Vừa qua, Hội nghị trực tuyến triển khai các nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học và hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã diễn ra với sự tham dự của nhiều chuyên gia.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Mai Văn Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) cho rằng, hầu hết giới trẻ nghiện ma túy khi tỉnh ngộ đều tỏ ra ân hận, việc sử dụng và nghiện ma túy vì thiếu hiểu biết và nhận thức còn sai lạc về ma túy cộng với lối sống thiếu lành mạnh. Các em đã bị sa vào ma túy và cạm bẫy của bọn người xấu lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc với những thủ đoạn tinh vi, quỷ quyệt, có tổ chức.
Theo ông Hưng, hiện nay mạng Internet rất phát triển, các em mới đi học đã có thể sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, máy tính, các em tiếp cận những thông tin hay và không hay nhưng đầu óc còn non nớt không phân biệt được. Nhiều em nghiện game và quán game cũng như nhà hàng, quán bar, vũ trường, karaoke… phát triển mạnh, là nơi các em hay tụ tập trong các cuộc vui, sinh nhật, nhưng khó kiểm soát, nhiều nơi thành các tụ điểm sử dụng ma túy tập thể. Nhiều em trở thành người nghiện ma túy bắt đầu từ những lần dùng thử tại những nơi này.
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến các em học sinh sa ngã vào tệ nạn ma túy: có thể do tò mò, bị bạn bè rủ rê lôi kéo; có thể do hoàn cảnh gia đình tác động (kinh tế khó khăn, cha mẹ ly hôn, thiếu sự quan tâm con cái...); tâm lý các em học sinh chủ quan, thiếu cảnh giác trước những chủng loại ma túy và thủ đoạn phức tạp của tội phạm ma túy; bản thân các em thiếu kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy...
Ngoài những nguyên nhân nêu trên thì việc chưa có tài liệu chính thống hướng dẫn nhận thức về tác hại của ma túy; chưa có các chương trình phòng, chống ma túy mang tính đồng bộ, xuyên suốt, cung cấp đầy đủ kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh cũng là một trong những nguyên nhân khiến các em dễ bị dụ dỗ, sa ngã vào tệ nạn ma túy.
“Qua nhiều cuộc khảo sát, chúng tôi nhận thấy, trong các trường học phần lớn các em học sinh thiếu kỹ năng phòng ngừa ma túy, không biết cách ứng xử an toàn trong các hoàn cảnh, tình huống có nguy cơ cao liên quan đến ma túy; thậm chí không có khả năng nhận diện thế nào là ma túy và những sản phẩm liên quan đến ma túy. Vì vậy việc trang bị cho các em các kỹ năng nhận biết và phòng ngừa ma túy là vô cùng cần thiết và cấp bách hiện nay”, PGS.TS Mai Văn Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy PSD nhận định.
Em Hoàng Khang (học sinh cấp 3 tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Em được nghe rất nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến ma túy, trong đó có nhiều bạn sa vào tệ nạn này khi mới bằng tuổi em hoặc hơn kém em một chút. Em nghĩ nếu có những kiến thức sớm hơn, đầy đủ hơn về ma túy những học sinh như bọn em sẽ dễ dàng nhận biết những dấu hiệu của chúng để tránh được những nguy cơ có thể xảy ra, tránh được những hậu quả mà đôi khi phải gánh chịu cả cuộc đời”.
Trong khi đó, em Nguyễn Phương (học sinh cấp 2 tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Bình thường khi muốn tìm kiếm các thông tin về ma túy em toàn lên mạng internet, trên đấy có rất nhiều nhưng em không biết đâu là thông tin chính xác, đâu là thông tin sai lệch. Hoặc là nghe thầy cô, bố mẹ hoặc người thân nói lại, hầu hết là truyền miệng cả. Nếu có một bộ sách có đầy đủ các thông tin về ma túy thì tốt quá, vừa tiện theo dõi lại chuẩn chẳng phải lo lắng xem nguồn tin đấy có đúng và có đáng tin cậy không”.
Còn theo em Minh Dương (học sinh cấp 3 tại Hà Nội), em đã được nhà trường, các thầy cô tổ chức những buổi học giao lưu, học hỏi với những trung tâm phòng, chống ma túy, qua đó em cũng được mở mang nhiều kiến thức liên quan đến ma túy và cách tránh xa, phòng chống ma túy. Nhưng em nghĩ rằng điều đó vẫn là chưa đủ mà học sinh cần bổ sung các kiến thức và kỹ năng để học sinh có thể tự tin bảo vệ mình trước hiểm họa ma túy.
Luôn trăn trở, day dứt về vấn nạn ma túy học đường, muốn chung tay cùng cộng đồng bảo vệ thế hệ trẻ, bảo vệ các em học sinh - những mầm non tương lai của đất nước trước hiểm họa ma túy, Viện PSD đã tiến hành nghiên cứu, phát triển và biên soạn bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”. Sau 5 năm “thai nghén”, bộ sách đã chính thức ra đời và sẵn sàng đồng hành cùng các bạn học sinh, các giáo viên, phụ huynh tham gia vào cuộc chiến chống ma túy học đường nói riêng và ma túy nói chung.
Như vậy, các em học sinh sẽ được tiếp cận bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" do Viện PSD biên soạn trong thời gian sớm nhất. Tài liệu gồm 4 cuốn, dành cho học sinh THCS, THPT, giáo viên và phụ huynh. Nội dung tài liệu được tích hợp vào các tiết học và bằng nhiều hình thức phù hợp. Bộ tài liệu sẽ giúp các em học sinh không chỉ nhận thức rõ tác hại của ma túy mà còn được hướng dẫn chi tiết về kỹ năng phòng ngừa các nguy cơ, tình huống không an toàn.
Đánh giá về bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy", thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho rằng, bộ tài liệu sẽ giúp các bậc phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục có kỹ năng, kinh nghiệm để bảo vệ con em mình trước sự tấn công của ma túy.