TNV - Sáng nay ngồi đọc bài viết "Nghi vấn sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1" của tác giả Vĩnh Hà trên báo tuổi trẻ có một nội dung rất đáng suy ngẫm: "Trong số 6 bản mẫu sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 được đánh giá đạt trong đợt đầu tiên, chỉ một mẫu sách giáo khoa có tổng chủ biên, chủ biên là người Việt Nam...". Tôi tự hỏi, vậy 5 bản mẫu sách giáo khoa tiếng Anh còn lại chủ biên là ai, chẳng lẽ là người nước ngoài, chẳng lẽ trình độ tiếng Anh của Việt Nam kém đến nỗi không thể đủ khả năng để biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1?.
Nghi vấn 05 bản mẫu sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 không có chủ biên là người Việt Nam cũng có cơ sở khi đọc được thông tin từ GS Nguyễn Minh Thuyết "Không cần thiết", GS Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 đồng thời là tổng chủ biên sách giáo khoa môn tiếng Việt của 1 trong 5 bộ sách giáo khoa - cho rằng: "Yêu cầu bổ sung người Việt Nam là tổng chủ biên, chủ biên, tác giả của các sách giáo khoa tiếng Anh do nhóm tác giả nước ngoài biên soạn là không cần thiết. Trong các quy định về việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT cũng không có nội dung nào bắt buộc phải có thành viên là người Việt Nam trong nhóm biên soạn sách giáo khoa". Ông Thuyết cho rằng: "đang có ý định viết thư cho Bộ GD-ĐT về vấn đề này. Nhưng theo ông Thái Văn Tài thì thời hạn phê duyệt sách giáo khoa tiếng Anh không còn xa và yêu cầu bổ sung của Bộ GD-ĐT đối với sách giáo khoa tiếng Anh là không thay đổi".
Trời đất, sau 35 năm đất nước đổi mới, cùng với đó là nền giáo dục không ngừng thay đổi, phát triển và hội nhập, trình độ ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh khá phổ biến, một trong những môn học chính từ cấp THCS trở lên, đó là chưa nói đến mỗi năm cả nước có hàng ngàn, hàng ngàn người Việt Nam đến học tập ở các nước sử dụng tiếng Anh, không ít trong số đó bảo vệ luận văn, luận án thạc sỹ, tiến sĩ bằng tiếng Anh. Ấy vậy, tại sao đến trình độ tiếng Anh lớp 1 chúng ta vẫn còn quá khiêm tốn để thiếu tổng chủ biên, chủ biên, tập thể tác giả là người Việt Nam để biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1?
Tôi nhận thức rất rõ, chúng ta là người Việt Nam, chúng ta có truyền thống, văn hóa, có những yếu tố tâm lý, kinh tế đặc thù khác với những quốc gia khác, đó là chưa đề cập đến thể chế kinh tế - chính trị. Sự kế thừa, vay mượn thành tựu phát triển khoa học - kỹ thuật, giáo dục của nhân loại là nhu cầu thực tế nhưng bất cứ sự vay mượn nào thì cái chính là "cốt bên trong", "tính chủ đạo", "nền tảng cơ bản", "tính chịu trách nhiệm sản phẩm của mình" và cụ thể ở đây là sách giáo khoa thì tổng chủ biên, chủ biên và tập thể tác giả phải có người Việt Nam.
Tôi không hiểu cơ sở nào để Bộ GD-ĐT quy định về việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa không có nội dung nào bắt buộc phải có thành viên là người Việt Nam trong nhóm biên soạn sách giáo khoa? Và trước giờ các em học sinh lớp 1 chưa học tiếng Anh thì đất nước Việt Nam vẫn không ngừng tiến bộ, phát triển, vậy đừng vịn cớ cái thời hạn để cho qua vấn đề tổng chủ biên, chủ biên, nhóm tác giả là người Việt Nam như ông Thái Văn Tài trao đổi "thời hạn phê duyệt sách giáo khoa tiếng Anh không còn xa và yêu cầu bổ sung của Bộ GD-ĐT đối với sách giáo khoa tiếng Anh là không thay đổi".
Quy định là do chính chúng ta đặt ra, áp đặt nhưng nếu thấy nó không phù hợp, không có giá trị của niềm tự hào dân tộc thì hãy dẹp bỏ, lịch sử nền giáo dục Việt Nam quá đỗi tự hào, tiếng Anh suy cho cùng chỉ là sự cộng hưởng cần thiết của thời kỳ mở cửa và hội nhập, người Việt Nam ta có đủ trình độ để biên soạn được sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1.
Sách giáo khoa là sản phẩm tác động rất hệ trọng đến nhiều thế hệ, đến nhận thức, hành vi, văn hóa, kinh tế, tình yêu quê hương đất nước, đến chế độ chính trị và bảo tồn giá trị muôn đời. Xin đừng vịn cớ này cớ nọ, hãy chậm lại đi, đừng áp đạt tư duy chủ quan của một nhóm người mà phá bỏ cái giá trị lớn lao ấy, người Việt Nam là tổng chủ biên, chủ biên, tập thể tác giả sách giáo khoa, trừ khi chúng ta không đủ trình độ làm việc ấy.
Nguyễn Ngọc