Bảo tồn, khai thác hiệu quả di sản xanh

Thứ sáu, 27/10/2017 - 11:05

TNV - Việt Nam được coi là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Trước những tác động tiêu cực đó, cách ứng xử và khai thác chưa hợp lý khiến hệ thống di sản xanh phải đối mặt với nhiều nguy cơ biến dạng và ô nhiễm… Từ thực trạng này, làm sao để bảo vệ di sản thiên nhiên là điều cấp thiết.

Dao Cat Ba - Hai Phong Đảo Cát Bà - Hải Phòng

Bảo tồn chưa tới, khai thác quá đà

Dong Phong Nha - Quang Binh Động Phong Nha - Quảng Bình Ở nước ta, các khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) chứa đựng các loại hệ sinh thái chủ yếu của quốc gia, có nhiều loài mang tính biểu tượng, hàm chứa giá trị văn hóa phong phú. Với những giá trị đó, các di sản thiên nhiên có nhiều cơ hội, điều kiện để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Thế nhưng, phần lớn các di sản này hoặc đang bị khai thác quá đà, hoặc chưa được đầu tư đúng mức, đúng cách. Như việc khai thác tại Vịnh Hạ Long và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chủ yếu vẫn dựa vào vẻ đẹp thiên nhiên sẵn có chứ chưa có sự đầu tư trở lại cho di sản để phục vụ lợi ích của cộng đồng dài lâu. Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Lâm (đại diện Khu DTSQ Tây Nghệ An), Khu DTSQ Tây Nghệ An - nơi có rừng quốc gia Phù Mát, nhiều di tích lịch sử, với nhiều tập tục sinh hoạt văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, thì di sản nơi đây vẫn chưa kết nối được với du lịch. Lý do là chưa tìm ra được sản phẩm đặc thù, hệ thống giao thông kém, môi trường chưa sạch, đẹp, người dân sở tại có tâm lý trông chờ, ỷ lại hoặc chưa nhận thức được giá trị của di sản... Những điều này phụ thuộc nhiều vào những người có trách nhiệm tại địa phương, nhà quản lý, quy hoạch với tầm nhìn chiến lược tìm ra giải pháp đồng bộ từ bảo tồn đến khai thác để nâng tầm giá trị di sản phát triển phục vụ đời sống con người, đồng thời con người cần có ý thức bảo vệ, gìn giữ để phát huy bền vững những giá trị đó. Như GS.TS Nguyễn Viết Thịnh, Chủ tịch Ủy ban quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (UBQG MAB) chia sẻ, giá trị cốt lõi của các khu dự trữ sinh quyển trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới là nơi gặp gỡ giữa con người và thiên nhiên, nơi thể hiện sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Bảo tồn, phát triển gắn với cộng đồng Có lẽ đó không chỉ riêng với di sản thiên nhiên mà với tất cả các di sản văn hóa đều cần phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng. Tuy nhiên, không giống với các di sản khác, di sản thiên nhiên có diện tích rất lớn, trong khu vực di sản có nhiều người dân sinh sống, canh tác. Vì thế, sự tham gia của cộng đồng, nhất là những người dân đang sống ở trong khu vực di sản và khách du lịch có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.

Vuon Quoc gia Cat Ba Vườn Quốc gia - Cát Bà

Ngoài hai di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), nước ta hiện có 8 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận, đó là rừng ngập mặn Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), đất ngập nước ven biển liên tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, Kiên Giang, Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm (Hội An), Mũi Cà Mau và rất nhiều vườn quốc gia, vườn di sản khác.

Minh Hiền