Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền: Sức dân là sức mạnh to lớn nhất để chống dịch thành công - Ảnh VGP
Tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng
Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, để đạt được thành quả như vậy, yếu tố trước hết và quyết định là ý thức tự giác, tinh thần chủ động của mỗi người dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Xác định “chống dịch như chống giặc”, biện pháp đầu tiên của địa phương là tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về sự nguy hại của dịch bệnh COVID-19. Từ đó mỗi người dân đã chủ động tham gia vào mặt trận chống dịch. “Mỗi người dân Củ Chi đều làm nhiệm vụ giám sát người đi, người đến ở từng khu dân cư và thông tin cho chính quyền để thực hiện tầm soát, khai báo y tế”, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi chia sẻ.
Ở các vùng xanh, mỗi người dân Củ Chi tham gia như một chiến sĩ bảo vệ chốt chặn của địa phương và cùng xây dựng nội dung, quy chế vùng xanh để đảm bảo an toàn cho khu dân cư của mình. “Tư tưởng không thông thì vác bình tông cũng nặng”, bà Hiền giải thích về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân và dựa vào dân để phòng, chống dịch.
“Sức dân là sức mạnh to lớn nhất. Trong công tác phòng chống dịch, nếu không có sự chủ động tham gia của người dân thì sẽ rất khó thành công”, bà Hiền khẳng định.
Cùng với đó, để thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách tăng cường, trên địa bàn huyện Củ Chi có 2 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID cấp Thành phố, 8 chốt cấp huyện, 5 chốt tại 3 khu công nghiệp, 8 chốt cấp xã và 351 chốt kiểm soát tại các ấp, khu phố, 21 tổ công tác đặc biệt ở 21 xã và một tổ công tác đặc biệt của huyện để tuần tra lưu động, kiểm soát chặt chẽ việc đi lại, kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội.
Giãn cách nghiêm ngặt, chặt đứt nguồn lây
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16, Củ Chi xây dựng nhiều chốt cứng, chốt mềm cấp từ Thành phố, huyện, xã, đến ấp để đảm bảo thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, người cách ly người, phòng trọ cách ly phòng trọ, nhà cách ly nhà, khu dân cư cách ly khu dân cư. Với cách làm này, Củ Chi sớm chặt đứt chuỗi lây nhiễm trên địa bàn.
Từ ngày 23/8 đến ngày 5/9, Củ Chi ghi nhận 1.533 ca nhiễm mới, giảm 514 ca so với 15 ngày trước.
Cùng với chặt đứt nguồn lây, Củ Chi thần tốc xét nghiệm tầm soát bóc tách F0. Chỉ trong vòng 7 ngày, huyện đã triển khai xét nghiệm 3 vòng đối với vùng đỏ, cam, vàng và 2 vòng đối với vùng xanh. Việc này thực hiện song song hai cấp: cấp huyện và cấp xã, thị trấn. “Trên tinh thần vừa huyện triển khai, vừa “pháo đài” xã, thị trấn triển khai. Bóc tách F0 sao cho nhanh nhất, đi trước việc lây lan”, bà Hiền giải thích.
Đông tây y kết hợp, giảm thấp nhất chuyển nặng
Đáng chú ý, đến nay tất cả các F0 được phát hiện ở Củ Chi đều được phân loại, đưa vào các khu cách ly tập trung để theo dõi, điều trị có đầy đủ thuốc men, oxy, máy đo nồng độ oxy (SpO2)…, không có trường hợp nào cách ly, điều trị tại nhà.
Với 9 khu tiếp nhận, cách ly F0 không triệu chứng, huyện Củ Chi đã nâng cao hiệu quả điều trị qua chăm lo sức khỏe tinh thần và thể chất, qua đó hạn chế thấp nhất trường hợp chuyển nặng phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
Cách làm của Củ Chi là chăm lo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung thêm hoa quả, trái cây, huy động giáo viên tham gia nấu nước chanh, xả, gừng cho các F0 uống hàng ngày. Các khu cách ly có không gian rộng để F0 vận động, tập thể dục, đi lại thay vì chỉ ở trong phòng. Đồng thời trang bị hệ thống loa phát thanh vừa phục vụ giải trí bằng âm nhạc vừa có thêm kênh tuyên truyền, hướng dẫn F0. Nhờ vậy, tỷ lệ F0 không triệu chứng phải chuyển lên các tuyến điều trị dưới 3,5%, với 114 ca trên 3.029 trường hợp ở khu thu dung.
Bên cạnh việc giảm tối đa F0 chuyển sang có triệu chứng, chuyển nặng, Củ Chi chủ động xây dựng bệnh viện dã chiến 200 giường để giảm tải bệnh viện của Thành phố và cấp cứu, xử lý kịp thời các F0 trở nặng ngay tại chỗ. Đến nay, huyện chưa có trường hợp nào tử vong tại khu dân cư, khu cách ly, bệnh viện dã chiến.
Cùng với nâng cao hiệu quả điều trị cho F0 thì Củ Chi cũng đẩy nhanh việc tiêm vaccine trong nhân dân. Trong đó đáng chú ý là công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện tiêm vaccine. Do đó khi triển khai tiêm vaccine Vero Cell cũng được nhân dân đồng thuận rất cao. Hiện nay Củ Chi đã đạt 97,54% người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1 và 7,89% tiêm mũi 2.
Kết nối tiêu thụ nông sản đến bữa ăn của nhân dân
Bà Phạm Thị Thanh Hiền cho biết, địa phương xác định làm tốt công tác an sinh chính là yếu tố quyết định để nhân dân hợp tác với chính quyền trong các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, Củ Chi đã hoàn thành hỗ trợ 100% đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND Thành phố.
Cách làm của Củ Chi là xây dựng bản đồ an sinh, tất cả thông tin công khai trên Fanpage “Đất thép”. Đây là kênh kết nối để người dân có thể phản ánh tình hình khó khăn, đề nghị hỗ trợ qua fanpage, chính quyền địa phương sẽ kịp thời chăm lo.
Đồng thời, Fanpage “Đất thép” còn là nơi chính quyền và người dân giám sát lẫn nhau trong quá trình triển khai công tác an sinh, hỗ trợ người dân.
Cũng với cách làm sáng tạo, Củ Chi đã tổ chức chuỗi liên kết từ các nhà vườn tại địa phương đến với người dân. “Từ heo, gà, thịt, cá, rau, củ đưa từ các nhà vườn đến trực tiếp với người dân nên giá cả rất có lợi so với thị trường”, bà Hiền nói thêm.
Từng bước “mở cửa”
Thành quả của Củ Chi rất đáng ghi nhận trong bối cảnh hiện nay, nhưng Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết còn nhiều thách thức để giữ được thành quả này.
Do vậy khi tính giải pháp từng bước “mở cửa”, huyện Củ Chi tiếp tục chỉ đạo xã, thị trấn, ấp, tổ nhân dân xây dựng quy chế bảo vệ vùng xanh. Tuyên truyền để người dân chủ động, chính người dân sẽ xây dựng quy chế và thực hiện nghiêm với tinh thần kỷ luật cao, tuân thủ 5K để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng.
Song song đó, Củ Chi đẩy nhanh việc tiêm phủ vaccine, hình thành miễn dịch cộng đồng, với mục tiêu đến ngày 15/9, phủ 100% vaccine mũi 1, 70% vaccine mũi 2 để từng bước mở cửa các hoạt động sản xuất kinh doanh cần thiết.
Tuy nhiên, bà Hiền cho rằng, thách thức lớn nhất với Củ Chi là tỷ lệ lây nhiễm trong nhân dân hiện nay rất thấp, khi mở cửa trở lại, có sự giao lưu thì người dân sẽ đối mặt trước khả năng lây nhiễm.
Do vậy, Củ Chi xác định “mở cửa” lại các hoạt động kinh tế phải xây dựng kịch bản rất cụ thể, chi tiết bảo đảm an toàn. Ví dụ như huyện đang xây dựng 1 lộ trình, quy định cụ thể đối với doanh nghiệp xanh (tất cả công nhân 2 mũi vaccine), khu dân cư xanh (tất cả cư dân đã tiêm 2 mũi vaccine)… để được hoạt động trở lại.
Ngay cả các cửa hàng tạp hoá cũng sẽ được tính toán mở lại nếu người kinh doanh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Khi hình thành cung đường xanh, người dân đi lại trên lộ trình từ xã xanh đến xã xanh sẽ được tạo điều kiện đi lại, trên tinh thần mở cửa từ từ.
“Từ đầu dịch đến giờ, bà con đã gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện, thu nhập không có, bữa ăn trong nhiều gia đình không có thịt cá, trẻ em thiếu sữa… Mong muốn lớn nhất của cá nhân tôi lúc này là không còn dịch bệnh, để cuộc sống của người dân sớm trở lại bình thường. Vì vậy mỗi người dân phải thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch thì chúng ta mới có thể thành công”, bà Phạm Thị Thanh Hiền xúc động chia sẻ.
Mạnh Hùng/Chinhphu