Được biết, bé D. mắc phải bệnh lý Kawasaki hiếm gặp và đây cũng là trường hợp đầu tiên tại khu vực phía Nam được bệnh viện Chợ Rẫy can thiệp thành công.
Kawasaki là bệnh lý thuộc dạng mắc phải ở trẻ em. Căn bệnh này rất hiếm gặp và tùy theo từng quốc gia, nhưng thường gặp ở các nước Châu Á, đặc biệt là ở Nhật. Ước chừng khoảng từ 50-100 trường hợp/100.000 dân. Bệnh lý này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tổn thương tất cả các động mạch trung bình và động mạch nhỏ, làm tổn thương các nội mạc. Đặc thù là động mạch vành bên phải bị tổn thương nhiều dẫn đến tình trạng giãn, phình động mạch. Tình trạng này hình thành nên huyết khối tiếp tục gây tắt động mạch vành bên phải, dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp hoặc nghiêm trọng hơn là vỡ ra gây nên chèn ép tim cấp và có thể dẫn đến đột tử.
Trước đó, ngày 14/06/2024, bệnh nhân (BN) D. nhập bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng thỉnh thoảng nặng ngực khi gắng sức, có những vết bầm về rối loạn đông máu do điều trị bằng thuốc kháng đông trước đó. Khoa đã tiến hành các chẩn đoán tích cực như siêu âm tim, CT -scan và chụp mạch vành, kết quả phát hiện bệnh nhân có nhiều túi phình, 2 túi phình ở động mạch vành bên phải rất to, có huyết khối bên trong và nguy cơ vỡ rất cao.
Đánh giá về những nguy cơ nếu không được can thiệp phẫu thuật kịp thời, TS BS CKII Lê Thành Khánh Vân cho biết, có 2 nguy cơ mà nếu xảy ra đều khiến bệnh nhân có thể tử vong, gồm: nguy cơ thứ nhất là nếu bị tắt động mạch vành cấp tính sẽ khiến cho BN thiếu máu hoàn toàn tim bên phải, dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột tử. Nguy cơ thứ 2 là túi phình quá to (gần như gấp 10 lần kích thước động mạch vành bình thường) sẽ gây ra nguy cơ vỡ động mạch vành bên phải cũng dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, khoa Hồi sức phẫu thuật tim trẻ em đã phối hợp cùng các chuyên khoa hội chẩn và tiến hành phẫu thuật cho BN.
Ca phẫu thuật đã hoàn thành sau 8 giờ. Ekip đã thành công lấy hoàn toàn huyết khối trong phình động mạch vành ở cả 2 nơi của động mạch vành bên phải. Túi phình thứ nhất với kích thước khoảng 30mm (tức 3cm) và túi phình thứ hai khoảng 20mm (tức 2cm). Sau đó, ekip đã dùng đường dẫn bằng màng ngoài tim khoảng 5mm để nối từ chỗ xuất phát của động mạch vành bên phải cho đến đầu xa của động mạch vành còn lại, cắt bỏ bao túi phình và tái tạo lại.
Sau phẫu thuật 24 giờ, BN được rút nội khí quản, kết quả điện tâm đồ cho thấy ổn định, siêu âm kiểm tra tim đập với chức năng tim phục hồi tốt. Diễn tiến hậu phẫu thuận lợi, không phát hiện tràn dịch màn ngoài tim, không nhồi máu cơ tim, sinh hiệu ổn. Một tuần sau phẫu thuật, BN có thể ngồi được, tự đi lại ổn nên đã được xuất viện vào cuối tuần rồi.
Để tránh việc phát hiện và điều trị chậm trễ đối với bệnh lý nguy hiểm này, TS BS CKII Lê Thành Khánh Vân- Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim trẻ em cũng đưa ra khuyến cáo đến quý vị phụ huynh: Khi phát hiện trẻ có bệnh lý về tim mạch từ bẩm sinh cho đến mắc phải, cần đưa trẻ đến các bệnh viện có chuyên khoa sâu về tim mạch nói chung tại khu vực TP.HCM cũng như trên cả nước, để được thăm khám và điều trị kịp thời, đúng chuyên môn và đúng thời điểm can thiệp phẫu thuật, tránh những hệ lụy đáng tiếc về sau.
Tấn Tài