Trong khi Anh cho mở cửa các quán bar sau một mùa đông dài thực hiện lệnh phong tỏa thì hàng triệu người ở Australia và Trung Quốc hiện đang quay lại tình trạng phong tỏa. Các hệ thống y tế ở Malaysia, Thái Lan và Indonesia đều quá tải. Những quốc gia như quốc đảo Fiji ở Thái Bình Dương, vào năm ngoái chỉ ghi nhận một vài ca mắc nhưng nay cũng đang đối mặt với những đợt bùng phát dịch bệnh lớn.
Đường phố yên ắng ở Melbourne, Australia trong đợt phong tỏa thứ sáu ngày 6/8/2021. Ảnh: CNN
Một số người không hiểu vì sao châu Á - Thái Bình Dương lại bị dịch bệnh tấn công nặng nề như vậy khi mà nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương đã tự biến mình thành "ốc đảo", đóng cửa biên giới với hầu hết du khách nước ngoài, áp đặt các biện pháp cách ly nghiêm ngặt với những người mới đến, thực hiện các chính sách xét nghiệm và theo dõi tiếp xúc quyết liệt nhằm phát hiện bất kỳ ca mắc nào lọt qua những hàng rào phỏng thủ trên. Với những biện pháp kiểm soát biên giới cứng rắn, những quốc gia này từng đưa số ca mắc tiến về con số 0 và đảm bảo mọi người đều được an toàn.
Trên thực tế, chiến lược này đã phát huy hiệu quả cho tới khi biến thể Delta xuất hiện và làm đảo lộn mọi thứ.
Hiện nay, những đợt bùng phát dịch bệnh mới đang đặt ra câu hỏi về chiến lược "Không Covid" của Trung Quốc và Australia, cũng như làm dấy lên cuộc tranh luận về tính bền vững của giải pháp này.
Tại điểm nóng Covid-19 New South Wales của Australia, các nhà chức trách cho biết, chỉ khi đạt được tỷ lệ tiêm vaccine là 50% thì bang này mới có thể bắt đầu chấm dứt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, một sự dịch chuyển so với những nỗ lực trước đó với việc đưa số ca mắc tiến về con số 0.
Còn tại Trung Quốc, nơi mà một số ca Covid-19 mới khiến nhiều khu vực phải xét nghiệm diện rộng, ngày càng nhiều chuyên gia y tế công cộng đang nghiêng về phương án làm giảm tác động của đại dịch, thay vì hướng tiếp cận "Không Covid" như trước đó, Huang Yanzhong, học giả cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Đối ngoại nhận định.
Sự dịch chuyển khỏi hướng tiếp cận "Không Covid-19" là chiến lược mà theo các chuyên gia, những quốc gia và vùng lãnh thổ như New Zealand hay Hong Kong (Trung Quốc) cuối cùng sẽ phải thực hiện khi họ không thể đóng cửa với thế giới mãi nữa. Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận khoảng 12.000 ca Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát trong khi New Zealand ghi nhận hơn 2.800 ca. Theo các nhà chức trách của 2 nơi này, hiện cả 2 đều chưa ghi nhận các ca cộng đồng mới.
Biến thể Delta “xuyên thủng” những hàng rào phòng thủ nghiêm ngặt nhất
Trong khi dịch Covid-19 hoành hành khắp châu Âu và Mỹ, các quốc gia như Trung Quốc và Australia đã áp dụng chiến lược dập dịch đưa số ca mắc cộng đồng tiến về con số 0.
Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược này cũng phải trả giá không hề nhỏ. Những quốc gia phụ thuộc vào du lịch như New Zealand và các quốc đảo ở Thái Bình Dương chứng kiến ngành du lịch chịu cú đánh nặng nề. Hàng nghìn người Australia không thể quay trở về do các chuyến bay hạn chế và không gian cách ly trong khi người dân Australia cũng không thể ra nước ngoài nếu không có hộ chiếu vaccine.
Tuy nhiên, các nước này cũng có những lợi ích lớn. Australia và Trung Quốc chưa bao giờ phải chứng kiến những đợt bùng phát dịch bệnh kinh khủng như Mỹ hay Anh. Cho tới cách đây một vài tuần, cuộc sống ở những nước này phần lớn đã quay lại bình thường khi mọi người có thể tới tham dự các lễ hội âm nhạc hay các sự kiện thể thao.
"Các nước châu Á - Thái Bình Dương đã có một năm chống dịch thành công và nửa năm đối phó với Covid-19. Hiện rất khó để nói rằng các chiến lược được áp dụng ở những khu vực này có tốt hay không", Karen A. Grépin, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Đại học Hong Kong cho hay.
Dale Fisher, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore nhận định, các chiến lược của Trung Quốc và Australia tập trung vào việc đóng cửa biên giới nghiêm ngặt và nhanh chóng truy vết bất kỳ ca mắc nào bị bỏ sót thông qua việc xét nghiệm hàng loạt. Tuy nhiên, hướng tiếp cận này đã bị thách thức hoàn toàn bởi biến thể Delta, hiện ước tính có khả năng lây nhiễm như bệnh thủy đậu và tăng mức độ lây nhiễm từ 60 - 200% so với chủng virus ban đầu ở Vũ Hán.
"Tôi tin rằng Trung Quốc và Australia đã đánh giá quá cao sự đảm bảo biên giới của họ. Việc này có lẽ không phải là vấn đề lớn với chủng virus ở Vũ Hán nhưng khi gặp phải một biến thể dễ lây nhiễm hơn thì bất kỳ lúc nào cũng có thể xuất hiện những lỗ hổng".
Khi biến thể Delta xâm nhập vào Australia, nó đã cho thấy thiếu sót lớn trong chiến lược của quốc gia này khi tiến hành chiến lược tiêm vaccine chậm chạp. Khi các quốc gia khác gấp rút triển khai chiến lược tiêm vaccine đầu năm nay, Australia dường như không mấy vội vã.
Ngày 8/8, chỉ 17% trong số 25 triệu dân Australia được tiêm vaccine đầy đủ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 58% dân số ở Anh và 50% ở Mỹ. Điều đó tức là có quá ít sự miễn dịch trong cộng đồng để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.
"Đây là một sai lầm lớn. Chúng tôi rơi vào tình thế này bởi có quá ít người được tiêm vaccine và sự xuất hiện của một biến thể vô cùng nguy hiểm", Alexandra Martiniuk, giáo sư Đại học Sydney đánh giá.
Câu hỏi về chiến lược “Không Covid”
Các nhà chức trách Trung Quốc đã phải kiểm soát chặt chẽ hơn việc đi lại trong nước và tiến hành xét nghiệm hàng loạt sau khi hơn 300 ca Covid-19 được phát hiện ở hàng chục thành phố trên khắp cả nước.
"Với đợt dịch bùng phát này, tôi nghĩ họ sẽ sớm đưa số ca tiến về con số 0 nhưng điều đó cũng cho thấy những rủi ro của chiến lược Không Covid. Đây sẽ không phải là đợt bùng phát cuối cùng và sẽ còn có nhiều đợt bùng phát hơn nữa trong những tháng tới", Ben Cowling, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong cho hay.
Trong những tháng qua, chiến lược Không Covid đã có hiệu quả tốt. Trong khi những quốc gia khác chật vật với hệ thống y tế quá tải và số người chết tăng cao thì Trung Quốc và Australia ghi nhận lần lượt 4.848 và 939 ca tử vong. Điều đó khiến cho những nước này quay lại cuộc sống bình thường và nền kinh tế ít chịu tác động nặng nề.
Tuy nhiên, về dài hạn, nhiều chuyên gia cho rằng, chiến lược Không Covid không bền vững. Cuối cùng thì tất cả các nước đều muốn mở cửa trở lại và khi đó họ cần chấp nhận cả những người có thể mắc bệnh. Đây sẽ là một sự dịch chuyển lớn ở những nước châu Á - Thái Bình Dương vốn đã quen ngăn chặn Covid-19 từ bên ngoài.
"Trừ khi chúng ta chuẩn bị để giãn cách xã hội mãi mãi, nếu không thì chúng ta sẽ phải chấp nhận sự tồn tại của Covid-19. Vì thế, câu hỏi đặt ra là khi nào bạn sẽ để nó vào và sống chung với nó", giáo sư Fisher nhận định.
Dù vậy, việc đào sâu vào chiến lược Không Covid không phải là điều mà Trung Quốc và Australia cần suy nghĩ hiện nay, nhà nghiên cứu Grépin bình luận.
Khi hơn 80% dân số được tiêm vaccine, các quốc gia có thể nới lỏng việc kiểm soát biên giới. Trung Quốc hiện dựa vào các loại vaccine nội địa, trong đó có Sinovac, có hiệu quả 50% nhằm đối phó với Covid-19 và hiệu quả 100% ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng, trong khi vaccine Sinopharm có hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 và các ca nhập viện tới 79%, theo dữ liệu được gửi lên WHO.
Chuyên gia Grépin cho rằng Trung Quốc có thể cần tới mũi vaccine thứ ba để tăng cường khả năng miễn dịch.
Mở cửa quá sớm có thể dẫn tới sự gia tăng số ca tử vong, điều mà những nước này nỗ lực hết sức để ngăn chặn, chuyên gia này đánh giá.
Cuộc chiến chưa có hồi kết
Kinh nghiệm từ Trung Quốc và Australia đã cho thấy rủi ro mà những nước cũng đang thực hiện kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, phải đối mặt trước việc ngăn chặn vĩnh viễn biến thể Delta hay một biến thể khác.
Theo giáo sư Fisher, những đợt bùng phát dịch bệnh do biến thể Delta có thể xảy ra ở cả những quốc gia đến nay chưa từng trải qua, chẳng hạn như New Zealand.
Giống như Australia, New Zealand và Hong Kong (Trung Quốc) đều có tỷ lệ tiêm vaccine thấp, với con số lần lượt là 16% và 39%. Nếu bị biến thể Delta xâm nhập, những khu vực này vẫn dễ tổn thương trước các đợt bùng phát mới.
"Tiêm vaccine cho những người chưa mắc Covid-19 là một yêu cầu cấp bách bởi dịch bệnh bùng phát chỉ là vấn đề thời gian và chúng ta đều hiểu những tác động về kinh tế cũng như xã hội khi phản ứng bằng cách phong tỏa hay xét nghiệm trên quy mô lớn", giáo sư Fisher nhận định.
Chuyên gia này khuyến cáo việc duy trì một số biện pháp hạn chế như đeo khẩu trang trong nhà, thậm chí ở cả những quốc gia đã đóng cửa biên giới và không có ca mắc trong cộng đồng.
"Mỗi quốc gia đều nên giả định có ca mắc trong biên giới của họ và ít nhất thì hãy thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang trong nhà hay hạn chế tụ tập. Chắc chắn điều này sẽ khiến mọi người cảm thấy phiền phức nhưng tôi có thể khẳng định rằng nếu bạn gặp phải một ca mắc, mọi thứ sẽ đơn giản hơn nhiều (nếu thực hiện các biện pháp trên –ND)”.
Chuyên gia này cũng cho rằng các quốc gia nên học hỏi các quốc gia khác về việc ứng phó với dịch bệnh.
"Nếu bất kỳ ai nghĩ rằng đại dịch này kết thúc thì họ đã sai lầm. Mọi người đều phải đối mặt với nó và sống chung với nó. Mọi thứ vẫn chưa kết thúc dù ở bất kỳ quốc gia nào", giáo sư Fisher bình luận./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo: CNN