Bộ Tư pháp tổ chức họp báo Quý II năm 2016

Thứ sáu, 08/07/2016 - 11:06

TNV - Chiều 7/7 tại Hà Nội, đồng chí Trần Tiến Dũng - Thứ trưởng kiêm Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp đã chủ trì buổi họp báo công tác tư pháp quý II  và 6 tháng đầu năm; Một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016.

Đồng chí Trần Tiến Dũng - Thứ trưởng kiêm Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp đã chủ trì buổi Họp báo. Đồng chí Trần Tiến Dũng - Thứ trưởng kiêm Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp đã chủ trì buổi Họp báo.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết công tác xây dựng văn bản đã được đẩy mạnh từ đầu năm. Tính đến ngày 30/6/2016, đối với 169 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực và các luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 73/169 văn bản (41 Nghị định, Quyết định; 28 Thông tư và 04 Thông tư liên tịch), đạt 43,19%. Bộ đã thẩm định 151 dự thảo VBQPPL, 61 điều ước quốc tế; Góp ý 447 dự thảo văn bản, trong đó có 163 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; hoàn thành thẩm định đối với 50/50 Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, qua đó đã đề nghị cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Sáu tháng đầu năm 2016, Bộ đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.443 văn bản, bước đầu phát hiện 58 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành. Công tác kiểm soát TTHC đến hết tháng 6 năm 2016 đạt tỷ lệ 95.85 %.

Công tác thi hành án dân sự 8 tháng đầu năm 2016 (từ 01/10/2015 đến hết ngày 31/5/2016) đạt kết quả đáng ghi nhận, về việc: Đã giải quyết xong 296.041 việc trong số có điều kiện thi hành (tăng 6,59% so với cùng kỳ năm 2015), đạt tỉ lệ 56,22% (tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2015); Về tiền: Đã giải quyết xong trên 14.083 tỷ 361 triệu đồng trong số có điều kiện thi hành (tăng 26,92% so với cùng kỳ năm 2015), đạt tỉ lệ 14,00% (tăng 2,94% so với cùng kỳ năm 2015).

Thông tin tới các cơ quan báo chí về Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết: Xuất phát từ đặc thù của việc thi hành án hành chính, Nghị định quy định trình tự, thủ tục thi hành án hành chính theo cơ chế “tự thi hành án” mà không thông qua một chủ thể thứ ba tổ chức thi hành án độc lập như trong THADS. Theo đó, Nghị định có các quy định chung về trình tự, thủ tục thi hành án, như: Quy định về tự nguyện thi hành án; yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án; thi hành bản án, quyết định của Tòa án khi có quyết định buộc thi hành án; chỉ đạo, đôn đốc thi hành án; Theo dõi việc thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự. Bên cạnh quy định chung về trình tự thủ tục thi hành án, Nghị định cũng quy định việc thi hành án trong những trường hợp cụ thể theo quy định tại Điều 311 của Luật tố tụng hành chính.

Để xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong thi hành án hành chính, Nghị định quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan. Trong đó, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc việc thi hành án hành chính; báo cáo, đề xuất trong trường hợp đề nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ. Đây là cơ sở quan trọng để xác định trách nhiệm và tăng cường quản lý công tác thi hành án hành chính trên thực tế, khắc phục tình trạng không rõ trách nhiệm, hạn chế hiệu quả quản lý công tác thi hành án hành chính hiện nay.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về tính hợp lý của các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh vừa được Chính phủ ban hành, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Nguyễn Thanh Tú cho biết: Bộ Tư pháp đã làm đúng và đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc thẩm định, đóng góp ý kiến đối với các dự thảo Nghị định, không vì sức ép thời gian mà coi nhẹ chất lượng của văn bản. Ông cũng cho biết, sau khi Nghị định được ban hành, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục rà soát các quy định và kiến nghị sửa đổi nếu cần thiết, đảm bảo hoàn thiện các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác cuối năm đồng chí Trần Tiến Dùng cũng cho biết Bộ sẽ tập trung xây dựng dự án Luật trách nhiệm bồi thường củ Nhà nước  (sửa đổi), Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội hoàn thiện dự án Luật đấu giá tài sản…

Triển khai đồng bộ các luật có hiệu lực trong năm 2016. Tiếp tục triển khai Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật này. Đẩy mạnh công tác THADS, thi hành án chính, phấn đấu đạt hoặc vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; Xây dựng Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2016 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV…

Trình Quốc hội báo cáo rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

PV