Bệnh viện Nhi đồng 2: 20 năm hành trình ghép gan – 50 cuộc đời được hồi sinh

Thứ hai, 05/05/2025 - 13:22

Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975–30/4/2025), sáng ngày 29/4, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã trang trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm “Hành trình 20 năm ghép gan” – một dấu mốc đặc biệt không chỉ của riêng bệnh viện mà còn là niềm tự hào chung của ngành y tế TP.HCM và cả nước. Tròn 20 năm kể từ ca ghép gan đầu tiên được thực hiện tại đây, bệnh viện đã ghi dấu ấn với 50 ca ghép gan thành công, mở ra cuộc sống mới cho 50 trẻ em – những “mầm xanh” tương lai của đất nước.

Bệnh viện Nhi đồng 2: 20 năm hành trình ghép gan – 50 cuộc đời được hồi sinh- Ảnh 1.

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu

Ghép gan – hành trình hồi sinh sự sống

Tại buổi lễ, TTƯT BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 – đã phát biểu khai mạc và ôn lại hành trình đầy ý nghĩa của hoạt động ghép gan tại bệnh viện. Ông nhấn mạnh: "Hai mươi năm – một chặng đường không quá dài so với lịch sử gần 50 năm hình thành và phát triển của bệnh viện, nhưng lại là hành trình thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển vượt bậc về kỹ thuật, năng lực, tinh thần trách nhiệm và cả tình người".

Bệnh viện Nhi đồng 2: 20 năm hành trình ghép gan – 50 cuộc đời được hồi sinh- Ảnh 2.

TTƯT BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2 trao hoa và kỷ niệm chương tri ân sự cống hiến đến hai vị Giáo sư Raymond Reding - Viện Trường Đại học Saint-Luc (Vương Quốc Bỉ) và TTND, AHLĐ, GS.TS.BS Trần Đông A - Cố vấn chuyên môn cao cấp, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2

Ghép gan, một trong những kỹ thuật khó nhất của y học hiện đại, từ lâu đã được xem là "phép màu" cuối cùng dành cho những bệnh nhi mắc bệnh gan mạn tính giai đoạn cuối. Khi được thực hiện thành công, mỗi ca ghép gan không chỉ cứu sống một em nhỏ, mà còn đem lại hy vọng, hạnh phúc cho cả gia đình – những người đã từng đi qua tháng ngày thấp thỏm, đau đáu trong nỗi lo sinh – tử.

Điều đáng ghi nhận, từ những ca ghép đầu tiên trong điều kiện còn thiếu thốn về trang thiết bị, nhân lực chuyên sâu, cho đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã có thể tự chủ hoàn toàn về kỹ thuật – từ lấy gan, ghép, gây mê, hồi sức, chăm sóc sau mổ đến chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu. Những bước đi này cho thấy quyết tâm và nội lực của cả tập thể bệnh viện, đặc biệt trong bối cảnh y học nhi đồng Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ.

Bệnh viện Nhi đồng 2: 20 năm hành trình ghép gan – 50 cuộc đời được hồi sinh- Ảnh 3.

TTND, AHLĐ, GS.TS.BS Trần Đông A – Cố vấn chuyên môn cao cấp, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 phát biểu tại sự kiện

Vinh danh những người đặt nền móng

Lễ kỷ niệm còn là dịp tri ân sâu sắc đến các thế hệ y bác sĩ, chuyên gia y tế trong nước và quốc tế đã đặt nền móng và đồng hành với bệnh viện suốt 20 năm qua. Tham dự sự kiện có sự hiện diện của nhiều đại biểu quan trọng như: PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM; GS Raymond Reding – Viện Trường Đại học Saint-Luc (Vương quốc Bỉ); TTND, AHLĐ, GS.TS.BS Trần Đông A – cố vấn chuyên môn cao cấp, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 – người có công lớn trong việc đưa kỹ thuật ghép gan đến gần với trẻ em Việt Nam.

Bệnh viện Nhi đồng 2: 20 năm hành trình ghép gan – 50 cuộc đời được hồi sinh- Ảnh 4.

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng xúc động chia sẻ: "Tôi là người đã chứng kiến từ những ca ghép gan đầu tiên, nên càng thấm thía hơn sự nỗ lực phi thường của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện. Từ một kỹ thuật tưởng như ngoài tầm với, đến nay ghép gan đã trở thành điểm tựa sống cho hàng chục trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo".

Ông cũng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Bệnh viện Nhi đồng 2 và các viện – trường quốc tế trong đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, đồng thời kỳ vọng đơn vị này sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm Ghép tạng Nhi khoa hàng đầu của khu vực.

Bệnh viện Nhi đồng 2: 20 năm hành trình ghép gan – 50 cuộc đời được hồi sinh- Ảnh 5.

50 ca ghép gan – 50 kỳ tích hồi sinh

Theo TS.BS Trần Thanh Trí – Trưởng khoa Gan Mật Tuỵ và Ghép gan, hành trình 20 năm có thể chia thành ba giai đoạn phát triển:

Giai đoạn khởi đầu (2005–2022): Bệnh viện thực hiện được 13 ca ghép gan, chủ yếu nhờ sự phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia nước ngoài. Giai đoạn chuyển tiếp (2022–2023): Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến việc hợp tác quốc tế gặp khó khăn, bệnh viện đã chủ động điều chỉnh chiến lược, đẩy mạnh nội lực và phối hợp cùng chuyên gia trong nước. Giai đoạn phát triển mạnh (2023–2025): Bệnh viện tự chủ hoàn toàn về kỹ thuật ghép gan, số ca ghép tăng nhanh. Chỉ riêng từ năm 2023 đến nay đã thực hiện 28 ca, nâng tổng số ca lên 53.

Đặc biệt, đầu tháng 4/2025, bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép gan thứ 50 – cũng là trường hợp đầu tiên sử dụng gan hiến từ người chết não. Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội mới trong việc tăng cường nguồn tạng ghép – điều đang rất được kỳ vọng hiện nay.

Ngoài ra, bệnh viện còn ghi dấu bằng những ca ghép đặc biệt như bé gái 3 tuổi mắc hội chứng Budd–Chiari – căn bệnh hiếm gặp với tỷ lệ 1/1.000.000. Cô bé được phát hiện bệnh từ lúc 14 tháng tuổi, trải qua giai đoạn tổn thương gan nghiêm trọng, nhưng nhờ sự can thiệp kịp thời và kỹ thuật cao của bệnh viện, em đã được cứu sống.

Bệnh viện Nhi đồng 2: 20 năm hành trình ghép gan – 50 cuộc đời được hồi sinh- Ảnh 6.

Khát vọng vươn xa trong kỷ nguyên mới

Chia sẻ tại buổi lễ, TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: "Thành công của 50 ca ghép gan là minh chứng cho năng lực chuyên môn, tinh thần nhân ái và nỗ lực không ngừng nghỉ của bệnh viện. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ghép gan từ người hiến chết não – một giải pháp có tính bền vững trong bối cảnh nguồn tạng sống đang dần hạn chế".

Thực tế, hiện nay ghép gan là phương pháp điều trị duy nhất hiệu quả cho những bệnh nhi mắc bệnh gan mạn giai đoạn cuối. Việc mở rộng chỉ định ghép đồng nghĩa với việc nhu cầu tạng hiến tăng cao. Đây chính là lý do vì sao Bệnh viện Nhi đồng 2 đang đặt trọng tâm vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu người hiến, nâng cao nhận thức cộng đồng về hiến tạng, đồng thời đầu tư thêm cho hệ thống kỹ thuật và nhân lực chuyên sâu.

Theo thống kê của bệnh viện, trẻ nhỏ tuổi nhất được ghép gan là 7 tháng tuổi, trẻ lớn nhất là hơn 10 tuổi. Trong tổng số 53 ca ghép tính đến thời điểm tháng 4/2025, có 52 trường hợp từ người hiến sống, và 1 trường hợp từ người hiến chết não.

Bệnh viện Nhi đồng 2: 20 năm hành trình ghép gan – 50 cuộc đời được hồi sinh- Ảnh 7.

Viết tiếp những câu chuyện cổ tích thời hiện đại

Mỗi ca ghép gan thành công là một hành trình sống còn được viết lại. Mỗi đứa trẻ được cứu sống là một tương lai được nhen lên. Đằng sau đó là tình yêu thương vô bờ bến của các bậc cha mẹ, sự hy sinh thầm lặng của người hiến tạng và nỗ lực phi thường của đội ngũ y tế.

Tại buổi lễ, các em nhỏ từng được ghép gan đã nở những nụ cười rạng rỡ khi được trở lại bệnh viện, gặp lại những "người hùng áo trắng" đã cứu sống mình. Cảm động nhất là khoảnh khắc 50 em nhỏ, đại diện cho 50 hành trình kỳ diệu, cùng đứng trên sân khấu, thắp lên ngọn lửa hi vọng cho hàng triệu gia đình khác còn đang chờ đợi phép màu.

Hành trình 20 năm ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 là minh chứng sống động cho sự phát triển của y học Việt Nam, là biểu tượng của lòng nhân ái, của trí tuệ và lòng dũng cảm. Trên hành trình đó, những em bé từng cận kề cái chết nay đã lớn khôn, khoẻ mạnh, sẵn sàng viết tiếp những trang đời tươi sáng. Và với Bệnh viện Nhi đồng 2, hành trình ấy vẫn đang tiếp diễn – với khát vọng hồi sinh thêm nhiều cuộc đời, nuôi dưỡng thêm nhiều mầm xanh cho đất nước.

Tấn Tài