Sáng 7/3, trước việc Hà Nội xuất hiện ca nhiễm thứ 17, nhiều chuyên gia y tế trong cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ, Bộ Y tế đã phân tích nơi ở, hành trình di chuyển, xác định người tiếp xúc và khả năng lây nhiễm để phục vụ điều tra dịch tễ, rà soát các trường hợp nghi ngờ, thực hiện giải pháp y tế.
Bộ Y tế và các chuyên gia nhận định, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Người dân không nên hoang mang, lo lắng mà cần thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chức năng để chung tay ngăn chặn dịch bệnh.
PGS Trần Đắc Phu (chuyên gia Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam) khẳng định, việc đối phó với người mắc bệnh do đi nước ngoài là một trong những kịch bản đã được lường trước. Ngay khi xuất hiện ca bệnh thứ 17, Hà Nội đã rà soát, xác định các trường hợp tiếp xúc để tổ chức cách ly y tế. Kiểm soát được những người tiếp xúc sẽ ngăn chặn được dịch lây nhiễm ra cộng đồng. Trường hợp này giống như xảy ra ở xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) nên nhà chức trách đã có kinh nghiệm ứng phó.
Theo ông Phu, người bệnh thứ 17 đi máy bay về nước nên khả năng lây lan hạn chế hơn so với lây nhiễm trong phòng kín hay tiếp xúc gần ở ngoài trời. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo trong trường hợp có ca nhiễm trên máy bay chỉ cách ly y tế đặc biệt với người ngồi ở hàng ghế trước và hàng ghế sau.
Ông Trần Đắc Phu. Ảnh: VGP
Bà Lê Quỳnh Mai (Viện phó Vệ sinh dịch tễ trung ương) cho biết, bệnh nCoV chỉ lây nhiễm khi bảo đảm hai yếu tố: khả năng lây nhiễm chỉ xuất hiện khi nồng độ virus ở trong người bệnh lớn; người sức khoẻ yếu, nhiều bệnh nền thì dễ lây nhiễm hơn. Với người khoẻ mạnh có khả năng đề kháng tốt thì dù tiếp xúc cũng chưa chắc đã mắc bệnh.
Tại cuộc họp với ông Phu, bà Mai và nhiều chuyên gia, ông Nguyễn Thanh Long (Thứ trưởng Bộ Y tế) nhấn mạnh: Việt Nam đã dự liệu tình huống xuất hiện ca bệnh mới lây nhiễm từ nước ngoài về và có giải pháp ứng phó.
Bà Lê Quỳnh Mai. Ảnh: VGP
Tối 6/3, khi xuất hiện ca nhiễm thứ 17, Bộ Y tế đã phối hợp với Hà Nội đã lập danh sách những người tiếp xúc để tổ chức cách ly ngăn chặn dịch bệnh theo quy định. Ban chỉ đạo quốc gia chống dịch nCoV sẽ tiếp tục yêu cầu giám sát tại cộng đồng, khoanh vùng những trường hợp nghi ngờ, chuẩn bị các cơ sở vật chất để điều trị, tránh trường hợp tử vong vì bệnh dịch.
Lịch trình của cô gái nhiễm nCoV thứ 17
Ngày 15/2, Nguyễn Hồng Nhung (26 tuổi) từ Nội Bài (Hà Nội) đi London thăm gia đình. Hai ngày sau, cô sang Milan (Italy) 2 ngày; đến 20/2, quay lại Anh, ở đây 2 ngày rồi đến 25/2, đi tàu sang Paris (Pháp).
Ngày 26/2, cô gái quay lại London. Trong thời gian ở châu Âu, cô gái tiếp xúc với nhiều người có biểu hiện ho, hắt hơi. Ngày 28/2 tại London (Anh), cô gái xuất hiện triệu chứng ho, không rõ sốt tuy nhiên không đi khám ở đâu chỉ ở tại nhà người thân.
Ngày 1/3, ngoài ho, bệnh nhân xuất hiện thêm đau mỏi người, vẫn không rõ sốt. Bệnh nhân lên máy bay trở về Việt Nam và hạ cánh xuống Nội Bài lúc 4h30 sáng 2/3. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được lái xe riêng của gia đình đưa về nhà ở phố Trúc Bạch.
Ngày 3/3, bệnh nhân xuất hiện sốt, vẫn tiếp tục ho, đau mỏi người. Ngày 4/3 bệnh nhân thấy đỡ hơn nên vẫn ở nhà. Đến 5/3, bệnh nhân sốt cao trở lại và được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương khám; xét nghiệm cho kết quả sơ bộ dương tính với nCoV.
Theo vnexpress