Bộ tứ Nhật, Mỹ, Australia, Ấn Độ (QUAD) cứng rắn với Trung Quốc

Thứ ba, 24/05/2022 - 07:35

QUAD thực chất là Khuôn khổ hợp tác và liên kết được tạo ra bởi 4 nước Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ. Các quốc gia này cùng giá trị quan về dân chủ, trong từng trường hợp cụ thể họ được cho là chung mong muốn làm giảm hành động của Trung Quốc đang gia tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hội nghị thượng đỉnh 4 nước Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ (QUAD) sẽ chính thức khai mạc vào ngày mai (24/5) tại Tokyo.

Cờ của 4 quốc gia trong QUAD (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, và Australia). Đồ họa: Modern Diplomacy.

Mỹ có vai trò chủ đạo

Mỹ coi trọng việc liên kết với các nước đồng minh, các quốc gia hữu hảo có cùng lập trường trong vấn đề đối kháng với Trung Quốc, giữ vai trò chủ đạo trong Khuôn khổ hợp tác 4 nước.

Do đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nâng cấp Khuôn khổ QUAD ở cấp bộ trưởng lên cấp thượng đỉnh. Tháng 3/2021, Mỹ đã chủ trì Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên bằng hình thức trực tuyến. Tháng 9 cùng năm Hội nghị trực tiếp lần thứ nhất được tổ chức và đưa ra quyết định sẽ tổ chức hàng năm.

Mỹ có quan hệ đồng minh lần lượt với Nhật Bản và Australia. Ấn Độ tuy không phải là đồng minh, nhưng là một nước lớn của khu vực Ấn Độ Dương và có quan hệ mật thiết với Mỹ. Vì vậy, Mỹ đang chiếm vị trí là đối tác quan trọng trong việc đối kháng với Trung Quốc.

Mong đợi của Nhật Bản

Kể cả họp trực tuyến, thì Hội nghị thượng đỉnh 4 nước lần này là lần thứ 4. Lần đầu tiên là nước chủ trì Hội nghị, Nhật Bản mong muốn trở thành trung tâm tăng cường quan hệ tin tưởng mang tính cá nhân, xác nhận các cam kết, liên kết trong khuôn khổ hợp tác.

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp tục căng thẳng, Hội nghị tổ chức tại Nhật Bản là thời gian thích hợp khi Nhật Bản đang ở cục diện quan trọng thúc đẩy lập trường thực hiện khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Thông qua Hội nghị, Nhật Bản mong muốn xác nhận lại một lần nữa với các đối tác quan trọng nhằm duy trì trật tự quốc tế mà hiện tại đang bị thay đổi bởi một số quốc gia mà đầu tiên là Trung Quốc.

Trong các vấn đề quốc tế, Nhật Bản sẽ đề cập tới vấn đề phát triển hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên và làm thế nào để ứng phó với hành vi ngày càng gia tăng của nước này, cuộc xung đột Nga-Ukraine, và đặc biệt là hợp tác Nhật-Mỹ, Nhật-Mỹ-Ấn Độ-Australia với mục đích giảm bớt sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong nhiều vấn đề.

Cụ thể liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, hai nhà lãnh đạo Nhật-Mỹ sẽ cam kết cùng với các nhà lãnh đạo Nhóm G7 tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt gia tăng đối với Nga, viện trợ cho Ukraine, đồng thời thúc đẩy quan hệ với các nước châu Á và châu Phi để nhận được sự ủng hộ trong quá trình trừng phạt Nga.

Ấn Độ là nước có quan hệ hữu hảo với Nga trong nhiều năm. Nhật Bản cũng muốn xác nhận lập trường của Ấn Độ về quan điểm không chấp nhận việc đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực mà cụ thể là cuộc xung đột Nga-Ukraine. Đây là vấn đề mà dư luận quốc tế rất quan tâm.

Mục đích của Australia?

Trong nhiều chục năm nay, quan hệ Australia và Trung Quốc nguội lạnh nếu nhe không muốn nói là rất xấu. Năm 2020, Australia đã đưa ra đề xuất cần phải điều tra độc lập về nguồn gốc phát sinh dịch Covid-19 và đã bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ. Theo đó, Trung Quốc liên tục thực hiện các biện pháp cấm nhập hàng hóa từ Australia.

Tháng 4 năm nay, Trung Quốc đã ký Hiệp định an ninh với quần đảo Solomon là quần đảo Nam Thái Bình Dương có vị trí cách hơn 2000km từ phía Đông Bắc Australia. Do đó, để nâng cao năng lực kinh tế và quân sự ở khu vực và tạo thế đối kháng với Trung Quốc, Australia đã thúc đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ.

Lập trường của Ấn Độ

Trong nhóm Bộ tứ, Ấn Độ là nước duy nhất có khoảng 3.500km tiếp giáp với Trung Quốc và đã đạt được sự thống nhất với 3 nước còn lại về lập trường đối với Trung Quốc.

Trung Quốc trong nhiều năm có mâu thuẫn với Ấn Độ về khu vực biên giới chưa được xác định nên đã mở rộng hoạt động mang tính quân sự, chính trị và kinh tế tại khu vực này. Với lý do đó, Ấn Độ cũng có kế hoạch tạo ra mạng lưới đối kháng với Trung Quốc.

Lập trường của Ấn Độ là tự mình quyết định những vấn đề của mình với tư cách là một quốc gia lớn trên thế giới với 1,4 tỷ dân.

Tuy nhiên, trong vấn đề Nga-Ukraine, Ấn Độ là quốc gia có quan điểm hơi khác so với 3 nước còn lại. Bởi lẽ Ấn Độ có quan hệ tốt với Nga, mua vũ khí của Nga với số lượng lớn. Tại Đại hội đồng LHQ, Ấn Độ đã bỏ phiếu trống liên quan đến Nga. Ấn Độ không phê phán trực tiếp việc tấn công quân sự. Tại Hội nghị thượng đỉnh 4 nước lần này, Ấn Độ cũng hy vọng các nước trong khuôn khổ hiểu rõ lập trường không muốn phá vỡ quan hệ tốt đẹp với Nga.

Với những góc nhìn trên, hy vọng Hội nghị thượng đỉnh lần này của 4 nước sẽ thống nhất được quan điểm chung về việc xây dựng khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đáp ứng lợi ích chung mà cả khu vực và thế giới đang quan tâm./.

Bùi Hùng/VOV