1. Chống Thấm Nhà Vệ Sinh Quan Trọng Như Thế Nào?
Nhiều người cho rằng nhà vệ sinh chỉ là công trình phụ nên không cần chống thấm dột hay chống thấm không kỹ lưỡng. Tuy nhiên, nhà vệ sinh lại là khu vực cấp thiết cần phải chống thấm ngay từ đầu vì:
- Bảo vệ công trình: Nhà vệ sinh là khu vực thường xuyên ẩm ướt nên nếu không được chống thấm, nước sẽ len lỏi vào nứt hoặc những khu vực vữa yếu, kém chất lượng làm hư hỏng kết cấu công trình. Đây chính là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến công trình giảm tuổi thọ.
- Tránh gây ảnh hưởng sức khỏe: Tường nhà vệ sinh không được chống thấm tốt sẽ dễ hình thành nấm mốc, rong reo gây nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình. Nếu không cẩn thận thì rất dễ té ngã, đặc biệt với gia đình có người lớn tuổi và trẻ nhỏ. Tường nhà thường xuyên ẩm ướt có thể gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng sức khỏe người dùng.
- Bảo vệ đồ vật trong nhà vệ sinh: Nước ngấm từ tường vào các đồ vật khác trong nhà vệ sinh lâu ngày sẽ làm hư hỏng. Nếu trong nhà vệ sinh có ổ điện thì điều này càng nguy hiểm.
- Tiết kiệm chi phí: Nếu bạn không chống thấm dột nhà vệ sinh kỹ lưỡng ngay từ ban đầu thì một thời gian sẽ hư hỏng như tróc gạch men, tường hỏng, tường nứt,… Khi đó, bạn lại phải chi thêm một khoản không nhỏ để khắc phục tình trạng này.
2. Các Phương Pháp Chống Thấm Nhà Vệ Sinh
Đối với nhà vệ sinh, hai khu vực cần cần đặc biệt chú trọng về vấn đề chống thấm là tường và sàn. Tùy theo từng loại vật liệu chống thấm nhà vệ sinh mà quy trình cũng như giá chống thấm sẽ khác nhau.
Chống Thấm Nhà Vệ Sinh Bằng Sika
Sika được sử dụng để chống thấm cho nhiều khu vực khác nhau của công trình, trong đó có nhà vệ sinh.
Ưu điểm:
Việc sử dụng vật liệu chống thấm Sika cho nhà vệ sinh mang lại những lợi ích sau:
- Thi công dễ dàng, tiết kiệm thời gian, không quá đòi hỏi cao về tay nghề của thợ.
- Pha trộn vật liệu nhanh, cách pha đơn giản, có khả năng tạo kết tinh tốt với những vật liệu nhà vệ sinh.
- Khả năng bám dính của Sika tốt, có thể sử dụng trong nhiều năm mà không sợ bong tróc.
- Khả năng chống thấm cực tốt, tuổi thọ có thể lên đến hàng chục năm.
- Giá chống thấm nhà vệ sinh bằng Sika không quá cao như các nguyên vật liệu khác.
Quy trình:
Quy trình chống thấm nhà vệ sinh bằng Sika được thực hiện theo các bước như sau:
- Bước 1: Với nhà vệ sinh mới, bạn cần vệ sinh về mặt sàn trước khi chống thấm.
- Bước 2: Cố định các ống nhựa đồng thời dựng ván khuôn phía mặt dưới sàn.
- Bước 3: Phủ Sikadur 732 lên bề mặt sàn.
- Bước 4: Phủ Sika Sika Grout 214-11 xung quanh các ống nhựa trong thời gian Sikadur kết dính.
- Bước 5: Phủ Sika Primer 3 lên bề mặt rãnh xung quanh đường ống.
- Bước 6: Trát các khe nứt, cổ ống, khe nối bằng Sikaflex Construction AP, đợi khô 12 tiếng.
- Bước 7: Phủ 2-3 lớp Sikaproof Membrane 20-50% nước pha loãng với sơn để tạo màng chống thấm, đợi khô khoảng 2-3 tiếng.
- Bước 8: Trộn vữa bê tông với Sika Latex rồi quét lên bề mặt sàn, độ dày khoảng 1-2mm.
- Bước 9: Nghiệm thu sau 24 giờ rồi quét thêm một lớp vữa Sika nữa, đợi khô khoảng 2-3 giờ thì có thể tiến hành những bước tiếp theo để hoàn thiện công trình.
Màng Chống Thấm Nhà Vệ Sinh Gốc Bitum
Màng gốc Bitum là một trong những vật liệu chống thấm nhà vệ sinh được sử dụng phổ biến hiện nay nhờ những ưu điểm như:
- Khả năng bám dính tốt, khả năng chịu mài mòn, va đập cao.
- Chi phí thấp, khả năng kháng nước hiệu quả.
Tuy nhiên, việc sử dụng màng chống thấm có kích thước lớn trong khi diện tích nhà vệ sinh hẹp nên quá trình thi công không được thuận tiện. Việc khi công đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao của người thợ để tránh sai sót. Trước khi dán màng chống thấm Bitum, người thợ phải vệ sinh kỹ bề mặt và quét lớp sơn tạo độ dính Primer. Ngoài màng tự dính thì bạn có thể sử dụng màng khò nóng.
3. Chống Thấm Nhà Vệ Sinh Và Những Câu Hỏi Thường Gặp
Ngoài quy trình chống thấm nhà vệ sinh và vật liệu chống thấm hiệu quả thì một số vấn đề sau cũng được nhiều người quan tâm.
Chống Thấm Nhà Vệ Sinh Không Cần Đục Gạch Được Không?
Phương pháp chống thấm không cần đục gạch cho nhà vệ sinh giúp tiết kiệm thời gian, công sức lại ít gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của công trình, tuy nhiên, tuổi thọ không cao. Những phương pháp chống thấm dột cho nhà vệ sinh không cần đục gạch phổ biến hiện nay là:
- Phương pháp cắt mạch: Phương pháp này cần cắt gạch lót sàn để tạo nên các khe hở sau đó dùng keo dính chống thấm để trám vào các khe này nhằm ngăn chặn không cho nước lọt xuống dưới.
- Phương pháp dùng Polyure: Phương pháp này giúp chống thấm nước tốt, khả năng che phủ và độ bền cao, được xem là lý tưởng đối với khu vực chống thấm là nhà vệ sinh.
- Phương pháp dùng chất chống thấm trong suốt: Một dung dịch keo lỏng trong suốt sẽ được phủ lên trên bề mặt gạch. Dung dịch này có khả năng thẩm thấu sâu vào bên trong bề mặt để tạo nên lớp màng ngăn nước.
- Phương pháp dùng sơn chống thấm: Sơn chống thấm là vật liệu đã quá quen thuộc với mọi công trình. Gia chủ chỉ cần làm sạch bề mặt sau đó phủ lên lớp sơn chống thấm bằng cọ hoặc con lăn và đợi khô. Phương pháp này vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa không gây ảnh hưởng đến không gian, cấu trúc cũng như thiết kế của công trình.
- Phương pháp sử dụng tấm lót chống thấm nhà vệ sinh đa lớp: Đây là một trong những phương pháp chống thấm cho nhà vệ sinh hiệu quả mà không phải đục gạch. Màng được cấu thành bởi lớp lót, lớp chống thấm và lớp bảo vệ, thường được sử dụng trong trường hợp nhà vệ sinh bị thấm dột nặng.
Chống Thấm Nhà Vệ Sinh Cũ Như Thế Nào?
Nhà vệ sinh sau một thời gian sử dụng sẽ xuống cấp nên khả năng chống thấm kém dần hoặc trước đó không được chống thấm kỹ, đúng kỹ thuật. Đối với tường nhà vệ sinh cũ, bạn có thể áp dụng các biện pháp chống thấm sau:
- Chống thấm bằng màng tự dính hoặc màng khò nóng. Phương pháp này được xem là hiệu quả nhất đối với tường, sàn nhà vệ sinh cũ.
- Chống thấm tường, nhà vệ sinh cũ bằng Sika.
- Chống thấm bằng hóa chất kết hợp màng đàn hồi gốc xi măng để chống thấm từ bên ngoài.
Cách Chống Thấm Nhà Vệ Sinh Tầng 2
Nhà vệ sinh tầng 2 bị thấm dột gây ra nhiều vấn đề cho ngôi nhà như hư hỏng cấu trúc, nước rỉ xuống tầng 1 làm hư hỏng đồ dùng, tường ẩm mốc, xuất hiện các vết loang gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng sức khỏe và sinh hoạt của các thành viên.
Tuy nhiên, gia chủ thường lo lắng việc chống thấm cho nhà vệ sinh ở tầng 2 có thể tác động đến một số công trình khác của ngôi nhà. Vậy là thế nào để chống thấm cho nhà vệ sinh tầng 2 hiệu quả?
Đối với nhà vệ sinh tầng 2, gia chủ có thể áp dụng những phương pháp chống thấm sau:
- Nếu ống nước và sàn bê tông nhà vệ sinh bị thấm dột thì có thể chống thấm bằng Sika.
- Nếu sàn nhà vệ sinh bị thấm dột thì có thể dùng màng khò nóng.
- Nếu tường và sàn nhà vệ sinh bị thấm nước thì có thể dùng sơn Epoxy chống thấm.
- Nếu vị trí bị rỉ nước là các đường mạch gạch lót sàn, lót tường bị hở thì cân nhắc dùng keo chống thấm trong suốt.
- Nếu khu vực bị thấm dột là nền nhà vệ sinh thì sử dụng lưới thủy tinh.
Hy vọng với những chia sẻ về phương pháp chống thấm nhà vệ sinh ở trên sẽ giúp bạn tìm ra biện pháp thích hợp cho công trình của gia đình mình. Tùy theo từng loại vật liệu mà kỹ thuật chống thấm sẽ khác nhau. Nếu bạn không có kinh nghiệm thì tốt nhất hãy tìm đến những đơn vị chống thấm uy tín để đảm bảo quá trình thi công hiệu quả và đúng kỹ thuật.
Linh Trần
batdongsan