Đầu tháng 9/2020, tập đoàn bảo hiểm R+V lớn nhất nước Đức công bố kết quả cuộc thăm dò truyền thống hàng năm mà tập đoàn này đã thực hiện từ 28 năm qua, với chủ đề quen thuộc “những gì mà người Đức sợ hãi nhất”.
Trong một năm 2020 lịch sử với toàn thế giới, khi đại dịch Covid-19 tạo nên cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế-xã hội lớn nhất trong hơn một thế kỷ qua với hầu hết các quốc gia trên thế giới, điều bất ngờ là virus Sars-CoV-2 chỉ đứng thứ… 17 trong danh sách sợ hãi của người Đức. Người Đức lo ngại hơn về việc đời sống trở nên đắt đỏ, tình hình kinh tế khó khăn, nghĩa vụ đóng thuế gia tăng.
Và trên hết, người Đức sợ nhất Donald Trump. 53% trong số hơn 2400 người Đức được R+V khảo sát nói rằng, Tổng thống Mỹ là mối đe dọa lớn nhất.
Ai đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ có lợi cho châu Âu? (Ảnh: BBC)
Cuộc khảo sát của R+V không chỉ rõ khía cạnh nào của vị Tổng thống Mỹ khiến người Đức lo ngại nhất, nhưng hầu hết giới phân tích có chung quan điểm, rằng chính sách đối ngoại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành trong 4 năm qua tạo nên sự bất mãn, lo âu lớn nhất đối với người Đức.
Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, các lời lẽ chỉ trích, tấn công đồng minh châu Âu, đặc biệt là Đức, cùng việc Mỹ đơn phương rút khỏi hàng loạt các cam kết quốc tế như thỏa thuận hạt nhân Iran hay Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu… tạo ra một sự bất an lớn cho người Đức, bởi khi nước Mỹ bị cuốn theo chủ nghĩa biệt lập và từ bỏ vai trò của mình trên thế giới, một thời kỳ hỗn loạn có thể ập đến, trước khi một trật tự mới hợp lý hơn được thiết lập.
Cuộc khảo sát ở nước Đức, cường quốc số 1 châu Âu với các công dân nổi tiếng với tư duy lý tính, là một chi tiết nhỏ nhưng lại nói lên nhiều điều về cách mà châu Âu đánh giá Tổng thống Mỹ, Donald Trump. Với châu lục này, Tổng thống Mỹ trong vài năm qua đang tấn công vào các nền tảng quan trọng nhất của mối quan hệ chiến lược truyền thống liên Đại Tây Dương như khối quân sự NATO hay việc vận hành thế giới trên các giá trị của chủ nghĩa đa phương.
Do đó, tuy không có các bình luận công khai nhưng qua những gì thể hiện trên truyền thông, hay gián tiếp qua các phân tích của các quỹ nghiên cứu… thì hầu như toàn bộ, hay đại đa số dư luận, chính giới và chính phủ các nước châu Âu đều không ủng hộ ông Donald Trump. Một số ít ỏi tài liệu chính thống lọt ra ngoài lại tràn ngập các đánh giá vô cùng nặng nề về Tổng thống Mỹ, như báo cáo của cựu Đại sứ Vương quốc Anh tại Mỹ, ông Kim Darroch, rằng “ông Donald Trump thiếu năng lực và có thể sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình trong ô nhục”.
Đa số các bình luận ở châu Âu thời gian qua so sánh những gì hiện nay trong quan hệ châu Âu-Mỹ còn tệ hơn nhiều thời điểm châu Âu chia làm hai phe phản đối và ủng hộ Mỹ tại cuộc chiến Iraq 2003. Bởi những rạn nứt hiện nay là một sự chệch hướng nghiêm trọng và có tác động lâu dài, thay đổi hẳn quan điểm địa chính trị của châu Âu.
Việc ông Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11 này, vì thế, gần như chắc chắn sẽ không phải là tin tức được chào đón ở Berlin, Paris hay Brussels.
Một cây không thể che cả khu rừng
Nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc Joe Biden sẽ là một lựa chọn lý tưởng với châu Âu, dù sẽ ít tiêu cực hơn Donald Trump.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ là một chính trị gia “truyền thống”, theo nghĩa dễ nắm bắt và không phá bỏ quy cách như ông Donald Trump. Trong các diễn văn vài năm qua, Joe Biden cũng đề cao sự quan trọng của châu Âu. Tại Diễn đàn an ninh Munich 2018, Joe Biden khẳng định, nước Mỹ cần phải tiếp tục sát cánh cùng các đồng minh.
Là người thân tín của cựu Tổng thống Barack Obama, ông Joe Biden cũng được xem là một sự tiếp nối của những gì ông Obama từng thể hiện, đó là ủng hộ một mối quan hệ chiến lược liên Đại Tây Dương mạnh, một cộng đồng đề cao giá trị hơn là chỉ ở khía cạnh quốc phòng, cũng như thúc đẩy các đối thoại chiến lược về kinh tế-thương mại. Nói cách khác, nếu Joe Biden trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ, quan hệ Âu-Mỹ có thể được “reset” lại theo hướng mà châu Âu mong muốn.
Nhưng, sự cảnh giác đối với kịch bản Biden chiến thắng cũng không hề ít tại châu Âu. Vì sự thay đổi trong nhận thức của nước Mỹ đối với châu Âu không phải bắt đầu từ thời ông Donald Trump mà thực chất đã bắt đầu từ trước đó, khi ông Barack Obama làm Tổng thống và ông Joe Biden là cấp phó.
Đó không phải là một sự thay đổi đột ngột và thô bạo như dưới chính quyền Donald Trump nhưng cũng là một sự thay đổi thực chất, khi nước Mỹ rút dần các cam kết khỏi châu Âu, thực thi chiến lược “lãnh đạo từ phía sau” để đẩy các nước châu Âu lên đầu chiến tuyến, đồng thời chuyển hướng các ưu tiên chiến lược của nước Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương. Chuyện Mỹ đòi châu Âu đóng góp thêm cho NATO cũng không phải đến thời Donald Trump mới xuất hiện. Nó đã nhen nhóm từ thời Bush “con” và tăng cường độ gấp đôi dưới thời Barack Obama và Joe Biden.
Joe Biden chỉ là cái cây, không thể che cả một khu rừng và vấn đề của châu Âu với Mỹ không nằm ở một cá nhân lãnh đạo mà là ở ưu tiên quốc gia. Chủ nghĩa Đại Tây Dương vốn chi phối quan hệ hai bên đang dần đánh mất ưu thế. Bước ngoặt từ cuộc chiến Iraq 2003 đã đẩy hai bên xa dần nhau, khi ngày càng nhiều nước châu Âu nhận ra rằng sự phiêu lưu của Mỹ chứa đựng quá nhiều rủi ro.
Nói như Robert Kagan, nhà nghiên cứu chính trị tân bảo thủ và sáng lập think-tank “Dự án cho một thế kỷ mới của Mỹ” thì từ sau thời điểm đó “Mỹ đến từ sao Hỏa còn châu Âu đến từ sao Kim”. Ưu tiên chiến lược và sự lo lắng với nước Mỹ đã chuyển sang châu Á còn châu Âu cũng đã không còn giữ được tầm quan trọng sống còn của mình với Mỹ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Những lãnh đạo chính trị châu Âu hiểu rõ điều đó. Cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine, người được chọn làm chiến lược gia đại diện cho nước Pháp tham gia vào Ủy ban hoạch định lại chiến lược tương lai của NATO, cho rằng, dù nước Mỹ có ai là Tổng thống thì người đó cũng chống Huawei (tức Trung Quốc) và buộc NATO phải thay đổi.
Và do đó, như Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đánh giá tại Hội đồng đối ngoại châu Âu hồi đầu năm, thách thức đặt ra với châu Âu không phải là làm sao thích ứng với một Tổng thống Mỹ, dù cũ hay mới, mà là làm sao để học cách giải quyết tốt vấn đề của mình kể cả khi không có Mỹ.
Tư duy chiến lược mà ông Heiko Maas đề cập đang ngày càng chiếm đa số tại châu Âu nhưng có thể sẽ phải sớm đối mặt với một nghịch lý vào tháng 11. Nếu Joe Biden chiến thắng, điều mà hầu như tất cả các dự báo đều nghiêng theo, quan hệ Âu-Mỹ sẽ được cải thiện, những ngày tháng cũ có thể quay lại nhưng cũng đồng nghĩa với việc không ít quốc gia châu Âu, nhất là các nước nhỏ ở Đông Âu và Baltic, sẽ ngay lập tức quay trở lại trong vòng ảnh hưởng của Mỹ để tiếp tục ỷ lại vào ô an ninh của người Mỹ và quên đi động lực mới nhen nhóm về việc xây dựng cho châu Âu một sự tự chủ về an ninh-quốc phòng.
Mà như thế, châu Âu sẽ mãi không thể “lớn” được như một cường quốc địa chính trị mà khối này mong muốn./.
Theo Chinhphu