TNV - Các trường học trên toàn nước Nhật phải tạm thời đóng cửa vì vi rút Corona khiến cho hành vi tiêu dùng của người Nhật cũng dần thay đổi. Những dịch vụ giúp cải thiện môi trường làm việc từ xa hay đáp ứng nhu cầu giải trí và học tập của học sinh trong những ngày tránh dịch cũng tăng một cách đột biến.
Theo như chuỗi cửa hàng điện máy K’s Holding thì tủ lạnh chính là một trong những mặt hàng bất ngờ được bán chạy nhất, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Thông thường, khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 chính là thời điểm tủ lạnh bán chạy nhất trong năm. Thế nhưng với nhu cầu tích trữ đồ đông lạnh như hiện nay thì số lượng tiêu thụ dự báo sẽ còn tăng mạnh.
Ngoài ra doanh số của những sản phẩm giải trí trong nhà cũng trở nên khả quan rõ rệt. Doanh thu đến từ các bộ cờ truyền thống như cờ vua, cờ tướng, cờ shogi và các board game thịnh hành dành cho giới trẻ như bài uno đã tăng hơn 50% từ cuối tháng 2. Số lượng người đăng ký những khóa học tiếng Anh qua mạng tăng mạnh, chuỗi hiệu sách Maruzen cũng đã chỉ ra rằng số lượng đầu sách tham khảo hay sách bổ trợ ôn tập kiến thức được bán ra cũng tăng đáng kể.
Đây có thể chỉ là doanh thu nhờ thời vụ , hay nếu các doanh nghiệp nhìn ra được sự hấp dẫn và nhu cầu từ sản phẩm thì sẽ có được chỗ đứng vững chắc đối với người tiêu dùng trong tương lai?
Dịch vụ vận chuyển bộ kit nguyên liệu thực phẩm đã được cắt sẵn có tên là “Healthy daily” của tập đoàn điện máy Sharp ra đời ban đầu với mục đích giúp hỗ trợ khách hàng trải nghiệm dòng sản phẩm nồi nấu tự động Healsio và lò vi sóng kèm lò nướng của hãng đã đón nhận đợt tăng 50% doanh thu từ tháng 2, nhất là sau khi chính phủ cho đóng cửa trường học trên toàn quốc. Hãng này gần đây sau khi nhìn thấy nhu cầu từ thị trường cũng đã phát đi một thông điệp mới “Hãy an tâm để trẻ phụ giúp nấu ăn với Sharp” nhằm thu hút người tiêu dùng. Thậm chí Sharp cũng đã sửa lại một khu sản xuất của mình ở tỉnh Mie để sản xuất khẩu trang ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chính phủ vào ngày 28 tháng 2. Tuy nhiên, lô hàng đầu tiên sẽ ưu tiên cho chính phủ, sau đó thì người dân sẽ mua được trên trang web online của công ty.
Không chỉ có doanh nghiệp trong nước mà “DiDi ” - một ông lớn trong ngành vận chuyển tại Trung Quốc sau khi nhận thấy tiềm năng kinh doanh cũng đã mở một ứng dụng giao đồ ăn ở Osaka (một trong những thành phố lớn về kinh tế của Nhật Bản) và sẵn sàng cạnh tranh thị phần với Uber eats vào đầu năm nay. Cả hai ứng dụng đều được người sử dụng đón nhận nhiệt tình về sự tiện lợi và được dự đoán sẽ còn tăng trưởng trong dài hạn.
Sau khi dịch covid 19 bùng phát thì các cửa hàng đồ nội thất văn phòng cũ cũng bất ngờ ăn nên làm ra. Khách hàng mới tiềm năng là những người bắt đầu làm việc từ xa ở nhà và nhận thấy rằng chiếc ghế sofa của nhà không hề thoải mái để làm việc. Thậm chí doanh thu của ổ cứng với dung lượng bộ nhớ cao đã tăng 20% khi mà mọi người bắt đầu chuyển từ làm việc ở công ty sang lấy dữ liệu ở công ty rồi về nhà làm. Với sự bùng nổ của telework thì vấn đề về sự quản lý chấm công cũng sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, telework vẫn được đánh giá rằng sẽ trở thành một xu hướng dài hạn được lựa chọn của nhiều công ty. Vì nếu như nhân viên có được một sự chuẩn bị tốt thì khả năng cao là năng xuất làm việc vẫn có thể ổn định.
Khi mà khách hàng ngày càng muốn tiết kiệm thời gian và đề cao tính tiện lợi thì xu hướng kinh doanh của rất nhiều công ty chính là làm thế nào để giảm thiểu tối đa thao tác của khách hàng khi sử dụng dịch vụ.
Thái Hà (Nguồn: Nikkei Business)