Bị toà án ra lệnh thanh lý tài sản, đế chế Evergrande vẫn chưa sụp đổ

Thứ hai, 29/01/2024 - 18:51

Công ty bất động sản khổng lồ Evergrande của Trung Quốc đang ngập trong nợ nần đã bị tòa án ở Hồng Kông ra lệnh thanh lý.

Thẩm phán Linda Chan đã nói rằng “quá đủ rồi” sau khi Evergrande liên tục không đưa ra được kế hoạch cơ cấu lại các khoản nợ của mình.
Công ty này là điển hình của cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc với khoản nợ hơn 300 tỷ USD.

Khi Evergrande vỡ nợ hai năm trước, sự kiện này đã gây ra làn sóng chấn động khắp thị trường tài chính toàn cầu.

Giám đốc điều hành của Evergrande, Shawn Siu, mô tả quyết định này là “đáng tiếc” nhưng cho biết công ty sẽ tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc.

Ông cho biết thêm, chi nhánh Hồng Kông của công ty này độc lập với hoạt động kinh doanh ở Bắc Kinh.

Mặc dù hiện chưa rõ bất kỳ tác động tiềm tàng nào của phán quyết đối với hoạt động kinh doanh xây dựng nhà của Evergrande, nhưng cuộc khủng hoảng tại công ty đã khiến nhiều người mua nhà phải chờ đợi tài sản mới của họ.

Trung Quốc trước đây đã trấn an mối lo ngại của công chúng về cuộc khủng hoảng tài sản khi mọi người lên các trang mạng xã hội như Weibo để chia sẻ sự thất vọng của họ về các nhà phát triển như Evergrande.

Quyết định của tòa án cũng có khả năng tạo ra những làn sóng tiếp theo trên thị trường tài chính Trung Quốc vào thời điểm các nhà chức trách đang cố gắng hạn chế tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đóng góp khoảng 1/4 nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cổ phiếu của Evergrande đã giảm hơn 20% tại Hồng Kông sau thông báo vào ngày thứ Hai 29/1. Giao dịch cổ phiếu hiện đã bị đình chỉ.

Thanh lý là một quá trình trong đó tài sản của công ty bị tịch thu và bán đi. Số tiền thu được sau đó có thể được sử dụng để trả các khoản nợ tồn đọng.

Trước phán quyết ngày hôm nay, Tòa án Tối cao Trung Quốc và Bộ Tư pháp Hồng Kông đã ký một thỏa thuận về công nhận lẫn nhau và thi hành các phán quyết dân sự và thương mại giữa Trung Quốc và Hồng Kông, có hiệu lực từ hôm nay.

Tuy nhiên, quá trình này có được thực hiện hay không còn phụ thuộc vào Trung Quốc và lệnh thanh lý không nhất thiết đồng nghĩa với việc Evergrande sẽ phá sản và sụp đổ.

Vụ việc được đưa ra vào tháng 6/2022 bởi một trong những nhà đầu tư của Evergrande là Top Shine Global có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết tập đoàn không tôn trọng thỏa thuận mua lại cổ phần. Nhưng số nợ này chỉ là một phần nhỏ trong tổng số nợ của Evergrande.

Phần lớn số tiền Evergrande nợ là từ những người cho vay ở Trung Quốc, những người bị hạn chế về con đường pháp lý để đòi tiền.
Ngược lại, các chủ nợ bên ngoài được tự do đưa vụ việc ra tòa bên ngoài Trung Quốc và một số người đã chọn Hồng Kông, nơi Evergrande và các nhà phát triển khác được niêm yết, để khởi kiện họ.

Theo Derek Lai, người quản lý chuyên về tình trạng mất khả năng thanh toán toàn cầu tại công ty dịch vụ chuyên nghiệp Deloitte, một người thanh lý tạm thời - có thể là nhân viên chính phủ hoặc đối tác của một công ty chuyên nghiệp - có thể sẽ được tòa án chỉ định.

Sau khi gặp gỡ các chủ nợ, người thanh lý chính thức sẽ được bổ nhiệm trong vòng vài tháng.

Có thỏa thuận giữa tòa án Trung Quốc và Hồng Kông công nhận việc bổ nhiệm người thanh lý nhưng ông Lai nói rằng theo như ông được biết, “chỉ có 2 trong số 6 đơn đăng ký” được tòa án của 3 khu vực thí điểm ở Trung Quốc công nhận.

Trong khi đó, Trung Quốc dường như cũng mong muốn duy trì hoạt động của các nhà phát triển bất động sản để đảm bảo rằng những người mua nhà đã mua bất động sản trước khi việc xây dựng bắt đầu sẽ nhận được nhà.

Điều đó có nghĩa là Trung Quốc có thể chọn cách từ chối lệnh của tòa án Hồng Kông.

Ông Lai cho biết thêm: “Ngay cả khi người thanh lý được chỉ định được cả Hồng Kông và Trung Quốc công nhận, người đó vẫn cần tuân thủ luật pháp của Trung Quốc khi tiến hành các vấn đề liên quan đến thanh lý đã được phê duyệt ở đó”.

Lệnh thanh lý đối với công ty mẹ cũng không có nghĩa là công việc xây dựng của Evergrande bị đình chỉ ngay lập tức.

Nigel Trayers, giám đốc điều hành tái cơ cấu tại công ty tư vấn kinh doanh Grant Thornton, cho biết: “Điều này không đặt tất cả các công ty con vào tình trạng thanh lý”. Ông nói thêm rằng các nhà thanh lý có thể tìm cách nắm quyền kiểm soát một số công ty con sau khi tiến hành điều tra.

Ông nói thêm: “Tuy nhiên, họ sẽ cần phải làm điều này bằng cách tìm cách thanh lý các công ty con hoặc tự bổ nhiệm mình làm giám đốc của các công ty con đó. Khi làm điều này, họ sẽ cần phải di chuyển qua từng lớp cơ cấu công ty và có thể có những thách thức nhất định khi thực hiện việc này trên thực tế”.

Ông Lai chỉ ra rằng bất chấp lệnh thanh lý, "nếu một công ty mất khả năng thanh toán, khó có khả năng các chủ nợ không có bảo đảm sẽ thu hồi được toàn bộ số tiền yêu cầu bồi thường của họ".

Các chủ nợ bên ngoài cũng khó có thể lấy được tiền trước các chủ nợ ở đại lục.

Evergrande đã lên kế hoạch trả nợ mới nhưng vào tháng 8 năm ngoái đã nộp đơn xin phá sản ở Mỹ trong nỗ lực bảo vệ tài sản ở Mỹ của mình khi thực hiện một thỏa thuận.
 

 

Trường Anh