TNV - Sa dây rốn là một tai biến sản khoa nguy hiểm ở giai đoạn cuối thai kỳ. Trường hợp này nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời sẽ gây tác hại lớn tới sức khỏe của cả mẹ và bé.
Sa dây rốn là tình trạng mà dây rốn nằm dưới hoặc nằm bên ngôi thai. Lúc này dây rốn sẽ sa xuống cổ tử cung, chui vào trong ống sinh trước cả thai nhi. Điều này khiến cho dây rốn bị chèn ép giữa thành xương chậu hoặc bị sa hẳn khỏi tử cung.
Thông thường dây rốn bị sa khi ối đã vỡ nhưng cũng có trường hợp nguy hiểm hơn là dây rốn bị sa khi bọc ối vẫn còn nguyên. Sa dây rốn là tình trạng rất thường gặp trong tháng cuối thai kỳ (sau tuần thai 38) với khoảng 1/10 ca sinh.
Đây là một cấp cứu hàng đầu trong sản khoa, có khả năng gây suy thai cấp vì việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ do co thắt của các mạch máu dây rốn. Nếu không lấy thai ra ngay, có khả năng thai bị chết trong vòng 30 phút.
Trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 2023, Bệnh viện Phụ sản MêKông đã tiếp nhận hai trường hợp: Sản phụ H.T.H 34 tuổi (Tp Thủ Đức) và sản phụ P.T.H 36 tuổi( Tp Thủ Đức)- đều ở tuần thai 37 - đến khám định kỳ tại Bệnh viện Phụ sản MêKông. Ngày 30/9 đến thăm khám và theo dõi định kỳ, bệnh viện phát hiện sản phụ H.T.H tim thai có nhịp giảm bất thường, nghi do sa dây rốn. Nhận định đây là các trường hợp khẩn cấp, ê kíp trực đã ngay lập tức chuyển sản phụ đến phòng mổ bắt con. Trong cuộc mổ ghi nhận: Sản phụ H.T.H với tình trạng dây rốn sa bên choàng qua bên phải đầu thai nhi.
Hình ảnh dây rốn bị thắt nút
Sản phụ P.T.H khám định kỳ ngày 11/10, qua siêu âm doppler phát hiện dây rốn thắt nút và có biểu hiện thai cử động bất thường với tình trạng dây rốn thắt nút một đoạn. Sau giai đoạn xử trí tích cực, nhanh chóng của đội ngũ Y Bác sĩ, các bé được đưa ra an toàn. Hiện tại tình trạng mẹ và bé đều khỏe mạnh.
Theo ThS.BS. Bành Thanh Lan – Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Phụ sản MêKông: Các biến chứng về dây rốn thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ hoặc khi vào chuyển dạ. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây suy thai cấp do dây rốn bị chèn ép dẫn đến việc thai nhi không nhận được lượng máu và oxy cần thiết.
Khi mang thai, mẹ bầu cần khám thai, xét nghiệm và siêu âm định kỳ. Nếu phát hiện thai cử động ít, yếu, nhất là vào các tuần cuối của thai kỳ thì cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra nhằm kịp thời xử trí những biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé.
Với đội ngũ chuyên gia chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm; hệ thống cơ sở vật chất cao cấp, hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, trang thiết bị tối tân; dịch vụ y tế chất lượng; nhân viên chuyên nghiệp; khoa Sản Bệnh viện phụ sản MêKông luôn đồng hành chăm sóc tốt nhất cho mẹ và bé từ giai đoạn chuẩn bị mang thai, trong suốt thai kỳ và sau sinh.
Tại Bệnh viện phụ sản MêKông , mẹ bầu không chỉ được khám thai và theo dõi sức khỏe định kỳ bởi các bác sỹ sản khoa mà còn được các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn, lên thực đơn theo từng giai đoạn phát triển của thai nhi, đặc biệt là phù hợp với thể trạng của từng mẹ bầu. Được chăm sóc về sức khỏe và dinh dưỡng cho bà bầu hợp lý, khoa học, mẹ bầu có thể hoàn toàn yên tâm đón con khỏe mạnh.
Tấn Tài