Hình minh họa
Giao thông cửa ngõ TP.HCM với Bình Dương bây giờ và những năm tới sẽ ra sao?
Xa lộ Hà Nội (quốc lộ 1A) là tuyến giao thông chính ở khu vực cửa ngõ phía Đông TP.HCM. Tuyến đường phân tách TP. Thủ Đức với TP. Dĩ An (Bình Dương) kết nối trực tiếp với Đồng Nai.
Ở khu vực này đang tập trung một loạt hạ tầng trọng điểm gồm tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, Bến xe miền Đông mới… Trong đó, metro số 1 nối thẳng khu vực này với trung tâm TP.HCM có tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng sẽ khai thác thương mại trong năm nay.
Để phát huy tính hiệu quả khai thác, các địa phương đang đề xuất nghiên cứu kéo dài tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên về phía Đồng Nai và Bình Dương. Tổng chiều dài hai nhánh khoảng 50km.
Nhiều đô thị ven biển miền Trung sẽ được nâng cấp, mở rộng
Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2030. Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận có 16 đô thị. Trong đó có 01 đô thị loại II là thành phố Phan Thiết; 01 đô thị loại III là thành phố La Gi; 03 đô thị loại IV; 11 đô thị loại V.
Tương tự, đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận có 12 đô thị. Trong đó có 01 đô thị loại II là Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm; 04 đô thị loại IV (gồm 02 đô thị hiện hữu là Tân Sơn, Phước Dân và 02 đô thị mới là Phước Nam, Cà Ná).
Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận có 07 đô thị loại V. Trong đó có 01 đô thị hiện hữu Khánh Hải và 06 đô thị mới gồm Lợi Hải, Phước Đại, Thanh Hải, Lâm Sơn, Vĩnh Hy, Sơn Hải.
Ninh Thuận cũng phát triển 06 đô thị ven biển (Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná) thuộc dải ven biển, phát triển theo cấu trúc không gian đan xen, hỗn hợp đô thị - du lịch (được cụ thể hóa trong các đồ án quy hoạch chung khu du lịch quốc gia Ninh Chữ).
Đến năm 2030, Khánh Hòa có 02 đô thị loại I là thành phố Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm; 01 đô thị loại II là thành phố Cam Ranh; 01 đô thị loại III; 02 đô thị loại IV; các đô thị loại V.
Đề xuất đầu tư bến cảng gần 2.300 tỉ đồng tại “thủ phủ” công nghiệp của Bà Rịa – Vũng Tàu
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham gia ý kiến về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bến cảng tổng hợp Long Sơn Mỹ Xuân, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo đề xuất của Công ty TNHH Long Sơn. Bộ GTVT cho rằng đề xuất đầu tư bến cảng tổng hợp Long Sơn Mỹ Xuân gồm 270m bến chính cho tàu tổng hợp đến 30.000 tấn và 4 bến sà lan cho tàu đến 7.500 tấn phù hợp với các quy hoạch cảng biển, quy hoạch chuyên ngành và các quy hoạch liên quan.
Theo báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, dự án có trạm nghiền Xi măng tại khu vực hậu phương cảng. Điều này nhằm phát huy năng lực thông qua hàng hóa của cầu cảng, các bến sà lan phục vụ xuất nhập nguyên vật liệu và thành phẩm, cũng như phát huy thế mạnh vận tải thủy để gom, rút hàng hóa đến cảng, nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác tổng thể dự án.
Dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.256 tỉ đồng gồm vốn tự huy động và vốn vay. Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT yêu cầu nhà đầu tư căn cứ các quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư xây dựng, quy hoạch chuyên ngành và các quy định có liên quan để xây dựng tổng mức đầu tư trên cơ sở tính đúng, tính đủ các hạng mục công việc.
Đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường ven biển hơn 2.000 tỉ ở Khánh Hòa
Dự án Tuyến đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa có điểm đầu kết nối với đường dẫn phía bắc cầu Hiền Lương 2 (xã Vạn Lương), điểm cuối kết nối vào bên phải Quốc lộ 26B, phường Ninh Diêm (thị xã Ninh Hòa); có tổng chiều dài hơn 20km.
Tổng mức đầu tư dự án 2.031 tỷ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2027. Dự án bao gồm các hạng mục chính: Đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa địa hình (gồm các cầu và cống băng đường), điện chiếu sáng, kè biển và vỉa hè đoạn qua các khu dân cư...
Theo Ban quản lý KKT Vân Phong, dự án này hiện đã hoàn thành công tác lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi để trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định. Tuy nhiên, sau khi tham vấn ý kiến của chính quyền địa phương và người dân khu vực dự án đi qua. Đơn vị tư vấn đang đề xuất điều chỉnh một số vị trí, hướng tuyến của dự án.
Hoàng An