Trải qua buổi học, ba mẹ đã cập nhật những thông tin hữu ích về sanh thường hay sanh mổ từ CNHS. Nguyễn Hoàng Như Thảo – Hộ sinh Trưởng khoa Sanh. Với những kiến thức bổ ích nhất đến với các gia đình, giúp các ông bố bà mẹ có thêm nhiều kiến thức trong việc sanh con.

Làm Mẹ là điều tuyệt vời và thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi người phụ nữ. Nhưng phải trải qua những cơn đau chuyển dạ kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ để đón con yêu chào đời đã khiến nhiều thai phụ hoảng sợ, ngại sinh thường mà lựa chọn sinh mổ với hy vọng không phải chịu những cơn đau chuyển dạ.

Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào mong muốn sinh mổ chủ động cũng đều được chấp nhận vì điều này còn phụ thuộc vào tình trạng của mỗi người. Vậy những trường hợp nào nên sinh thường và những trường hợp nào cần phải mổ? Phương pháp sinh nào tốt cho mẹ và bé? Đây chắc hẳn là câu hỏi mà rất nhiều mẹ bầu quan tâm. Và để hiểu rõ hơn về những vấn đề này, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ rất hữu ích từ CNHS. Nguyễn Hoàng Như Thảo – Hộ sinh Trưởng khoa Sanh: Ngày trước khi đất nước còn kém phát triển, nền y tế lạc hậu thì quá trình chửa đẻ đầy rủi ro và nguy hiểm cho cả bà mẹ, thai nhi. Rủi ro nguy hiểm này được người xưa ví như là "chửa cửa mả", cuộc đẻ là cuộc vượt cạn một mình. Hơn nữa vào thời điểm đó, mổ lấy thai cũng là một phẫu thuật đầy rủi ro và nguy hiểm cho sản phụ do thiếu trang thiết bị y tế, thuốc và nguồn nhân lực. Vì vậy, mổ lấy thai là lựa chọn cuối cùng khi không thể can thiệp thủ thuật được.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và y học hiện đại, phẫu thuật lấy thai trở nên an toàn và nhẹ nhàng hơn với đội ngũ bác sĩ cũng như với sản phụ, do đó tỷ lệ sinh mổ ngày càng gia tăng. Mặt khác, thai nhi cũng được bổ sung đầy đủ dưỡng chất từ trong bụng mẹ, người mẹ ít phải lao động vất vả như ngày xưa nên cân nặng của thai nhi thường lớn hơn. Đây cũng là một nguyên nhân khiến người mẹ đẻ khó hơn và lựa chọn sinh mổ. Các mẹ bầu và gia đình không nên tự quyết định việc sinh mổ hay sinh thường đường âm đạo. Mà cần phải có chỉ định cụ thể từ các chuyên gia - bác sĩ sản phụ khoa.



Cần phải khẳng định lại một lần nữa đó là sinh thường đường âm đạo là tốt nhất, chỉ sinh mổ khi cuộc chuyển dạ gặp khó khăn ảnh hưởng đến sức khoẻ của bà mẹ và thai nhi. Những trường hợp đẻ thường dễ dàng thì không được mổ và ngược lại, những trường hợp cần phải mổ thì không nên cố để đẻ thường. Trước một cuộc "vượt cạn" có các yếu tố đẻ khó, người bác sĩ sản khoa phải can thiệp, điều chỉnh để chuyển một cuộc đẻ khó thành một cuộc đẻ bình thường. Nếu không điều chỉnh được thì phải chuyển sang phẫu thuật lấy thai đúng thời điểm để đảm bảo an toàn cho cả bà mẹ và thai nhi.

Hậu quả của một cuộc đẻ khó có thể gặp là:
+ Về phía thai nhi: Thai suy, thai ngạt, sang chấn, tử vong.
+ Về phía mẹ: Rách âm đạo - cổ tử cung, vỡ tử cung, rách bàng quang - trực tràng, dò bàng quang, dò trực tràng. Ảnh hưởng lâu dài đến người mẹ là sa thành âm đạo, sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng và són tiểu (ho, hắt hơi, cười to là nước tiểu bị són ra).
Những trường hợp tiên lượng có thể đẻ thường là:
- Mẹ hoàn toàn khoẻ mạnh, không có bất thường về đường sinh dục. Thai nhi khoẻ mạnh, đủ tháng, cân nặng ≤ 3.500 gram, rau thai và nước ối bình thường.
Các yếu tố đẻ khó ở sản phụ được chia làm 02 loại: các yếu tố đẻ khó tuyệt đối và các yếu tố đẻ khó tương đối. Trường hợp có một yếu tố đẻ khó tuyệt đối thì cần phải mổ. Trường hợp có các yếu tố đẻ khó tương đối thì bác sĩ sản khoa chỉ đạo cuộc đẻ để chuyển yếu tố đẻ khó thành đẻ thường, nếu không được thì phải chuyển sang mổ lấy thai. Có một công thức đó là 02 - 03 yếu tố đẻ khó tương đối thì bằng một yếu tố đẻ khó tuyệt đối. Có rất nhiều yếu tố đẻ khó tuyệt đối cần phải mổ lấy thai, được xác định trong khi mang thai, trước chuyển dạ và chia làm 03 nhóm nguyên nhân: do mẹ, do thai nhi và do phần phụ của thai.
Nguyên nhân do phía người mẹ:
- Người mẹ mắc các bệnh làm cho mất sức rặn hoặc không được rặn đẻ: suy tim, suy hô hấp, tăng huyết áp không điều chỉnh được, tiền sản giật nặng, Basedow mức độ nặng…
- Khung chậu hẹp, khung chậu lệch: tiền sử gãy xương chậu can lệch; khối u tiền đạo (khối u trong tiểu khung chắn đường ra của thai nhi).
- Do tử cung và đường sinh dục: dị dạng tử cung - đường sinh dục làm cho ngôi thế của thai nhi bất thường; u xơ tử cung, khối u buồng trứng nằm trong tiểu khung, tử cung có sẹo mổ cũ < 24 tháng hoặc kèm theo thai to.
- Mẹ mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục: Herpes sinh dục.
Nguyên nhân về phía thai:
- Thai to, nặng ≥ 4.000 gram; đường kính lưỡng đỉnh ≥ 97mm; bất tương xứng thai nhi và khung chậu.
- Ngôi thai bất thường: ngôi ngang, ngôi ngược, ngôi trán, ngôi mặt cằm sau, ngôi thóp trước.
- Thai suy cấp hoặc thai suy mãn có nguy cơ suy cấp khi chuyển dạ. Nguyên nhân về phía phần phụ của thai:
- Rau tiền đạo: Rau tiền đạo trung tâm/bán trung tâm, rau bám mép và rau bám thấp chảy máu trong chuyển dạ.
- Do dây rốn: dây rốn quấn cổ ≥ 2 vòng, dây rốn thắt nút, sa dây rốn (sa trong âm đạo hoặc trong bọc ối trước ngôi thai khi đã chuyển dạ), dây rốn bám màng ở vị trí tiền đạo có nguy cơ đứt chảy máu khi vỡ ối.
- Mạch máu tiền đạo (mạch máu của bánh rau ở vị trí tiền đạo có thể đứt chảy máu khi vỡ ối). Cạn ối: Cộng 4 khoang ối có tổng ≤ 28mm.
Thứ nhất, xu hướng hiện nay của sản phụ cũng như gia đình không chấp nhận cuộc đẻ kết thúc bằng can thiệp thủ thuật Forceps và Ventouse do sợ sang chấn cho thai nhi và người mẹ; do đó những trường hợp lẽ ra can thiệp bằng Forceps và Ventouse thì nay chuyển sang mổ lấy thai.
Thứ hai, do một số chị em thấy được những hậu quả nặng nề của cuộc đẻ khó gây ra đối với những người đi trước nên khi được tư vấn là cuộc đẻ có những yếu tố đẻ khó thì xin sinh mổ.
Thứ ba, những cặp vợ chồng vô sinh - hiếm muộn phải điều trị nhiều năm mới có thai không muốn đẻ thường vì lo rủi ro có thể xảy ra nên thường xin sinh mổ. Có thể thấy rằng xu hướng sinh mổ đang được nhiều mẹ bầu lựa chọn nhưng sinh thường vẫn luôn được các bác sĩ khuyến khích bởi sinh thuận tự nhiên được đánh giá là phương pháp an toàn và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của mẹ và bé. Giúp mẹ trải qua khoảng thời gian "hoài thai" 9 tháng 10 ngày thật an yên và có một hành trình "vượt cạn" an toàn cùng thời kỳ hậu sản thoải mái, đó chính là mục tiêu mà đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện phụ Sản MêKông hướng tới. Và dù là sinh thường hay sinh mổ, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện phụ Sản MêKông cũng sẽ luôn đồng hành cùng mẹ để vượt qua hành trình đầy thiêng liêng này và đón những thiên thần đáng yêu chào đời.
Tại, Bệnh viện phụ Sản MêKông đội ngũ y bác sĩ là các chuyên gia đầu ngành sẽ thăm khám kỹ và tư vấn cho mẹ phương pháp sinh con phù hợp, đảm bảo sức khỏe mẹ và bé trong và sau sinh. Bệnh viện phụ Sản MêKông được trang bị hệ thống máy móc hiện đại như máy siêu âm 2D, 3D, 4D; máy siêu âm Doppler màu… nhờ đó sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường trong thai kỳ để có biện pháp can thiệp và xử trí kịp thời.
Sau sinh, mẹ và bé sẽ được chăm sóc tại phòng nội trú rộng rãi với dịch vụ cao cấp, tiện nghi: không gian thông thoáng, yên tĩnh; chế độ ăn uống được xây dựng khoa học giúp mẹ hồi phục nhanh chóng; Đội ngũ y tá, điều dưỡng túc trực theo dõi 24/24, hỗ trợ mẹ chăm sóc bé cả ngày lẫn đêm. Dù sinh thường hay sinh mổ, mẹ cũng có một chuyến vượt cạn thoải mái như đi nghỉ dưỡng.
Tấn Tài