Biến thể Omicron phủ bóng đen lên đà phục hồi kinh tế toàn cầu

Thứ năm, 23/12/2021 - 08:30

Khi người dân Mỹ và châu Âu đang háo hức chờ đợi mùa nghỉ lễ bình thường nhất trong 2 năm qua, biến thể Omicron xuất hiện kéo theo vòng xoáy lo ngại và bất ổn mới với các hoạt động du lịch, mua sắm, lễ hội và cả nền kinh tế nói chung.

The Rockettes đã phải hủy buổi biểu diễn Giáng sinh ở New York. Liên đoàn Hockey quốc gia của Mỹ quyết định hoãn các trận đấu tới sau Giáng sinh, trong khi thành phố Boston dự kiến yêu cầu người dân phải có chứng nhận tiêm chủng mới được tới nhà hàng, quán bar và các cửa hàng mua sắm.

Cảm giác lo ngại khi Omicron lây lan và được dự báo sẽ sớm trở thành biến thể thống trị ở Mỹ khiến một số người dân và doanh nghiệp không muốn trở lại hoạt động như thường lệ.

Ảnh: AP

Nhiều người vẫn thực hiện kế hoạch đi du lịch, chi tiêu và tụ tập như bình thường, nhưng thận trọng hơn. Du lịch hàng không trong dịp nghỉ lễ vẫn tương đối nhộn nhịp. Nhiều cửa hàng bán lẻ và nhà hàng vẫn có doanh thu ổn định. Các rạp chiếu phim dường như vẫn chưa bị tác động khi lượng khán cuối tuần vừa qua vẫn đông kỷ lục.

Mặt khác, hiện vẫn chưa rõ biến thể mới sẽ có tác động như thế nào đối với sức khỏe của các nền kinh tế phương Tây, vốn đã phải trải qua một giai đoạn suy thoái từ năm 2020 và đang dần phục hồi. Liệu Omicron có gây ra các đợt bùng phát tại các nhà máy và bến cảng, làm gián đoạn hoạt động và làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung hay không? Và liệu làn sóng dịch bệnh mới có khiến người dân hạn chế chi tiêu cho các khoản mua sắm và dịch vụ, khiến triển vọng kinh tế trở nên ảm đạm hơn?

Đà phục hồi kinh tế bị phủ bóng đen

Lo ngại trước những bất ổn và các kịch bản tồi tệ nhất, các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới đã chứng kiến các nhà đầu tư bán tháo trong 3 ngày trước khi phục hồi vào ngày 21/12.

“Chúng tôi không biết liệu điều này là tốt hay xấu đối với tăng trưởng hoặc lạm phát trong trung hạn. Chúng tôi chưa có đủ dữ liệu đánh giá”, bà Megan Greene, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Viện Kroll cho biết.

Danielle Ballantyne, một chuyên gia dinh dưỡng ở Chicago, ban đầu lên kế hoạch đến một số cửa hàng và để tìm kiếm nguồn cảm hứng cho những món quà ngày lễ. Nhưng khi Omicron lan rộng, Ballantyne hủy bỏ kế hoạch và chuyển sang mua sắm trực tuyến.

“Theo những tin tức mà đôi đọc được, biến thể Omicron dễ lây lan hơn. Vì vậy, tôi cố gắng chọn lọc các điểm đến để hạn chế nguy cơ mắc bệnh”, Ballantyne nói.

Tại các thành phố lớn như New York và Chicago, lượng khách tới các cửa hàng đồ may mặc Untuckit giảm 15%, tương tự như những gì đã từng xảy ra khi biến thể Delta bắt đầu lan rộng vào mùa hè năm 2020.

Aaron Sanandres, Giám đốc điều hành của Untuckit cho biết: “Dịch bệnh tác động đến nhận thức của mọi người về sự thoải mái và an toàn cũng như mức độ sẵn sàng ra ngoài của họ”.

Khi dịch bệnh lây lan rộng, các nước châu Âu đã “nhanh chân” hơn Mỹ trong việc tái áp đặt các biện pháp hạn chế, từ việc phong tỏa trên diện rộng ở Hà Lan đến các quy định đeo khẩu trang tại không gian kín ở Vương quốc Anh...

Một nhà hát ở miền Tây nước Anh đã phải hoàn lại 240.000 USD tiền vé bán ra. Tập đoàn du lịch Advantage, đại diện cho các đại lý du lịch của Vương quốc Anh, cho biết hoạt động kinh doanh – gồm các chuyến bay, du lịch trên biển và các kỳ nghỉ trọn gói - đã giảm 40% vào giữa tháng 12 so với một tháng trước đó.

Ở London, các nhà hàng ở trung tâm thành phố đang gặp khó khăn khi nhân viên văn phòng làm việc tại nhà.

“Ngay khi họ nói rằng làm việc tại nhà, cửa hàng của chúng tôi trở nên vắng tanh”, Sally Abe, một đầu bếp tại Khách sạn Conrad ở trung tâm London, cho biết.

Trong khi đó, một quán ăn ở trung tâm Madrid (Tây Ban Nha) đã nhận được thông báo hủy bỏ khoảng một nửa số lượng đặt chỗ trước trong một tuần gần đây.

Ngày 21/12, Anh đã thông báo rằng sẽ hỗ trợ 1 tỷ bảng Anh (1,3 tỷ USD) để giúp ngành khách sạn khắc phục khó khăn do biến thể Omicron gây ra.

Triển vọng kinh tế ảm đạm

Kể từ khi bùng phát gần 2 năm trước, đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức đối với các nền kinh tế. Nhiều nước không còn cách nào khác ngoài việc phải đóng cửa khi virus tấn công vào đầu năm 2020. Chỉ riêng ở Mỹ, hơn 22 triệu người đã mất việc làm. Các quán bar, nhà hàng và khách sạn bị tác động nặng nề.

Một trong những lo ngại hiện nay là sự lây lan biến thể Omicron sẽ tiếp tục làm gián đoạn quá trình sản xuất và vận chuyển, làm trầm trọng thêm tình trạng tồn đọng, đứt gãy chuỗi cung ứng và khiến lạm phát tiếp tục gia tăng. Nó cũng có thể làm tăng nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

“Nếu mọi người lo lắng rằng đến một quán bar hoặc nhà hàng cuối cùng sẽ khiến họ phải nhập viện vì mắc bệnh, họ có thể tiếp tục mua sắm hàng hóa. Điều đó có thể làm trầm trọng thêm xu hướng ngắn hạn và làm cho lạm phát tồi tệ hơn”, bà Greene, nhà kinh tế của Viện Kroll cho biết.

Mặt khác, bà Greene nói: “Nếu tăng trưởng thực sự bị giảm sút do biến thể Omicron, điều đó sẽ kiềm chế lạm phát”.

Có nhiều lý do khác để cho rằng sự phục hồi kinh tế sẽ bị giảm tốc. Tại Mỹ, viện trợ kinh tế từ ngân sách liên bang đang giảm dần.

Viện dẫn lo ngại tác động của Omicron và các yếu tố khác, Oxford Economics đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2021 xuống 7,3% so với dự báo 7,8% trước đó.

“Omicron đã lây lan quá nhanh và nó đang tấn công ở các khu vực có mật độ dân số cao ở phía Đông Bắc. Chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ gây thiệt hại khá lớn đối với hoạt động kinh tế”, bà Kathy Bostjancic, Giám đốc kinh tế tài chính Mỹ của Oxford Economics nhận định./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)Theo AP