Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Đánh giá tình hình triển khai và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”

Thứ hai, 16/12/2024 - 23:04

Tham dự hội thảo có: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh và Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc đồng chủ trì Hội thảo. Hôi thảo còn có sự tham gia của đại diện một số cơ quan Trung ương và 63 Sở Tư pháp địa phương

Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: moj.gov.vn

Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: moj.gov.vn

Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa cho biết, ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" (Đề án 977). Đây là Đề án rất quan trọng trong bối cảnh nước ta đang tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Trong 02 năm vừa qua, các cấp, các ngành đã nỗ lực, tích cực triển khai Đề án và đạt được những kết quả quan trọng. Để đạt được những kết quả này là do chúng ta đã tập trung thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: Thực hiện rà soát các luật, đặc biệt là Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Thi hành án dân sự... Đặc biệt, thông qua đó, chúng ta đã có những đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật để tiếp tục nâng cao quyền được tiếp cận pháp luật của người dân; Tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của pháp luật với đời sống và sự chủ động, tích cực trong việc thực hiện gắn trách nhiệm đã được giao trong các văn bản pháp luật, cũng như trách nhiệm chủ động của người dân tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức khác nhau; Khảo sát, đánh giá để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án, các nhu cầu của người dân trong vấn đề tiếp cận pháp luật. Từ đó, chúng ta có các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý công tác này trong thời gian tới; Cung cấp thông tin pháp lý, kỹ năng sử dụng pháp luật bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật của người dân, đặc biệt là các mô hình hay, cách làm hiệu quả, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; Chú trọng việc thực hiện công tác hướng tới người yếu thế; Phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, xã hội hóa nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ luật sư, luật gia tham gia triển khai Đề án;...

Để triển khai việc nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của các đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các cấp, các ngành đã kiện toàn đội ngũ nhân lực có kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ thông tin pháp luật PBGDPL, tư vấn, trợ giúp pháp lý; xây dựng, triển khai các chương trình PBGDPL, tư vấn, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ một số giải pháp để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân. Trong đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương; tận dụng các nền tảng công nghệ hiện đại như nhóm Zalo hay các ứng dụng khác để giúp người dân dễ dàng tiếp cận pháp luật mọi lúc, mọi nơi; huy động thêm đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp lý đồng hành, tham gia cùng các cơ quan, ban ngành, sở, địa phương trong việc tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân…

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh ghi nhận và đánh giá cao các kết quả của bộ, ngành, địa phương đạt được trong việc triển khai Đề án 977.

Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Thứ trưởng đề nghị Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và từng địa phương nghiên cứu giải pháp tổng thể, huy động sự vào cuộc cả cả hệ thống chính trị nói chung và địa phương nói riêng, trong đó lưu ý bám sát 5 nhóm nhiệm vụ và 24 hoạt động của Đề án 977.

Trước yêu cầu đổi mới tư duy phổ biến, giáo dục pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị chính quyền các cấp, nòng cốt là ngành Tư pháp, Sở Tư pháp, phải tạo dựng các điều kiện cần thiết về mặt thông tin pháp lý, PBGDPL để người dân chủ động tiếp cận và nâng cao nhận thức về pháp luật. Từ đó chủ động chấp hành, tuân thủ, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; để thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đề nghị các địa phương nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò tham mưu của Sở Tư pháp trong triển khai nhiệm vụ thuộc Đề án; mong muốn Ủy ban nhân dân các tỉnh quan tâm bố trí kinh phí triển khai hoạt động Đề án; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân...

P/v