Chiều 4/1, tại tọa đàm “Nhìn lại 2021 - Những chuyển hướng chiến lược” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã phân tích về những kết quả nổi bật, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine phòng, chống dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ
Theo Thứ trưởng, đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được 190 triệu liều vaccine Covid-19, trong số đó có khoảng 68 triệu liều vaccine là các đối tác tài trợ, ngoài ra, mua thương mại cũng rất nhiều. Trong bối cảnh nguồn cung vaccine rất khó khăn và cạnh tranh trong tiếp cận vaccine diễn ra rất gay gắt, nhất là trong lúc dịch bùng phát, kết quả trên có ý nghĩa rất thiết thực để Việt Nam có độ phủ vaccine.
Thông qua các hoạt động ngoại giao, đối ngoại trực tiếp và trực tuyến trên các kênh khác nhau, kênh Đảng, kênh Nhà nước, kênh Quốc hội, kể cả đối ngoại quốc phòng, công an, Việt Nam đã khơi thông được các hoạt động hợp tác trên thực tế rất tích cực, góp phần quan trọng để tạo thuận lợi cho quá trình sống chung với Covid-19.
Khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, nước ta rất cần thúc đẩy hợp tác về thương mại, đầu tư, đặc biệt là kinh tế. Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh, với sự quyết tâm triển khai các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là ngoại giao phục vụ phát triển, các hoạt động hợp tác về kinh tế đối ngoại, Việt Nam đã phát huy rất tốt.
Về xuất khẩu, Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ tăng 22%, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 16%, sang thị trường Liên minh châu Âu tăng 12%; đồng thời tranh thủ một khối lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiều hối về Việt Nam, góp phần tích cực cho quá trình phục hồi kinh tế của đất nước.
“Với hoạt động rất tích cực, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm trên các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương như vậy, chúng ta đã thực sự kiểm soát được dịch bệnh và sẵn sàng quay trở lại một cuộc sống mới, vẫn giao lưu, hợp tác ngoại giao bình thường trở lại. Điều đó tạo cho chúng ta uy tín trên trường quốc tế về khả năng thích ứng và quản lý những tình huống khó khăn. Các hoạt động đối ngoại như vậy đã được triển khai hết sức toàn diện và đem lại những hiệu quả hết sức thiết thực trong giai đoạn bình thường mới” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định.
Xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em
Về chiến lược vaccine Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đến nay đã có hơn 190 triệu liều vaccine về Việt Nam. Theo các nhà tài trợ, các tổ chức, đơn vị, các chính phủ nước ngoài đã cam kết tài trợ cho Việt Nam, nhà cung cấp vaccine (đã được Bộ Y tế ký hợp đồng cung cấp vaccine cho Việt Nam), tổng số nguồn vaccine cung ứng và cả nguồn tài trợ cho Việt Nam trên 227 triệu liều.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên. (ảnh: VGP)
Về kế hoạch tiêm vaccine năm 2022, Bộ Y tế đã triển khai tiêm bổ sung cho những đối tượng có nguy cơ như bị nhiễm HIV, suy thận, viêm gan B, xơ gan... mũi 3 sau khi đạt thời gian cần thiết (sau mũi 2). Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, báo cáo Chính phủ. Khi được Chính phủ cho phép, Bộ Y tế sẽ làm việc với nhà cung ứng để làm sao có đủ vaccine sớm nhất tiêm cho trẻ em.
“Về khả năng cung ứng vaccine, nhu cầu tiêm trong năm 2022 chủ yếu tiêm mũi bổ sung, mũi 3 nhắc lại và tiêm cho trẻ em cùng nguồn vaccine mà COVAX phân phối thêm cho Việt Nam trong quý I thì lượng vaccine tiêm cho người trưởng thành Việt Nam đã đủ. Chúng ta đang tiếp cận nguồn vaccine tiêm cho trẻ em” – Thứ trưởng Y tế cho biết.
Để thực hiện tiêm cho các đối tượng nêu trên, Bộ Y tế cho rằng cần có sự phối hợp của người dân, đặc biệt là các phụ huynh sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trước khi tiêm, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cặn kẽ làm sao tiêm hiệu quả nhất.
“Với tốc độ tiêm chủng như hiện nay và việc tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại, chắc chắn chiến lược mà Chính phủ đưa ra "thích ứng an toàn, hiệu quả", tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, chúng ta sẽ thành công trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế trong thời gian tới”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết./.
Kim Anh/VOV