TNV - Bảo vệ môi trường biển là trách nhiệm của mọi người, mọi tầng lớp nhân dân, song trước hết là của thanh niên ở ngay tại địa phương đó. Bởi đây chính là lực lượng trẻ, khỏe, có khả năng bơi lội tốt để tuyên truyền, vận động người người có ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời là người trực tiếp đi thu dọn rác thải ra biển.
Nhìn ở góc độ nhân lực
Biển là không gian sinh tồn của mỗi quốc gia. Thế kỷ XXI được coi là thế kỷ tiến ra biển, làm giàu từ biển của mỗi quốc gia. Không thể có một quốc gia được coi là “sạch” để cuốn hút sự đầu tư, du lịch của người nước ngoài nếu quốc gia ấy đang ô nhiễm về môi trường biển, nhất là khi biển đang là địa điểm hấp dẫn, là nơi khai thác tiềm năng kinh thế mũi nhọn từ du lịch. Bởi vậy lực lượng được coi là có khả năng bảo vệ môi trường biển không ai khác là thành thanh niên. Vì đây chính là lực lượng trẻ về thân thể, thể lực, trí tuệ và sự nhạy bén.
Nạn bán hàng rong dưới biển Bãi Sau, Vũng Tàu là nguyên nhân làm cho biển ô nhiễm vì rác thải
Nhìn ở góc độ nhân lực, thì ngoài thanh niên, không thể có một lực lượng nào ưu việt hơn trong việc bảo vệ môi trường. Khi một tỉnh, một địa phường nào đó bị ô nhiễm môi trường biển, bị xả rác ra bờ biển từ nguồn du lịch, thì ngoài sự chỉ đạo của chính quyền đó, một điều chắc chắn phải nghĩ ngay đến thanh niên. Vừa đi vận động tuyên tuyền người du lịch nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, vừa là người trực tiếp “dọn hậu quả” của nạn xả rác. Thanh niên ở đây không chỉ nói bó hẹp trong thanh niên ở địa phương sở tại, mà phát huy nguồn thanh niên ở mọi cấp mọi ngành, mọi lực lượng đang sinh sống, đóng quân, học tập, công tác trên tại địa bàn đó như bộ đội, giáo viên, học sinh cấp ba, sinh viên, và thanh niên địa phương
Trong thực tế, mỗi khi bờ biển, biển bị ô nhiễm, môi trường biển bị “biến dạng”, thì không thể lấy phụ nữ, người già, em nhỏ đi nhặt rác. Khi biển bị sự cố tràn dầu chẳng hạn, ngoài lực lượng chức năng ngăn chặn không cho dầu loang, thì việc đi dọn “xác dầu” loang, chắc chắn phải là thanh niên chứ không thể một lực lượng nào khác.
Nhìn ở góc độ tiềm năng kinh tế
Ở thế kỷ XXI, kinh tế biển có vai trò quyết định “làm giàu” của mỗi quốc gia. Ngay như các nước có trữ lượng dầu khí lớn như I-Rắc, ngoài làm giàu từ dầu mỏ, khai thác thủy hải sản từ biển, họ chú trọng vào phát triển kinh tế từ du lịch biển. Nằm trong qui luật chung của sự vận động toàn cầu “hướng ra biển lớn”, ngoài khai thác khoáng sản dầu khí, thủy hải sản, Việt Nam cũng đang từng bước khai thác tiềm năng biển thông qua du lịch biển một cách bền vững. Các tỉnh đang có nền kinh tế biển phát triển bền vững như Hải phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Nha Trang, Quảng Bình, Quảng Nam…
Trong những năm qua, du lịch biển chiếm khoảng 70% trong hoạt động của ngành du lịch, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập từ du lịch biển chiếm trên 60% doanh thu du lịch cả nước và được xem là một trong 5 hướng đột phá về phát triển kinh tế biển và ven biển. Tuy nhiên, trên thực tế, một trong những yếu tố gây cản trở sự phát triển du lịch biển Việt Nam chính là vấn nạn ô nhiễm môi trường.
Một thực tế đang kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch biển là ở các khu du lịch biển như Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu… lượng chất thải sinh hoạt tăng nhanh, phần lớn chưa được xử lý, hoặc xử lý bằng phương pháp chôn lấp, không triệt để, vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan, môi trường tự nhiên, chất lượng các nguồn nước. Tại nhiều vùng biển cửa Lực (Quảng Ninh), cảng Thuận An (Thừa Thiên Huế), cảng Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, tuyến hàng hải Hải Phòng – Đà Nẵng… chỉ số ô nhiễm đo trong nước đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép, có nơi lên tới 0,2 mg trong một 1ít – 0,3 mg trong một 1ít. Quá trình khai thác du lịch biển thời gian qua cũng khiến biển đang bị đục hóa, làm tăng nguy cơ xói mòn đường bờ, làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo. Theo cảnh báo, những rạn san hô ở Việt Nam có nguy cơ ô nhiễm cao gấp 8 lần so với mức trung bình ở các nước châu Á khác. Ngoài ra chu trình sống của động vật hoang dã ở các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia ven biển cũng bị tác động do khai thác du lịch.
Đoàn viên thanh niên Lữ đoàn 171 tham gia dọn vệ sinh biển Bãi Sau, Vũng Tàu
Một trong “điểm đen” nạn xả thải ra biển trong thời gian qua được báo chí tốn nhiều giấy mực, gây bức xúc cho người du lịch là nạn xả thải bừa bãi ở bãi biển Vũng Tàu. Nguyên mùa du lịch đầu năm 2016, thành phố Vũng Tàu đón trên một triệu lượt khách du lịch đến tắm biển. Nhưng khi khách đi rồi, cũng xả vào bãi biển hơn 1.000 tấn rác thải. Sau khi được chính quyền vào cuộc, không một ai khác đi “thu dọn hậu quả xả rác” vẫn là thanh niên
Để khắc phục giảm thiểu ô nhiễm môi trường du lịch biển cần sự tham gia của các cấp, các ngành, của mọi người dân, trong đó có vai trò không nhỏ của lực lượng thanh niên tại các khu du lịch biển. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các phong trào thanh niên tham gia bảo vệ môi trường du lịch biển chưa thực sự sâu rộng và được coi trọng đúng mức trong các tổ chức Đoàn. Nhiều phong trào còn mang nặng tính hình thức, làm qua loa, chiếu lệ hoặc chỉ làm những dịp cao điểm. Công tác tuyên truyền cho thanh niên bảo vệ môi trường du lịch biển chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Cá biệt, ý thức của nhiều thanh niên là khách du lịch và thanh niên địa phương chưa tốt, còn xả rác bừa bãi, thờ ơ với việc môi trường du lịch biển bị ô nhiễm…
Vì vậy, để phát huy tốt hơn nữa vai trò của thanh niên trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm các khu du lịch biển cần: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường biển cho thanh niên. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch biển cần biên tập, phát hành và phổ biến các ấn phẩm, tài liệu; Thực hiện các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; Xây dựng và gắn biển các công trình, phân việc thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường du lịch biển.
Ngoài ra, các cấp lãnh đạo nên tổ chức cho thanh niên xuống đường tham gia làm sạch bãi biển, đường phố các khu vực phụ cận nơi du lịch, đồng loạt ra quân thu gom rác thải trên bờ, trong vịnh và trên các tàu thuyền. Xây dựng, nhân rộng mô hình thanh niên tham gia bảo vệ môi trường du lịch biển cũng là việc quan trọng. Chúng ta cũng nên tiếp tục xây dựng và nhân rộng ra nhiều địa phương: Mô hình đội tình nguyện xanh; Đội thanh niên xung kích; Đội tuyên truyền măng non bảo vệ môi trường; mô hình thanh niên đăng ký đảm nhận tuyến biển an toàn, sạch, đẹp; Mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên bảo vệ khu du lịch biển; Thành lập đội tự quản vệ sinh môi trường du lịch, thanh niên tham gia trồng rừng chắn sóng, chắn cát. Bên cạnh đó, chúng ta có thể tăng cường tổ chức các hoạt động “Tuần lễ du lịch xanh”; Tổ chức các hoạt động cao điểm nhân các sự kiện về môi trường: Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6), Tuần lễ Quốc gia về biển đảo, Chiến dịch làm sạch thế giới; Tổ chức các hoạt động ngày Chủ nhật xanh trong tháng thanh niên
Có thể khẳng định, muốn phát triển bền vững du lịch biển cần phải có giải pháp bảo vệ môi trường và hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm tại các khu du lịch biển. Mà lực lượng bảo vệ phát huy được tối đa nhân lực, trí lực trong việc bảo vệ môi trường không ai khác là thanh niên. Đây không chỉ là nhân lực trẻ khỏe về thể chất, nhạy về tuyên truyền vận động, mà còn là lực lượng được xã hội địa phương tin tưởng và giao trọng trách. Vì vậy, ở mỗi tỉnh thành có biển, ngoài “giao nhiệm vụ”, thì cần động viên, tuyên truyền cho họ hiểu, thấy, biết được trách nhiệm cao đẹp của mình trong bảo vệ môi trường biển ở mỗi địa phương. Đối với các tỉnh không có biển, cũng cần có sự vào cuộc của Tỉnh đoàn và các tổ chức xã hội tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường biển. Khi đến các tỉnh du lịch biển, cần nêu cao ý thức “không xả rác bừa bãi”, chỉ ngần đó thôi cũng góp phần cho biển sạch, môi trường sạch, thân thiện.
Mai Thắng