TNV - ... Nhưng quyết định mua cả quả đồi Pú Lo và thương hiệu Công ty Cổ phần thương mại du lịch Hoa Tây Bắc ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái làm địa điểm để phát triển kinh doanh của Hải còn gây sửng sốt hơn. Bởi trong suốt 8 năm trời lăn lộn thương trường, đi lại làm ăn với hàng chục tỉnh, thành phố trong Nam ngoài Bắc và các nước Lào, Cam phu chia, Trung Quốc..., nhưng Hải vẫn chỉ coi đó như chốn dừng chân tạm thời. Vậy mà mảnh đất Mường Lò xa xôi, hẻo lánh... lại giữ chân được chàng doanh nhân trẻ Hà thành hào hoa.!.
Quyết định bất ngờ
Có năng khiếu điền kinh từ ngày còn học cấp 2, từng đoạt giải nhất ở trường, ở huyện rồi cả ở thành phố. Mê điền kinh, tìm thấy thành công từ điền kinh, nên năm 2003 khi 18 tuổi, chàng thanh niên mới lớn Trần Văn Hải quê xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đã được tuyển chọn làm vận động viên chuyên nghiệp của đội tuyển điền kinh thành phố. Được tập luyện bài bản cộng với tố chất bẩm sinh, Hải đoạt giải nhất môn điền kinh tại Hội khỏe Phù Đổng năm 2004 tổ chức ở Huế, và giành tiếp giải nhất tại giải trẻ toàn quốc năm 2005.
Nhà xưởng lắp ghép cao to rộng lớn dùng làm nơi để công nhân cạo vỏ và chẻ quế.
Đang ở đỉnh cao sự nghiệp, năm 2007 đột nhiên Hải từ giã nghiệp thể thao về theo bố mẹ làm kinh doanh, gây bao cho bạn bè, huấn luyện viên bao niềm nuối tiếc, bất ngờ. Nhưng quyết định mua cả quả đồi Pú Lo và thương hiệu Công ty Cổ phần thương mại du lịch Hoa Tây Bắc ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái làm địa điểm để phát triển kinh doanh của Hải còn gây sửng sốt, bất ngờ hơn. Bởi trong suốt 8 năm trời lăn lộn thương trường, đi lại làm ăn với hàng chục tỉnh, thành phố trong Nam ngoài Bắc và các nước Lào, Cam phu chia, Trung Quốc..., nhưng Hải vẫn chỉ coi đó như chốn dừng chân tạm thời. Vậy mà mảnh đất Mường Lò xa xôi, hẻo lánh... lại giữ chân được chàng doanh nhân trẻ Hà thành hào hoa.!.
Cười thật thà, giám đốc Hải giải thích : " Gia đình em đã có mấy chục năm thu mua quế về chế biến xuất khẩu, đi lại nhiều nơi nhưng em thấy ở đây khí hậu dễ chịu, chất lượng quế ổn định, hơn nữa để chủ động nguồn nguyên liệu, nhân công và giảm chi phí vận chuyển... thế là em quyết ngay thôi ".
Những khoảng sân rộng mênh mông phơi bạt ngàn quế và quế.
Theo chân bạn trẻ Tuấn Anh (cán bộ quản lý của Công ty), tôi tới thăm khu chế biến quế. Giữa cái nắng chang chang đầu mùa, những khoảng sân rộng mênh mông phơi bạt ngàn quế và quế. Phía trong cùng là nhà xưởng lắp ghép cao to rộng lớn dùng làm nơi để công nhân cạo vỏ và chẻ quế. " Do Chính phủ có chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội, phục hồi dần các hoạt động kinh tế sau khi kiềm chế thành công dịch COVID – 19, nên công nhân đã đi làm đông đúc trở lại, nhưng số lượng mới chỉ đạt già nửa so với trước ", Tuấn Anh cho biết.
Vừa miệt mài cạo vỏ, chị Lò Thị Nhung người dân tộc Thái ở xã Nghĩa An vừa nói, nhờ có công ty nên 3 năm nay chị và 6 người trong xã không phải xa nhà hàng trăm cây số để làm việc mà vẫn có việc làm và thu nhập ổn định từ 4,5 đến hơn 6 triệu đồng/người/tháng tùy theo số lượng sản phẩm làm được, công việc chăm sóc gia đình, đồng áng cũng đảm bảo chu tất.
Hơn 150 lao động địa phương có việc làm và thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.
Đưa tôi về phía cuối xưởng, chỉ vào người phụ nữ nhỏ nhắn khoảng hơn 40 tuổi, Tuấn Anh phấn khởi nói : " Đây là người làm nhanh nhất, có lương cao nhất công ty". Chỉ khẽ mỉm cười, đôi tay vẫn nhanh thoăn thoắt dứt khoát chẻ từng đường dao cho ra những thanh quế đều tăm tắp từng, chị Giang vui vẻ đáp : " Tôi làm ở đây từ ngày đầu lập xưởng, đến nay đã hơn 4 năm rồi. Công việc sở trường là chẻ quế. Mỗi ngày chẻ được 1,2 tấn, với định mức 30 ngàn/tạ tính ra cũng được 350 – 360 ngàn đồng/ngày”.
Bữa trưa miễn phí dành cho gần 50 lao động công nhật.
Do là công việc khoán theo sản phẩm, nên những lúc rảnh rỗi một số bạn trẻ độ tuổi học sinh cấp 2, cấp 3 cũng đi theo phụ giúp bố mẹ cạo vỏ, cắt quế kiếm thêm thu nhập. Lường Thị Ánh Dương – nữ sinh lớp 10 ở phường Phú Trạng là một trong số đó. Ánh Dương cho biết đã phụ mẹ được mấy năm rồi, vừa để cải thiện cuộc sống gia đình vừa để theo học hết phổ thông trung học.
Đầu tư ổn định, kinh doanh lâu dài
Ngoài khoảng hơn 100 lao động làm khoán theo sản phẩm, công ty còn có gần 50 lao động làm công việc phơi quế thường xuyên theo tháng, với mức lương từ 4,5 – 5 triệu đồng/người/tháng kèm theo bữa trưa. Hôm nào cũng vậy, cứ đến khoảng 10 giờ là 2 người làm công nhật lại lên bếp nấu bữa trưa cho mọi người. Bữa trưa nay do chị Hoa (ở thị trấn Nông trường Liên Sơn) và chị Hồng (thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ) đảm nhiệm. Tại nhà ăn, quạt đang quay mát mẻ, 7 mâm cơm đã được dọn sẵn gồm thịt kho với trứng, rau đậu xào, tô canh và những khay cơm trắng bốc hơi nghi ngút từ tủ nấu cơm điện bày ra sẵn sàng để mọi người có bữa ăn ngon miệng.
13 phòng lục giác được thiết kế độc đáo hình tổ ong dành cho khách phượt
và khách nước ngoài ưa thích trải nghiệm.
Tôi buột miệng hỏi về gia đình riêng của chàng quản lý cao to, đẹp trai, dáng dấp rất thể thao, Tuấn Anh (32 tuổi) - sinh ra và lớn lên ở thành phố Bắc Giang vui vẻ tiết lộ : “ Lên đây làm việc được hơn hơn 1 năm, em bén duyên với một cô gái Nghĩa Lộ và kết hôn đầu năm 2019, giờ chúng em đã có bé trai gần hơn 6 tháng tuổi và Nghĩa Lộ đã trở thành quê hương thứ 2 của em rồi!”.
Trên đồi Pú Lo, giám đốc Hải đón tôi tại khu nhà hàng ăn uống nằm bên bể bơi dẫn nguồn nước suối (đã qua xử lý bằng công nghệ điện phân) trong lành, mát lạnh, luôn chảy tràn bờ phẳng phiu như một tấm gương lớn. Ở độ cao này, vừa nhâm nhi hương vị trà Nghĩa Lộ tôi vừa thảnh thơi phóng tầm mắt nhìn bao quát gần như trọn vẹn trung tâm thị xã Nghĩa Lộ và cánh đồng Mường Lò rộng lớn.
23 phòng nghỉ tiêu chuẩn 3 sao, xung quanh luôn mát xanh hoa lá.
Trong câu chuyện tâm giao, Hải nhẩn nha kể, nghề làm quế mỗi năm có 2 vụ, vụ Ba (tháng 3) và vụ Tám (tháng 8), mỗi vụ khoảng từ 2,5 – 3 tháng, cả năm chỉ bận rộn khoảng 6 tháng. Thấy địa thế phong quang cao ráo, em nảy ra ý định làm dịch vụ và du lịch, được chính quyền địa phương ủng hộ, đầu năm 2018 em tiến hành khởi công đầu tư xây dựng khu dịch vụ, du lịch và giải trí mang tên Dragonfly.
Khu nhà hàng ăn uống, bar – cafe nằm sát bể bơi.
Đến nay, khu dịch vụ mang cái tên ngộ nghĩnh “Chuồn chuồn” trên đồi Pú Lo đã trở thành một trong điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh có cảnh quan đẹp, đầu tư hiện đại với 23 phòng nghỉ tiêu chuẩn 3 sao, 13 phòng lục giác được thiết kế độc đáo hình tổ ong dành cho khách phượt và khách nước ngoài ưa thích trải nghiệm, khu nhà hàng ăn uống, bar – cafe, bể bơi 4 mùa.
Tranh thủ khoảng trống giữa những câu chuyện, Hải đi lại đôn đốc các tốp thợ đang thi công cầu thang máy ngoài trời, mở rộng bãi đỗ xe và 19 căn nhà bungalow dự kiến cuối tháng 5/2020 sẽ hoàn thành để kịp đón nhu cầu đặt phòng và thưởng ngoạn ngày một tăng của khách du lịch.
Bể bơi 4 mùa dẫn nguồn nước suối (đã qua xử lý bằng công nghệ điện phân) trong lành, mát lạnh.
Khi được hỏi về dự định những hạng mục sẽ đầu tư, CEO Trần Văn Hải bộc bạch : “Em đã đầu tư vào đây dăm bẩy chục tỷ rồi, đợi công việc đi vào nề nếp, sẽ đầu tư tiếp một số hạng mục. Còn trong năm nay sẽ kiện toàn bộ máy nhân sự và chuyển việc kê khai báo cáo thuế mảng kinh doanh chế biến xuất nhập khẩu quế từ Đông Anh lên Nghĩa Lộ cho thuận tiện”.
Ở độ cao này, thảnh thơi phóng tầm mắt bao quát gần như trọn vẹn trung tâm
thị xã Nghĩa Lộ và cánh đồng Mường Lò rộng lớn.
Có lẽ sau nhiều năm chu du bốn phương trời, có cơ hội được bén duyên với mảnh đất Nghĩa Lộ, doanh nhân Trần Văn Hải đã chọn cho mình được nơi để đầu tư ổn định, kinh doanh lâu dài./.
Mỗi năm công ty của gia đình CEO Trần Văn Hải thu mua khoảng 1.200 – 1.500 tấn vỏ quế tươi của bà con trồng quế tỉnh Yên Bái với trị giá chừng 30 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho hơn 150 lao động địa phương mỗi năm từ 5 – 6 tháng với thu nhập trung bình 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Hà Văn Nam (Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ), đây là nhà đầu tư trẻ, hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, đặc biệt Khu dịch vụ du lịch Dragonfly đã tạo ra điểm nhấn thu hút du lịch cho địa phương, được Đoàn đại biểu cao cấp của Quốc hội do Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển dẫn đầu đến thăm và khen ngợi.
Phạm Quỳnh