TNV - Sau hơn một tháng thi công, đơn vị chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện huyện Cần Giờ chính thức đi vào hoạt động, với sự vận hành của đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Cắt băng Khánh thành đơn vị chạy thận nhân tạo huyện Cần Giờ TPHCM
Sáng 18/10, Sở Y tế TP.HCM phối hợp với UBND huyện Cần Giờ chính thức đưa vào vận hành đơn vị chạy thận nhân tạo với trang thiết bị, máy móc hiện đại, phòng ốc khang trang sạch sẽ.
Được chạy thận ngay tại địa phương mình là niềm mơ ước của nhiều bệnh nhân suy thận tại huyện Cần Giờ bao năm qua. Nhờ sự quyết liệt chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM, cùng với sự "xung phong" hỗ trợ của Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), nay ước mơ của những bệnh nhân suy thận ấy đã thành hiện thực.
Giám đốc sở trao đổi với bác sĩ bệnh viện Lê Văn Thịnh đơn vị đảm nhận vận hành chạy thận nhân tạo tại huyện Cần Giờ.
Trong số 41 bệnh nhân suy thận đang phải chạy thận tại các bệnh viện ở trung tâm Thành phố như Bệnh viện, Nguyễn Tri Phương, Lê Văn Thịnh, 115, Nhà Bè, quận 8 và Bệnh viện Quân y 175... Hiện đã có 16 bệnh nhân đăng ký về chạy thận tại Cần Giờ, trong đó có 3 bệnh nhân ở xã đảo Thạnh An.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết nhiều năm qua, huyện Cần Giờ, nhất là xã đảo Thạnh An, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và ngành y tế, song nơi đây vẫn còn hạn chế nhất định về nguồn nhân lực. Thấu hiểu sự khó khăn của người dân nơi đây, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã tình nguyện đăng ký và được Sở Y tế TP HCM phê duyệt thành lập đơn vị chạy thận nhân tạo vệ tinh tại Trung tâm y tế huyện Cần Giờ.
Màn hình theo dõi.
Theo bác sĩ Khanh, khi triển khai thành lập, khó khăn lớn nhất là thời gian cần hoàn thành rất nhanh mà khối lượng công việc tương đối nhiều, quy mô lớn nhưng tất cả quy trình, quy định về an toàn người bệnh cần phải nghiêm ngặt, đảm bảo.
"Chúng tôi phải rất vất vả, nhưng hôm nay bù lại người dân được chạy thân tại đây, bớt khổ, bớt đi xa, đó đã là nguồn động viên lớn cho ngành y tế thành phố cũng như bản thân các bác sĩ tham gia", bác sĩ Khanh nói.
Trước đó, nhiều bệnh nhân suy thận mạn ở Cần Giờ phải vào các bệnh viện ở nội thành để chạy thận. Bệnh nhân ở xã đảo Thạnh An gặp khó khăn hơn, phải tốn 25 giờ đi và về cho một lần chạy thận, một tuần ba lần. Họ phải nhờ người thân đưa lên ghe vượt biển vào thị trấn Cần Thạnh thuê trọ ngủ qua đêm, đến rạng sáng bắt xe đò đến bệnh viện chạy thận. Không ít người phải bỏ điều trị giữa chừng.
Giám đốc sở y tế TPHCM trao quà cho bệnh nhân chạy thận.
“Thấu hiểu sự khó khăn của người bệnh nơi đây phải lặn lội lên Thành phố chạy thận, chúng tôi đã thành lập đơn vị chạy thận nhân tạo vệ tinh của Bệnh viện Lê Văn Thịnh tại Bệnh viện huyện Cần Giờ”, bác sĩ Khanh nói và cho biết thêm, thời gian đầu các bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Lê Văn Thịnh sẽ luân phiên thực hiện các kỹ thuật chạy thận tại đây. Dự kiến đến năm 2025 sẽ chuyển giao các kỹ thuật này cho Bệnh viện huyện Cần Giờ.
Trao quà cho bệnh nhân ở Cần Giờ.
Mỗi kíp trực có 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng. Các y bác sĩ này sẽ được hưởng chính sách đãi ngộ từ TP.HCM với đề xuất của Sở Y tế góp phần đáng kể để động viên nhân viên y tế an tâm công tác tại đây. Bệnh nhân cũng được hưởng mọi quyền lợi từ chính sách khám chữa bệnh BHYT ngay tại huyện nhà với chất lượng cao, an toàn”, bác sĩ Khanh nói.
Quy trình chạy thận tại đây đều được kiểm soát theo quy trình một chiều. Phòng RO đều có nội quy quản lý nghiêm ngặt, niêm phong ổ khóa và ai là người vào phòng RO phải được phép và ký tên nhằm đảm bảo an toàn tốt nhất cho người bệnh chạy thận.
Theo bác sĩ Từ Kim Thanh, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, trước mắt, sẽ có hai bác sĩ và 4 điều dưỡng của đơn vị này ở lại Cần Giờ xuyên suốt để hỗ trợ bệnh nhân chạy thận và luân phiên thay đổi nhân sự 3 tháng/lần. Đồng thời, người bệnh được hỗ trợ bảo hiểm y tế gần như hoàn toàn.
Trung tâm y tế huyện Cần Giờ được lắp đặt 5 máy chạy thận nhân tạo, cơ bản đủ đáp ứng cho 16 bệnh nhân đăng ký ban đầu. Trong 2 tháng tới, Bệnh viện Lê Văn Thịnh sẽ bổ sung thêm 5 máy nữa để hỗ trợ cho tất cả bệnh nhân cần chạy thận nơi đây. Từ nay đến 2025, nhân sự của bệnh viện sẽ luân phiên về hỗ trợ. Sau năm 2025, nơi này sẽ tập huấn, chuyển giao để các y, bác sĩ Cần Giờ tiếp nhận, làm chủ kỹ thuật chạy thận nhân tạo.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, trước khi triển khai nhận bệnh nhân tại Đơn vị chạy thận này, Hội đồng chuyên gia của ngành y tế đã xuống thẩm định và khẳng định, đơn vị đạt chuẩn với quy trình, kỹ thuật nghiêm ngặt.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM hoan nghênh Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã xung phong hỗ trợ Cần Giờ để chăm sóc người bệnh một cách tốt nhất. Trong suốt thời gian qua, các bác sĩ trẻ của các bệnh viện Thành phố cũng đã xung phong luân phiên xuống xã đảo Cần Giờ chăm sóc bệnh nhân.
Tính đến 31/12/2022, toàn huyện Cần Giờ có 19.589 hộ dân, với 77.894 nhân khẩu, mật độ dân cư thưa và phân bố không đều theo địa bàn hành chính xã, có xã quy mô dân số trên 20.000 người/xã (xã Bình Khánh) nhưng có xã quy mô dân số dưới 5.000 người/xã (xã Thạnh An). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,8% dân số.
Tổng số nhân lực y tế của huyện Cần Giờ hiện có 239 người, gồm: 21 bác sĩ (tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân chỉ đạt 5,14, trong khi cả Thành phố đã là 20); 125 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y; 93 nhân viên khác. Trong thời gian 05 năm gần đây Trung tâm y tế không tuyển dụng được bác sĩ, hoặc tuyển dụng được nhưng sau một thời gian ngắn thì xin nghỉ việc, dẫn đến nhiều danh mục kỹ thuật trong tuyến, đặc biệt là nhi khoa, sản khoa, ngoại khoa,…không được triển khai, huyện tiếp tục nhận sự hỗ trợ nhân sự chuyên môn luân phiên từ các bệnh viện đầu ngành của Thành phố như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Mắt,…
Việc sáp nhập bệnh viện huyện vào Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ về cơ bản đã giúp Trung tâm thể hiện được vai trò tham mưu giúp Sở Y tế, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và triển khai các hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, do không có bệnh viện nên năng lực cung ứng dịch vụ điều trị còn hạn chế do không thu hút được nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ có trình độ chuyên khoa, dẫn đến nhiều kỹ thuật điều trị chuyên khoa không được triển khai đáp ứng nhu cầu của người dân (như chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, sanh mổ…), người dân phải lên các bệnh viện tuyến trên để điều trị, mất rất nhiều thời gian đi lại và tốn kém về chi phí.
Tại buổi họp tại huyện Cần Giờ vào sáng ngày 18/10/2023, lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo huyện Cần Giờ thống nhất cao không phải chờ đến khi đề án được UBNDTP phê duyệt, sẽ triển khai ngay những hoạt động cấp bách và thiết thực trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho người dân huyện Cần Giờ, cụ thể như: luân phiên bác sĩ trẻ tình nguyện đến công tác tại Trạm y tế xã đảo Thạnh An; triển khai đơn vị chạy thận thuộc BV Lê Văn Thịnh đặt tại Trung tâm y tế huyện; sắp đến là thành lập Trạm Cấp cứu vệ tinh do Trung tâm Cấp cứu 115 đảm trách,… Điều đáng mừng là UBND huyện Cần Giờ đang khẩn trương triển khai “nhà ở xã hội” nhằm hỗ trợ nơi nghỉ, nơi sinh hoạt cho nhân viên y tế của các bệnh viện thành phố luân phiên đến công tác tại huyện Cần Giờ.
Về Đề án "Nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ", ông Thượng cho biết, đã chính thức khởi động, mặc dù phải chờ Thành phố phê duyệt, nhưng không có nghĩa là chờ rồi mới làm. Trước mắt, ngành y tế Thành phố sẽ bàn để tái lập lại Bệnh viện huyện Cần Giờ.
"Ngành y tế tiếp tục kêu gọi y bác sĩ xung phong xuống Cần Giờ để Bệnh viện huyện Cần Giờ hoạt động trở lại. Mong lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ sớm có chính sách thu hút nguồn nhân lực lâu dài", ông Thượng đề nghị.
Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng gửi lời cảm ơn ngành y tế Thành phố đã tăng cường lực lượng y bác sĩ khám chữa bệnh cho người dân huyện Cần Giờ, đặc biệt là Bệnh viện Lê Văn Thịnh. "Bà con rất mừng khi thành lập đơn vị chạy thận, giúp giảm bớt khó khăn khi phải vượt đường sá xa xôi. Qua đó, giúp cho việc chăm sóc sức khỏe của bà con được ngày càng tốt hơn", ông Dũng nói.
Tấn Tài