Ảnh minh họa.
Trước giao dịch, Beston sở hữu 138,93 triệu cổ phiếu VIB, chiếm 4,663% vốn điều lệ. Sau khi người có liên quan nhận chuyển nhượng hơn 11,6 triệu cổ phiếu và bán ra 4,6 triệu cổ phiếu vào ngày 18/3/2025, tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm này vượt ngưỡng 8%.
Beston được thành lập vào tháng 11/2020, có trụ sở tại lầu 4, Centec Tower, Quận 3, TP.HCM, hoạt động chính trong lĩnh vực buôn bán thực phẩm. Công ty có vốn điều lệ ban đầu 1.423 tỷ đồng, với ba cổ đông sáng lập là bà Trần Thị Bình (40,86%), bà Nguyễn Thùy Nga (10,5%) và bà Đinh Thị Thanh Ký (48,64%). Đến tháng 3/2022, vốn điều lệ của Beston đã tăng lên 1.873 tỷ đồng.
Việc Beston liên tục tăng sở hữu tại VIB có thể phản ánh chiến lược đầu tư dài hạn của nhóm cổ đông liên quan hoặc có khả năng là một phần trong kế hoạch củng cố vị thế tại ngân hàng này.
Mới đây, Commonwealth Bank of Australia (CBA), ngân hàng lớn nhất Australia, đã chính thức thoái hết vốn khỏi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), khép lại 15 năm hợp tác chiến lược.
Trong tháng 9 và tháng 10/2024, CBA đã bắt đầu giảm tỷ lệ sở hữu tại VIB, bán lần lượt 150 triệu và 300 triệu cổ phiếu, thu về khoảng 8.100 tỷ đồng.
Tới tháng 3/2025, CBA tiếp tục bán hơn 120 triệu cổ phiếu VIB, thu về gần 2.600 tỷ đồng, chính thức không còn là cổ đông của ngân hàng này.
CBA cho biết việc thoái vốn tại VIB nhằm tập trung vào các hoạt động ngân hàng tại Australia và New Zealand, phù hợp với chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư của họ.
Sau khi CBA thoái vốn, quỹ đầu tư Pyn Elite Fund đến từ Phần Lan đã mua lại 54 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 1,8% vốn điều lệ của ngân hàng, cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế đối với VIB.
Anh Mai