Bầu cử Mỹ 2020: Trump và Biden chia rẽ về chính sách đối ngoại

Chủ nhật, 20/09/2020 - 09:23

Trong khi Tổng thống Trump ưu tiên chính sách “Nước Mỹ trên hết” thì ông Biden nhấn mạnh đến việc thúc đẩy quan hệ với các đồng minh. Chính sách đối ngoại của 2 ứng viên chia rẽ sâu sắc, nhất là khi cuộc bầu cử Tổng thống đã cận kề.

Tổng thống Mỹ Donald Trump giành chiến thắng năm 2016 với chính sách "Nước Mỹ trên hết", đảo ngược các thỏa thuận thương mại ông cho là bất bình đẳng và buộc các đồng minh của Mỹ phải trả nhiều hơn cho các hoạt động quốc phòng chung.

Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 sắp tới, ông Trump sẽ đối mặt với ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, người khẳng định sẽ khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ và đảo ngược nhiều chính sách của Tổng thống Trump.

Dưới đây là những khác biệt về chính sách đối ngoại giữa 2 ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 trong những vấn đề cụ thể.

Trung Quốc

Dưới thời Tổng thống Trump, mối quan hệ Mỹ - Trung đã lao dốc xuống mức thấp nhất trong lịch sử với những căng thẳng leo thang trên hàng loạt lĩnh vực. Ông Trump khẳng định ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên trong hàng thập kỷ đứng lên đối phó với Trung Quốc. Chiến dịch tranh cử của nhà lãnh đạo này cũng cáo buộc ông Biden đã nhượng bộ Trung Quốc khi nhiều công việc sản xuất ở Mỹ bị giảm bớt.

Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Biden đáp trả lại rằng, khả năng phản ứng với đại dịch Covid-19 của chính quyền Tổng thống Trump là một sai lầm lịch sử, đồng thời nhận định ông Trump đã coi nhẹ những cảnh báo của cộng đồng tình báo Mỹ về mức độ nghiêm trọng của đại dịch này.

Sau khi tiến hành cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong gần 2 năm qua, hồi tháng 1/2020, chính quyền Tổng thống Trump đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Bắc Kinh song kể từ đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã "đóng cánh cửa" đàm phán giai đoạn 2, đồng thời thể hiện sự không hài lòng với khả năng phản ứng trước đại dịch của Trung Quốc.

Còn theo ông Biden, Trung Quốc chính là “chất xúc tác” gia tăng sự hỗn loạn trong chính quyền Tổng thống Trump, việc Mỹ ngày càng xa rời đồng minh cũng như việc vai trò lãnh đạo của Washington trong các tổ chức toàn cầu ngày càng suy giảm.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ cũng khẳng định ông sẽ thay đổi điều này bằng cách thúc đẩy sự hợp tác đa phương, củng cố quan hệ với các đồng minh nhằm đối phó với Trung Quốc.

Iran

Tổng thống Trump đã đặt câu hỏi về những lợi ích khi Mỹ can thiệp quân sự vào Trung Đông, đặc biệt trong cuộc chiến ở Iraq năm 2013, đồng thời rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran từng được ký kết dưới thời Tổng thống Obama cùng với Nga và các nước châu Âu.

Còn với ông Biden, ứng viên đảng Dân chủ này cho biết ông sẽ trao đổi với Iran qua con đường ngoại giao và đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nhưng chỉ khi Iran nối lại việc tuân thủ các yêu cầu trong thỏa thuận về chương trình hạt nhân của nước này trước.

Sau khi các lực lượng ủy nhiệm của Iran và Mỹ xung đột ở Iraq, hồi tháng 1/2020, Tổng thống Trump đã ra lệnh không kích giết chết chỉ huy của Iran là tướng Qassem Soleimani.

Theo ông Biden, cuộc không kích trên "đã đặt Mỹ và Iran vào tình trạng xung đột", do đó ứng viên đảng Dân chủ đề xuất sẽ hạn chế hơn sự tập trung của quân đội Mỹ tại Trung Đông, đồng thời tăng cường sự hợp tác với các đồng minh khu vực nầy.

Ông Biden cũng muốn chấm dứt sự ủng hộ của Mỹ với cuộc chiến của Saudi Arabia tại Yemen trong khi Tổng thống Trump có quan điểm trái ngược về việc này.

Triều Tiên

Tổng thống Trump đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un 3 lần trong 2 năm 2018 và 2019 nhưng những nỗ lực đó không giúp việc đàm phán giữa 2 bên đạt được nhiều tiến triển.

Ông Biden cáo buộc ông Trump đã nhượng bộ Triều Tiên nhưng lại không thu về những thành quả đáng kể. Ứng viên đảng Dân chủ khẳng định ông sẽ không gặp ông Kim Jong Un nếu như không có các điều kiện tiên quyết.

Afghanistan

Tổng thống Trump khẳng định ông muốn rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan nhằm chấm dứt cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ tại quốc gia này.

Hồi tháng 2, chính quyền ông Trump đã đạt được một thỏa thuận với Taliban về việc rút dần lực lượng của Mỹ theo từng giai đoạn. Các nhà đàm phán của Afghanistan và Taliban cũng tổ chức được cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên vào ngày 15/9/2020.

Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden cũng khẳng định rằng ông sẽ đưa phần lớn quân đội Mỹ từ Afghanistan về nước, đồng thời thu hẹp sự tập trung vào nhiệm vụ chống các tổ chức khủng bố và Hồi giáo cực đoan như al Qaeda và IS tại đây.

Israel

Giống như các Tổng thống tiền nhiệm, ông Trump khẳng định sẽ đảm bảo hòa bình giữa Israel và Palestine nhưng việc nói và làm dường như không đi đôi với nhau.

Chính quyền Tổng thống Trump đã chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem năm 2018, một động thái được cho là ủng hộ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu song lại khiến Palestine giận dữ.

Không chỉ vậy, năm 2019, chính quyền ông Trump chính thức công nhận chủ quyền của Israel ở Cao nguyên Golan, đảo ngược chính sách trong một thời gian dài của Mỹ tại đây và làm nhiều nước khác bất mãn.

Hồi tháng 8, trong một diễn biến được coi là chiến thắng hiếm hoi cho nỗ lực ngoại giao của Mỹ trong khu vực, Tổng thống Trump đã làm trung gian hòa giải cho Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với việc 2 bên nhất trí bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Israel sau đó cho biết nước này sẽ tạm dừng kế hoạch sáp nhập một số khu vực ở Bờ Tây.

Một tháng sau, tức tháng 9/2020, Bahrain đã nối bước UAE nhất trí bình thường hóa quan hệ với Israel. Về vấn đề này, ông Biden cho biết ông hoan nghênh các thỏa thuận trên và nói rằng nếu đắc cử, ông sẽ "thúc đẩy các mối quan hệ để đạt được tiến triển trong giải pháp 2 nhà nước" ở Trung Đông.

Quan hệ với các đồng minh

Nếu đắc cử, ông Biden sẽ tái gia nhập thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cũng như thúc đẩy quan hệ với các liên minh của Mỹ chẳng hạn như NATO, những động thái mà ứng viên đảng Dân chủ cho rằng sẽ khôi phục vị thế lãnh đạo và uy tín của Mỹ trên toàn cầu bị phá hủy dưới thời Tổng thống Trump.

Ông Trump từng khiến các thành viên NATO và các đồng minh khác của Mỹ giận dữ khi từ chối chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin, thậm chí cả khi các quan chức tình báo Mỹ kết luận rằng quân đội Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Trong khi đó, ông Biden cảnh báo Nga, Trung Quốc và các nước khác nếu can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ sẽ phải chịu hậu quả nặng nề.

Hồi tháng 6/2020, Tổng thống Trump thông báo sẽ cắt giảm 9.500 binh lính Mỹ tại Đức, động thái vấp phải chỉ trích từ đảng Dân chủ và một số thành viên đảng Cộng hòa bởi những người này cho rằng liên minh Mỹ - Đức sẽ giúp đối phó với ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trên thế giới.

Các cố vấn trong chiến dịch của ông Biden cũng bày tỏ lo ngại về các động thái trên của chính quyền Tổng thống Trump, đồng thời khẳng định ứng viên đảng Dân chủ sẽ giải quyết được vấn đề này nếu ông đắc cử Tổng thống./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Nguồn: Reuters