Bất động sản 24h: Hơn 9.200 tỷ đồng đầu tư cải tạo 3 tuyến quốc lộ huyết mạch tại Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ sáu, 11/07/2025 - 15:01

Tin vui cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long; Bắc Ninh yêu cầu “lập kỳ tích” với siêu dự án hơn 31.000 tỷ đồng... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Bất động sản 24h: Hơn 9.200 tỷ đồng đầu tư cải tạo 3 tuyến quốc lộ huyết mạch tại Đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh 1.

Hình minh họa

Tin vui cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long

Hơn 9.200 tỷ đồng sẽ được đầu tư cải tạo 3 tuyến quốc lộ huyết mạch 53, 62 và 91B tại Đồng bằng sông Cửu Long. Khi hoàn thành, dự án không chỉ giúp giảm ùn tắc mà còn mở ra hành lang liên kết vùng mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho hàng triệu người dân miền Tây.

UBND TP Cần Thơ ban hành Công văn số 28/UBND-XDĐT về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án 3 tuyến Quốc lộ 53, 62, 91B kết nối vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Trong đó, mục tiêu cụ thể là nâng cao hiệu quả, an toàn giao thông và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của 3 tuyến Quốc lộ 53, 62, 91B kết các tỉnh Tây Ninh, Vĩnh Long, Cà Mau và TP Cần Thơ thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng vốn đầu tư dự án là 9.297 tỷ đồng (tương đương 385,6 triệu USD), trong đó vốn WB là khoảng 262 triệu USD, vốn đối ứng 2.9756 tỷ đồng (tương đương 123 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án là 4,5 năm sau khi hiệp định vay vốn có hiệu lực.

Theo Bộ Xây dựng, 3 tuyến Quốc lộ 53, 62, 91B thuộc đối tượng phân cấp về địa phương quản lý. Tuy nhiên, nếu chuyển giao dự án về cho các địa phương làm cơ quan chủ quản thì sẽ phải: điều chỉnh nghị quyết của Chính phủ để thay đổi cơ quan chủ quản; chia dự án này thành 4 dự án trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố (Tây Ninh, Vĩnh Long, Cà Mau và Cần Thơ) để từng địa phương làm cơ quan chủ quản; thực hiện thủ tục tách và trình lại đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi…

Bắc Ninh yêu cầu “lập kỳ tích” với siêu dự án hơn 31.000 tỷ đồng

Tại buổi làm việc mới đây, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh: sau kỳ tích bàn giao hơn 124 ha đất chỉ trong 1,5 tháng, Bắc Ninh cần tiếp tục tạo nên “kỳ tích lần hai” để đẩy nhanh tiến độ siêu dự án hơn 31.000 tỷ đồng, đưa sân bay Gia Bình sớm thành hiện thực, kết nối liên vùng, mở ra động lực phát triển mới cho khu vực Bắc Bộ.

Dự án sân bay Gia Bình từng được quy hoạch phục vụ quốc phòng, nhưng sau khi được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định 98/QĐ-TTg, nơi đây đã chính thức nâng cấp thành cảng hàng không lưỡng dụng mang tầm quốc tế, sẵn sàng tiếp nhận cả hành khách và hàng hóa quy mô lớn.

Bộ Công an hiện đang phối hợp cùng Bắc Ninh để hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh quy mô, kêu gọi đầu tư tư nhân, đồng thời đã bàn giao hơn 124 ha mặt bằng, một phần quan trọng trong tổng quỹ đất cần thu hồi.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn tuyên bố rõ ràng: “Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, không thể để chậm tiến độ”. Ông nhấn mạnh, Bắc Ninh tự hào là địa phương được Chính phủ chọn mặt gửi vàng giao nhiệm vụ triển khai một trong những dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia. “Giai đoạn đầu, chúng ta đã làm nên kỳ tích khi giải phóng mặt bằng hơn 125 ha chỉ trong 1,5 tháng. Giờ là lúc tiếp tục viết nên kỳ tích thứ hai”, ông nói.

Tin vui cho người tìm việc: TP.HCM dự báo cần đến 90.000 lao động sau sáp nhập

Liên quan tình hình lao động việc làm trên địa bàn, Sở Nội vụ cho biết, trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM (mới) ghi nhận có 96.795 trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp; trong đó, nữ chiếm hơn 53% (giảm 20,6% so cùng kỳ). Số trường hợp có nhu cầu và được hỗ trợ đào tạo nghề là 3.523 người (tăng 5% so cùng kỳ).

Cũng trong khoảng thời gian này, thị trường lao động tại 3 khu vực của TP.HCM có nhiều chuyển biến tích cực cả về cung và cầu. Theo nhận định của các Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Nội vụ, dự kiến trong quý 3, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp khoảng 85.000 - 90.000 người.

Với sự gia nhập của lực lượng lao động từ các khu vực mới sáp nhập đã góp phần tạo thêm nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, quá trình chuyển tiếp cũng đặt ra thách thức nhất định về sự lệch pha giữa kỹ năng hiện có của người lao động và yêu cầu mới từ phía doanh nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Ngọc Hằng về việc sáp nhập và vận hành chính quyền 2 cấp sau 10 ngày triển khai. Thành phố đã tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng thời chính thức đóng giao diện cổng riêng của Thành phố từ ngày 18/6 để thực hiện “một cửa số”.

Từ ngày 01-9/7, Thành phố đã tiếp nhận gần 80.000 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó hơn 48.000 hồ sơ thuộc cấp xã. Các hệ thống thông tin vận hành ổn định, hạ tầng số cơ bản đáp ứng yêu cầu.


Hoàng An