu hút sự quan tâm của các tổ chức nước ngoài.

Khang Khang