Biến đất lúa một vụ khô cằn thành vườn cam trĩu quả

Thứ tư, 09/12/2020 - 09:08

TNV - Giữa một màu xám của những chân ruộng khô cằn do thiếu nước, từ xa chúng tôi đã thấy một màu xanh bừng lên đầy sức sống – đó chính là vườn cam trĩu quả đang bước vào vụ thu hái của gia đình ông Gia.

Táo bạo bỏ ra 500 triệu đồng lập vườn trồng cam

Là người lính với 12 năm quân ngũ, trong đó có 9 năm tham gia tiếp quản khi thành phố Hồ Chí Minh vừa mới giải phóng, năm 1984, tròn 30 tuổi chàng thanh niên Triệu Ngọc Gia dân tộc Nùng ở bản Yên Thịnh, xã Vĩnh Lạc trở về quê hương miền núi huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái lập gia đình, ổn định cuộc sống mới.

Ông Gia (xách thùng cam) –  người tiên phong chuyển đổi đất lúa một vụ thành vườn cam trĩu quả.
Ảnh: P. Quỳnh

Do được rèn luyện và trưởng thành trong Quân đội, ông Gia rất chăm chỉ lao động và chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm ăn phát triển kinh tế. Nên không chỉ làm nông thuần túy như đa phần các hộ đồng bào các dân tộc trong thôn, xã, ông chủ động mở rộng chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà… để cải thiện đời sống. Dần dà từng bước ông mở thêm quầy bán tạp hóa và làm hàng mổ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con. Nhờ vậy, gia đình ông luôn là hộ kinh tế khá giả ở địa phương, có điều kiện cho cả 4 người con ăn học trưởng thành.

Sau nhiều năm thấy mấy chân ruộng cấy lúa chỉ được một vụ, hiệu quả kinh tế không đáng là bao, năm 2015 – 2016, ông mạnh dạn bỏ gần 500 triệu đồng tích góp được bao lâu nay, bắt tay vào thuê máy múc đào rãnh, lập vườn chuyển đổi hơn 01ha đất lúa một vụ kém hiệu quả, cho thu hoạch thất thường do thiếu nước canh tác, sang trồng cam cho thu nhập cao hơn.

Qua khảo sát thực tế, phát hiện ra mô hình trồng cam, bưởi của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đại Gia được thành lập tháng 11/2018 do hộ nông dân Triệu Ngọc Gia làm chủ phát triển khả quan, ngay từ đầu năm 2020, Hội Nông dân huyện đã tạo thuận lợi hỗ trợ Hợp tác xã Đại Gia vay 100 triệu đồng để mở rộng diện tích trồng trọt. Cùng với khoản vay Ngân hàng Nông nghiệp huyện 100 triệu đồng, trong năm 2019 - 2020, ông Gia đã trồng thêm được 6ha, gồm 3ha bưởi da xanh và 3ha cam không hạt; nâng tổng diện tích của HTX lên 12ha.

Theo chân các cán bộ Hội Nông dân huyện Lục Yên, chúng tôi về thăm mô hình của Hợp tác xã Đại Gia ở xã Vĩnh Lạc. Bây giờ là tháng 11, rất nhiều thửa ruộng của xã có thế đất cao, thiếu nước nên phần lớn được bà con trồng cây ngắn ngày, đợi đến tháng Ba, tháng Tư năm sau đủ nước mới cấy lúa. Đâu đó lác đác một vài chân ruộng được bà con trồng ngô vụ đông đang nảy mầm xanh. Giữa một màu xám của những chân ruộng khô cằn do thiếu nước, từ xa chúng tôi đã thấy một màu xanh bừng lên đầy sức sống – đó chính là vườn cam trĩu quả đang bước vào vụ thu hái của gia đình ông Gia.

Khu trồng cam Canh. Ảnh: P. Quỳnh

Nghe thấy tiếng ông thấp thoáng trong vườn, chị Vân (Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lạc) chủ động mở cánh cổng làm bằng dây thép gai đưa chúng tôi vào. Một lão nông gần 70 tuổi luôn nở nụ cười chất phác, dáng đi hao gầy nhưng rắn rỏi, xách thùng cam mới hái vàng ươm từ trong vườn dần xuất hiện. Ông chính là cựu chiến binh Triệu Ngọc Gia – Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Đại Gia.

Nhiều hộ trong xã làm theo

Nhìn thấy hình ảnh người nông dân làm giám đốc chăm chỉ, hiền lành, đắm mình giữa vườn cam tươi xanh trĩu quả, bắt đầu cho quả chín, ai cũng mê, vội ùa vào vườn rôm rả nói cười, trò chuyện và tạo dáng bên lão nông để chụp những tấm hình ắp lên Zalo, Facebook… khoe với bạn bè làm kỷ niệm.

Bên những cây cam cao quá đầu người, lúc lỉu quả đang dần chuyển màu vàng tươi, ông Gia phấn khởi giãi bày: Được sự động viên hướng dẫn của phòng Nông nghiệp và Hội Nông dân huyện, nên từ tháng 11/2019 mô hình trồng cam của HTX đã áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGrap, nhờ vậy mà quả đạt chất lượng đồng đều, to hơn, an toàn hơn và thời gian chín kéo dài hơn trước. Do giá cả năm nay giảm, nhưng ưu điểm này mà HTX vẫn chưa vội bán, đợi sang tháng sau được giá cao hơn mới xuất bán.

“Năm 2018 thu bói được 5 tấn, ăn uống cho la thoải mái còn thu được 10 triệu đồng; năm 2019 thu 14 tấn bán tại vườn được 140 triệu đồng; năm nay, nhờ bán 3,5 tấn cam Vinh không hạt từ dịp rằm Trung thu nên được giá thu về hơn 50 triệu đồng, gần tháng nay tỉa bán khoảng hơn 01 tấn cam Canh và 01 tấn cam Vinh thường thu thêm được 23 triệu đồng. Dự kiến còn khoảng 10 – 12 tấn nữa, đến tháng sau cầm chắc cũng thu được khoảng trên dưới 100 triệu đồng. Như vậy vẫn còn thiếu gần 200 triệu nữa mới thu hồi hết khoản vốn 500 triệu đã đầu tư” - lão nông 66 tuổi cười lạc quan kể tiếp.

Ông Gia đưa khách thăm vườn. Ảnh: P. Quỳnh

Ông Gia khẳng định chắc nịch: “Vụ thu hoạch năm sau dù cho giá vẫn giữ ở mức thấp như năm nay, như do sản lượng quả tăng (đạt 25 – 30 tấn) nên chắc chắn sẽ thu hết vốn đã đầu tư và có lãi; khoản thu từ các năm tiếp theo sẽ tích lũy để mở rộng sản xuất”.

Bí thư, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lạc Lự Kim Vy tự hào cho biết, ông Gia là hộ đầu tiên của xã táo bạo chuyển đổi đất lúa 01 vụ kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi. Học theo ông, đến nay cả xã có khoảng chục hộ mạnh dạn làm theo với tổng diện tích gần 3ha; tiêu biêu như mô hình trồng cam của hộ ông Hoàng Cao Cường (thôn Trung Tâm), ông Trường Văn Hiển (thôn Yên Phú)…

Nhìn khu nhà kho để dụng cụ lao động được sắp xếp qui củ, gắn biển đề tên rõ ràng, những lao động địa phương nghiêm túc làm việc theo quy trình cụ thể gắn với trách nhiệm và chất lượng công việc, tôi thầm nghĩ môi trường Quân đội đã rèn luyện để ông trưởng thành, nên dù đã rời xa quân ngũ 36 năm rồi nhưng ông Gia vẫn giữ được tác phong làm việc khoa học và kỷ luật của người lính vào công việc hàng ngày. Tố chất đó cùng với tinh thần lạc quan, dám nghĩ dám làm của ông chắc chắn sẽ đưa HTX dịch vụ tổng hợp Đại Gia gặt hái được nhiều thành công trong những năm tới./.

Theo ông Vy, hiện cả xã có 90ha đất lúa một vụ kém hiệu quả, tất cả đều được xã khuyến khích bà con trồng kín lạc nhân đỏ ở vụ còn lại từ 15 – 16 năm nay, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thu nhập cho bà con, nhưng so với trồng cam thì trồng lạc hiệu quả kinh tế vẫn thấp hơn. “Đáp ứng nhu cầu chuyển đổi của bà con, dăm năm nay xã đã mạnh dạn tạo thuận lợi để chục hộ chuyển đổi sang trồng cam, bưởi với cam kết sử dụng đúng mục đích…

Đến nay, các hộ đều sử dụng đúng cam kết, cho hiệu quả kinh tế ban đầu gấp 5 lần so với trồng lúa. Chính quyền xã Vĩnh Lạc mong muốn, Huyện ủy, UBND huyện Lục Yên sớm ban hành chủ trương về chuyển đổi đất lúa một vụ kém hiệu quả sang cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân” – Bí thư, Chủ tịch xã Vĩnh Lạc đề nghị.

Phạm Quỳnh