
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cho biết: Ở Việt Nam, quyền bình đẳng nam nữ được ghi nhận rất sớm, ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Điều 9 Hiến pháp năm 1946 quy định "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện". Các bản Hiến pháp của nước ta được ban hành sau đó vào năm 1959, năm 1980, năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) đều ghi nhận quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Hiến pháp năm 2013 (Điều 16, khoản 1 Điều 26) quy định nam nữ bình đẳng về mọi mặt và trước pháp luật.
Như vậy, quyền bình đẳng nam nữ đã được hiến định ở nước ta cách đây 79 năm. Trải qua quá trình đó nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thực hiện quyền bình đẳng nam nữ. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao.

PGS.TS. Trần Thị Minh Thi - Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH, Chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới phục vụ phát triển bền vững" Mã số: 02/22-ĐTĐL.XH-XNT thuộc Đề tài độc lập cấp Quốc gia chia sẻ: Việt Nam là một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời, với các giá trị gia đình đóng vai trò trung tâm trong đời sống xã hội. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, Việt Nam đang từng bước hội nhập quốc tế và phát triển về kinh tế, giáo dục và công nghệ. Truyền thống Á Đông thường coi nam giới là trụ cột gia đình, còn phụ nữ gắn liền với công việc nội trợ và chăm sóc con cái. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, cả nam và nữ đều có quyền và trách nhiệm như nhau trong việc xây dựng gia đình và xã hội. Việc khuyến khích nam giới tham gia vào công việc gia đình không chỉ giúp giảm gánh nặng cho phụ nữ mà còn tạo ra môi trường gia đình hài hòa và bình đẳng hơn.
Bình đẳng giới là nền tảng để xây dựng các mối quan hệ gia đình lành mạnh, dựa trên sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Khi các thành viên trong gia đình được đối xử công bằng và có quyền thể hiện bản thân, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự tin hơn trong cuộc sống.
Phát biểu tại hội thảo, Ths. Nguyễn Thị Khánh Ly - Chuyên viên chính Vụ Y tế và Thể thao Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho biết: Bạo lực trên cơ sở giới đặc biệt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong những rào cản đối với mỗi quốc gia trong quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em cần phải được thực hiện ngay từ chính trong mỗi gia đình – môi trường được coi là an toàn nhất của phụ nữ và trẻ em gái. Đây được coi là chìa khóa, là tiền đề thúc đẩy bình đẳng giới thực chất từ chính trong mỗi gia đình, để không bỏ lại ai bị bỏ lại phía sau.
Trong khuôn khổ một hội thảo thuộc Đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới phục vụ phát triển bền vững" khó có thể phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp toàn diện và tổng thể về bảo đảm bình đẳng giới trong gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Hội thảo hôm nay sẽ là diễn đàn để báo cáo và thảo luận về kết quả nghiên cứu, khảo sát đối với hai nhóm chủ đề: bình đẳng giới trong gia đình và bạo lực trên cơ sở giới. Từ đó, đề xuất, gợi mở một số giải pháp bước đầu liên quan đến bình đẳng giới trong gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Công Minh