Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn “kẹt”, doanh nghiệp nói gì?

Thứ ba, 23/04/2024 - 15:17

Mặc dù ngành du lịch đã có nhiều khởi sắc, Chính phủ cũng có những động thái quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn về pháp lý, tuy nhiên đến nay, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, tỷ lệ hấp thụ đạt rất thấp, chỉ 2% trong quý đầu năm.

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lạc quan. Ảnh minh hoạ

Chỉ số không mấy tích cực

Theo báo cáo thị trường bất động sản mới công bố của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), quý 1.2024, thị trường bất động sản Việt Nam đón nhận 9.970 sản phẩm du lịch - nghỉ dưỡng mở bán, trong đó hơn 97% là hàng tồn kho của các dự án mở bán trước đó.

Cả thị trường chỉ có 5 dự án mở bán mới, cung cấp 326 sản phẩm, giảm 64% so với quý trước và giảm 60% so với cùng kỳ năm 2023.

Về giao dịch, dữ liệu của VARS cho thấy, toàn thị trường ghi nhận khoảng 160 giao dịch, tương đương với tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung sơ cấp chỉ đạt 2%.

Các dự án mới mở bán có tỷ lệ hấp thụ đat 26%, tương đương với 87 giao dịch, chủ yếu đến từ phân khúc condotel, chiếm 40%.

Theo VARS, các sản phẩm được quan tâm là những dự án biệt thự nghỉ dưỡng có mức giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn, có pháp lý hoàn thiện, tiến độ thi công đảm bảo và các căn hộ du lịch có giá trị dưới 3 tỷ đồng/căn.

Tín hiệu mới được kỳ vọng là sản phẩm biệt thự/shophouse nghỉ dưỡng, nhà ven biển ghi nhận lượng quan tâm nhiều hơn từ nhóm có nhu cầu sở hữu second-home và nhóm nhà đầu tư nước ngoài.

VARS cho rằng, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn cần thêm thời gian để có thể tái nhập cuộc.

Báo cáo trước đó của DKRA ghi nhận, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng ảm đạm, mặc dù du lịch đã sôi động hơn so với trước đây.

Cụ thể, ở loại hình biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp giảm 8% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam. Cả nước chỉ có 2 dự án mở bán mới, có 57 dự án mở bán hàng tồn với số lượng bán ra là 2.123 căn và chỉ có 69 căn được giao dịch thành công.

Sức cầu chung thị trường ở mức thấp, lượng tiêu thụ giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái - đây là mức thấp nhất trong một thập kỷ qua.

Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang. Thị trường thứ cấp ghi nhận mức giá giảm trung bình 15% - 20% so với giá hợp đồng. Đáng chú ý có những dự án giảm sâu đến 40-50%, tuy nhiên vẫn gặp khó khăn trong thanh khoản.

Đối với loại hình nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, DKRA ghi nhận nguồn cung tiếp tục sụt giảm, hơn 97% nguồn cung sơ cấp trong quý đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ. Chỉ có 32 dự án mở bán, với duy nhất một dự án mới, còn lại là các dự án cũ đã bán nhiều năm nay. Số lượng sản phẩm lên tới 3.000 sản phẩm, nhưng chỉ tiêu thụ được dưới 1%, với 27 sản phẩm.

DKRA cho rằng, thị trường vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, dù ngành du lịch đã có nhiều khởi sắc. Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động và tiếp tục xu hướng đi ngang. Thị trường tiếp tục gặp nhiều khó khăn về thanh khoản lẫn khả năng tăng giá khi niềm tin của nhà đầu tư, cũng như động thái phục hồi của phân khúc này vẫn còn rất thấp.

Ở loại hình condotel, nguồn cung sơ cấp quý 1.2024 chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, với 4.848 căn hộ được mở bán từ các dự án cũ và chỉ tiêu thụ được 64 căn, chiếm tỷ lệ hơn 1%.

Sức cầu chung thị trường ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm qua. Lượng tiêu thụ trong quý 1.2024 tương đương 35% so với cùng kỳ. Hầu hết các dự án đều có tình hình bán hàng chậm, 90% dự án không ghi nhận phát sinh giao dịch trong quý.

Mặt bằng giá sơ cấp không biến động so với cùng kỳ và vẫn neo ở mức cao do chi phí đầu vào cao.

Doanh nghiệp lạc quan

Dự báo về thị trường thời gian tới, DKRA cho rằng nguồn cung condotel sẽ tăng nhẹ so với quý 1.2024, dao động khoảng 100 - 200 căn, tập trung phần lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ninh. Trong khi đó, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng không có nhiều biến động so với quý trước, dự báo sẽ cung cấp ra thị trường nguồn cung sơ cấp lần lượt ở mức 100 - 150 căn biệt thự nghỉ dưỡng và 80 - 100 căn nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng.

Sức cầu chung thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp, đà giảm dự kiến kéo dài đến hết năm 2024. Mặt bằng giá sơ cấp duy trì ổn định và khó có những biến động rõ nét trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn rất kỳ vọng và lạc quan vào tương lai.

Theo ông Nguyễn Đình Đức, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa mốc Mai Việt, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong năm nay có thể phục hồi, tuy nhiên sẽ phục hồi ở những địa phương gần thành phố đông dân nhất Việt Nam hiện tại. Ví dụ như Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh với những tuyến đường cao tốc kết nối thẳng đến trung tâm Hà Nội.

Thêm nữa, các sản phẩm đầu tư giá trị nhỏ của bất động sản nghỉ dưỡng như condotel khoảng 1-3 tỷ đồng sẽ phục hồi sớm hơn so với biệt thự biển triệu USD.

Ông Bùi Quý Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Flamingo thì cho rằng, thị trường nghỉ dưỡng sẽ là sản phẩm tiếp theo mà nhà đầu tư quan tâm sau sản phẩm nhà ở. Tuy nhiên, yếu tố thúc đẩy thị trường nghỉ dưỡng phục hồi sẽ liên quan đến các vấn đề pháp lý, thị trường vốn, đặc biệt, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi du lịch.

Thống kê gần đây của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng trong quý 1.2024, lượng khách du lịch đến với thị trường nghỉ dưỡng đã xấp xỉ bằng 98,5% so với cùng kỳ năm 2019.

“Đây cũng là một trong những tín hiệu thể hiện rằng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới sẽ có động lực quay trở lại. Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn kì vọng du lịch phục hồi sẽ là động lực rất tốt để phát triển thị trường này”, ông Trung nhận định.

 

Khiêm Phạm