Bầu cử Mỹ vào giai đoạn “nước rút”: Ông Trump và ông Biden tăng tốc

Thứ tư, 12/08/2020 - 08:41

Với hướng tiếp cận hoàn toàn trái ngược nhau, khi bầu cử Mỹ vào giai đoạn “nước rút”, chiến dịch của ông Trump và ông Biden “tăng tốc” để giành lợi thế.

Hướng tiếp cận hoàn toàn khác biệt của ông Trump và ông Biden

Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang cạnh tranh nhau từng lợi thế cả trên các nền tảng trực tuyến lẫn trên thực địa khi chỉ còn chưa tới 90 ngày là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra.

Đại dịch Covid-19 đã buộc các đội ngũ tranh cử sáng tạo trong việc tìm kiếm các biện pháp mới để tiếp cận cử tri.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Chiến dịch của Tổng thống Trump và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đang tăng cường gắt gao chiến lược trên thực địa bằng cách cử các nhân viên đeo khẩu trang gõ cửa từng nhà cử tri, trái ngược hẳn với các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội, sóng phát thanh và sóng truyền hình của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Đội ngũ chiến dịch của Tổng thống Trump đang dồn ngân sách cho các nhân viên thực địa và tăng cường việc tiếp xúc trực tiếp với các cử tri. Bất chấp đại dịch Covid-19 hoành hành, các nhân viên này đã gõ cửa hơn 1 triệu nhà cử tri tại 23 bang trong tuần vừa qua.

Đội ngũ của cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ lại có hướng tiếp cận hoàn toàn khác biệt.

Ông Biden sẽ nhận quyết định đề cử từ quê nhà Delaware mà không tới tham dự sự kiện đề cử ứng viên của đảng Dân chủ tại bang Milwaukee. Cựu Phó Tổng thống Mỹ luôn thận trọng trong việc đối phó với dịch Covid-19 vốn là tâm điểm trong chiến dịch tranh cử của ông.

Chiến dịch của ông Biden gần đây đã thông báo về khoản ngân sách dự chi cho quảng cáo lớn nhất trong lịch sử với 280 triệu USD trên truyền hình và các nền tảng kỹ thuật số, gần gấp đôi khoản dự chi hiện tại trong chiến dịch của Tổng thống Trump.

Các nhân viên trong đội ngũ chiến dịch của ông Biden không gõ cửa từng nhà bởi họ cho rằng việc này không an toàn giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Mỹ. Thay vào đó, chiến dịch này tập trung vào việc đảm bảo các cử tri có thể bỏ phiếu qua thư qua hệ thống điện thoại và các chương trình tiếp cận trực tuyến mà theo thống kê tuần vừa qua đã tiếp cận được hơn 3,5 triệu người.

Hướng tiếp cận khác nhau trên đã làm nổi bật sự khác biệt về chính trị giữa 2 đảng của Mỹ khi đối phó với đại dịch Covid-19 và cách thức thu hút sự ủng hộ của cử tri.

Trump củng cố sức mạnh trên “thực địa”

Tổng thống Trump thúc đẩy nước Mỹ cần quay lại trạng thái bình thường, thậm chí cả khi một số bang mở cửa trở lại nền kinh tế đang trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh mới.

Các thành viên đảng Dân chủ thì có hướng tiếp cận cẩn trọng hơn, đồng thời cáo buộc Tổng thống Trump khiến nhiều người gặp nguy hiểm và kéo dài đại dịch do tiến hành mở cửa quá nhanh.

"Việc cử một người đeo khẩu trang tới gõ cửa nhà của một người lạ ngay giữa đại dịch không phải là một cách sử dụng nguồn nhân lực an toàn và hiệu quả", David Bergstein, giám đốc truyền thông phụ trách các bang dao động của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ cho hay.

Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa bắt đầu mở cửa trở lại các văn phòng, tổ chức các sự kiện và đào tạo cho các tình nguyện viên vào tháng 6/2020 nhằm tăng cường khả năng tiếp cận cử tri trong tháng 7.

Đội ngũ này cho biết mọi thứ được thực hiện phù hợp với các chỉ dẫn mở cửa của địa phương và họ luôn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế virus SARS-CoV-2 lây lan thông qua việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Chiến dịch của ông Trump đã chi hơn 100.000 USD cho các thiết bị bảo hộ cá nhân và khử khuẩn văn phòng. Tất cả các nhân viên đều nhận được một tài liệu dài 8 trang nêu chi tiết các chỉ dẫn của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC), cũng như các quy định y tế khác.

"Việc gõ cửa từng nhà là cách hiệu quả và truyền động lực nhất để thu hút cử tri. Hành động này mang tính cá nhân nhiều hơn. Mặc dù việc tiếp cận qua mạng và qua điện thoại cũng quan trọng, đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục làm những điều này, nhưng không gì có thể thay thế được sự giao tiếp trực tiếp khi bạn gõ cửa từng nhà. Chúng tôi đang làm được điều đó và chiến dịch của ông Biden thì không", Mandi Merritt, thư ký báo chí quốc gia của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đánh giá.

Chiến dịch của Tổng thống Trump đã bổ sung thêm 300 nhân viên trên “thực địa” vào tháng trước, nâng tổng số nhân viên phụ trách công việc này lên 1.500 người. Khoảng 1.000 nhân viên khác sẽ sớm được thuê để tập trung vào việc tới từng nhà vận động cử tri đi bầu cử.

Các nhân viên này được yêu cầu đọc cuốn sách: "Groundbreakers: How Obama’s 2.2 million volunteers transformed campaigning in America” (tạm dịch: Những người phát kiến: 2,2 triệu tình nguyện viên của Obama đã thay đổi chiến dịch vận động tranh cử ở Mỹ như thế nào) để rút ra các bài học từ cách thức tổ chức cộng đồng của Tổng thống Obama.

Chiến dịch của Tổng thống Trump cũng cho biết đội ngũ này sẽ vượt qua thành tích của 2,2 triệu tình nguyện viên của ông Obama và khẳng định rằng, những nỗ lực trên thực địa sẽ làm giảm lợi thế cử tri đăng ký bầu cử của đảng Dân chủ tại các bang chiến địa với cách biệt hàng trăm nghìn phiếu.

Đội ngũ của Tổng thống Trump cũng cho biết họ không chỉ đặt cược vào việc tiếp xúc trực tiếp với cử tri mà còn tiếp cận được hơn 3 triệu người qua điện thoại vào tuần trước. Đội ngũ này khẳng định họ đã tiếp xúc với hơn 70 triệu cử tri, gấp đôi những nỗ lực năm 2016. Chiến dịch của ông Trump còn thông báo sẽ chi 100 triệu USD đặt cược vào nỗ lực vận động tranh cử trên thực địa.

Các giám đốc phụ trách chiến dịch của Tổng thống Trump đã làm việc trên thực địa hơn 2 năm ở một số bang trong khi thời gian gần đây, chiến dịch của ông Biden mới bổ sung những người phụ trách tại các bị trí quan trọng trên các bang chiến địa.

"Chúng tôi có một chiến dịch trên thực địa lớn nhất và hiệu quả nhất. Do sự xuất hiện trong thời gian dài của chúng tôi ở những bang này và hướng tiếp cận dựa trên các dữ liệu thu thập được, chúng tôi đã xây dựng được những mối quan hệ lâu dài với các cử tri trên thực địa, vốn sẽ tăng cường sức mạnh cho chiến thắng của Tổng thống Trump vào tháng 11 tới", người phát ngôn chiến dịch của Tổng thống Trump - Tim Murtaugh cho hay.

Biden “chi khủng” cho việc tiếp cận cử tri trực tuyến

Chiến dịch của ông Biden thì cho biết đội ngũ của họ đã nhanh chóng chuyển hướng từ tiếp xúc trực tiếp sang việc gọi điện thoại và sử dụng các nền tảng trực tuyến, cũng như tập trung vào việc bỏ phiếu qua thư. Theo đó, chiến lược này sẽ góp phần giúp cựu Phó Tổng thống chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử với vấn đề bao trùm là đại dịch Covid-19.

Chiến dịch của ông Biden đã thành lập các tổ chức trên thực địa chuyên gọi điện thoại cho các cử tri để vận động tranh cử và hỗ trợ giải đáp những vướng mắc của họ liên quan đến việc bỏ phiếu qua thư.

Đảng Dân chủ cho hay, những nỗ lực của họ đang được đền đáp khi việc này giúp họ có lợi thế với khoảng 500.000 cử tri đăng ký bỏ phiếu qua thư tại cả Florida và Bắc Carolina. Đảng Dân chủ cũng yêu cầu tiến hành bỏ phiếu qua thư ở tỷ lệ cao hơn hẳn so với đảng Cộng hòa ở Pennsylvania.

"Không giống như đảng Cộng hòa, chiến dịch của ông Biden và đảng Dân chủ đã thành công trong việc chuyển đổi chiến thuật vận động tranh cử trên thực địa cách đây nhiều tháng, chẳng như việc bỏ phiếu qua thư tại các bang chiến địa", ông Bergstein thuộc Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ cho hay.

Chiến dịch của ông Biden cũng đang nhanh chóng bổ sung thêm nhân viên và họ sẽ có khoảng hơn 2.000 nhân viên trên thực địa vào cuối tháng này, một con số tương xứng với chiến dịch của ông Trump.

Họ cho biết tỷ lệ phản hồi các cuộc điện thoại và trả lời tin nhắn của cử tri đang rất cao bởi nhiều người phải làm việc ở nhà trong đại dịch.

Một kế hoạch cuối tuần gần đây của đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông Biden đã thực hiện hơn 500.000 cuộc điện thoại cho cử tri ở bang Michigan và hơn 1 triệu tin nhắn được gửi tới các cử tri ở Georgia, Pennsylvania và Florida nhằm hối thúc họ bỏ phiếu qua thư.

Đảng Dân chủ cho biết họ đang chứng kiến thành quả từ chiến lược này khi những nỗ lực thời gian qua được đền đáp qua các cuộc bỏ phiếu sơ bộ.

Gần 600.000 thành viên đảng Dân chủ bang Arizona đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ gần đây, phá kỷ lục được thiết lập năm 2016 với hơn 100.000 người.

Đảng Dân chủ cũng chứng kiến tỷ lệ có mặt kỷ lục trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại Georgia, vượt mốc 1 triệu người.

"Phó Tổng thống Biden đang thực hiện chiến dịch của ông ấy tương tự như cách ông ấy dẫn dắt chúng ta qua cuộc khủng hoảng này như một Tổng thống, qua việc tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế, lắng nghe khoa học, bảo vệ sức khỏe người dân Mỹ, thậm chí cả khi các nhân viên và tình nguyện viên liên lạc với hàng triệu cử tri tại các bang chiến địa bằng cách sử dụng các chiến thuật tổ chức truyền thống và hiện đại", Michael Gwin, người phát ngôn chiến dịch của ông Biden cho hay./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo The Hill