Từ khoá: Bồi dưỡng năng lực; công tác đảng, công tác chính trị; trung đội trưởng; Sĩ quan Pháo binh.
Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Ngay từ khi thành lập và trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội, Đảng ta luôn khẳng định: “Tiến hành Công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) là một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng, là trách nhiệm của các tổ chức (cơ quan, đơn vị) và mọi quân nhân...” 1 , nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm cho Quân đội giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc, tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), với Tổ quốc và nhân dân; sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Do đó, mọi cán bộ, đảng viên trong Quân đội phải được đào tạo, bồi dưỡng về năng lực CTĐ, CTCT, bảo đảm có đủ khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN có bước phát triển mới, đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng xây dựng Quân đội, đặc biệt là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm cho Quân đội luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả CTĐ, CTCT trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” 2 . Thực tế đó đòi hỏi phải xây dựng, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Quân đội nói chung, đội ngũ cán bộ TSQPB nói riêng có đủ phẩm chất và năng lực toàn diện, đặc biệt là năng lực CTĐ, CTCT nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, xây dựng Nhà trường trong thời kỳ mới.
Những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Pháo binh đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác bồi dưỡng năng lực CTĐ, CTCT cho đội ngũ trung đội trưởng (ĐNTĐT) đạt hiệu quả cao hầu hết cấp uỷ, chỉ huy, cán bộ chính trị các cấp đã có nhận thức đúng về vai trò của ĐNTĐTtrong tiến hành CTĐ, CTCT và ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động bồi dưỡng năng lực CTĐ, CTCT cho ĐNTĐT. Các chủ thể đã phát huy được trách nhiệm trong bồi dưỡng năng lực CTĐ, CTCT cho ĐNTĐT. Xác định nội dung bồi dưỡng cơ bản phù hợp với đối tượng, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn CTĐ, CTCT ở trung đội học viên trong từng giai đoạn. Các chủ thể đã vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp bồi dưỡng năng lực CTĐ, CTCT cho ĐNTĐT. Tuy nhiên, nhận thức, trách nhiệm của số ít cấp uỷ, chỉ huy, cán bộ chính trị đơn vị quản lý học viên ở TSQPB về vai trò của ĐNTĐT và tầm quan trọng bồi dưỡng năng lực CTĐ, CTCT cho ĐNTĐT còn hạn chế. việc xác định nội dung bồi dưỡng năng lực CTĐ, CTCT cho ĐNTĐT ở một số đơn vị chưa phù hợp, chưa sát với thực tiễn; hình thức, biện pháp bồi dưỡng chưa phong phú, đa dạng. Việc phát huy vai trò của ĐNTĐT trong tự học tập, tự rèn luyện còn nhiều hạn chế.
Để bồi dưỡng năng lực CTĐ, CTCT cho ĐNTĐT đạt hiệu quả cao, cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng động cơ, trách nhiệm đúng đắn cho ĐNTĐT trong tự bồi dưỡng, tự rèn luyện năng lực CTĐ, CTCT của bản thân
Phát huy tính tích cực, chủ động của ĐNTĐT trong tự bồi dưỡng năng lực CTĐ, CTCT, trước hết phải giáo dục động cơ, trách nhiệm đúng đắn cho ĐNTĐT. Quán triệt cho ĐNTĐT nắm vững quan điểm của Đảng về học tập nâng cao trình độ đối với mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay là yêu cầu bắt buộc, là tiêu chuẩn quan trọng của người cán bộ cách mạng trong giai đoạn mới; nhận rõ cái thiếu, cái yếu của bản thân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và tiến hành CTĐ, CTCT. Làm cho họ nhận thức đầy đủ về vai trò của bản thân trong tiến hành CTĐ, CTCT, đối với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của Nhà trường. Mọi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ của bản thân, mọi biểu hiện lười học tập, lười suy nghĩ cần phải được đấu tranh phê phán và đẩy lùi.
Các cấp uỷ, chỉ huy, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tự bồi dưỡng, tự rèn luyện của ĐNTĐT, coi đó là một nội dung công tác cơ bản của mình. Đồng thời, cấp ủy, chỉ huy, cán bộ chính trị các cấp cần chú trọng đầu tư đúng mức cả về cơ sở vật chất và thời gian, đồng thời thực hiện tốt cơ chế, chính sách đối với cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi để ĐNTĐT tự bồi dưỡng, tự rèn luyện năng lực CTĐ, CTCT. Lấy kết quả tự học tập, tự bồi dưỡng của ĐNTĐT làm cơ sở để nhận xét, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ hàng năm.
Bản thân ĐNTĐT cần phải nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng, nội dung, hình thức, phương pháp tự bồi dưỡng và thực tế năng lực CTĐ, CTCT của mình, có động cơ, trách nhiệm đúng đắn trong tự bồi dưỡng, tự rèn luyện năng lực CTĐ, CTCT của bản thân, đấu tranh khắc phục những biểu hiện thiếu tích cực, thiếu chủ động tự bồi dưỡng, tự rèn luyện; phải có ý chí quyết tâm cao để vượt qua những khó khăn, thử thách, từng bước tích luỹ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng được bồi dưỡng vào giải quyết những vấn đề cụ thể về lý luận, thực tiễn công tác tư tưởng, công tác tổ chức đặt ra trong tiến hành CTĐ,CTCT một cách khoa học, đạt hiệu quả cao, từ chỗ chưa biết, đến biết làm từng việc, tiến tới hoàn thành vai trò, chức trách, nhiệm vụ.
Thứ hai, xác định mục tiêu, nội dung, hình thức, biện pháp và xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, tự rèn luyện năng lực CTĐ, CTCT đúng đắn
Các cấp uỷ, chỉ huy, cán bộ chính trị các đơn vị cần đánh giá đúng chất lượng ĐNTĐT, nhất là việc tự bồi dưỡng, tự rèn luyện của đội ngũ này, trên cơ sở đó đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nâng cao chất lượng tự bồi dưỡng, tự rèn luyện của họ. Chi uỷ, chi bộ cần phân công cán bộ, đảng viên theo dõi giúp đỡ việc tự bồi dưỡng, tự rèn luyện của ĐNTĐT, chỉ đạo, hướng dẫn họ xác định đúng mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp và xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng; thường xuyên theo dõi kiểm tra, giúp đỡ họ trong việc thực hiện kế hoạch tự bồi dưỡng, tự rèn luyện. Việc xác định mục tiêu, nội dung tự bồi dưỡng phải xuất phát từ yêu cầu thực hiện chức trách, nhiệm vụ của bản thân và thực tiễn CTĐ, CTCT ở trung đội đòi hỏi, phải nhận rõ những mặt mạnh, mặt yếu, những thiếu sót và khả năng của bản thân thực hiện mục tiêu, nội dung đó. Mục tiêu và nội dung tự bồi dưỡng của ĐNTĐT phải toàn diện cả phẩm chất và năng lực, đặc biệt chú trọng tự bồi dưỡng, tự rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phương pháp tác phong công tác, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng tiến hành CTĐ, CTCT. Thực hiện tự bồi dưỡng, tự rèn luyện bằng nhiều cách: thông qua các hoạt động CTĐ, CTCT ở trung đội như: tiến hành công tác tư tưởng, công tác tổ chức trong các nhiệm vụ chủ yếu, các mặt công tác của trung đội. Tự bồi dưỡng tại trung đội theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên và thực tiễn giải quyết các mối quan hệ trong cuộc sống ở đơn vị, ở gia đình, ngoài xã hội. Mỗi người trung đội trưởng thông qua thực tiễn tự bồi dưỡng, tự rèn luyện hàng ngày mà tự kiểm tra trình độ kiến thức, trình độ thực tế tiến hành công tác tư tưởng, công tác tổ chức, bản lĩnh chính trị, phương pháp, tác phong công tác của bản thân theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Luôn đặt mình trong tập thể tổ đảng, trung đội, chịu sự lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện của chi uỷ, chi bộ và cán bộ chủ trì cấp trên, nêu cao tự phê bình và phê bình, quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, đấu tranh kiên quyết với các biểu hiện ngại học, ngại rèn, nói không đi đôi với làm.
Thứ ba, đa dạng hoá các hình thức, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng năng lực CTĐ, CTCT cho ĐNTĐT
Cần kết hợp nhiều hình thức như: giáo dục thường xuyên với giáo dục cơ bản; giáo dục thông qua hoạt động thực hiện nhiệm vụ, chấp hành chế độ, nề nếp quy định và thực tiễn hoạt động CTĐ, CTCT của đơn vị; qua hội nghị quân chính, giao ban, hội ý, sơ, tổng kết công tác huấn luyện; nhận xét, đánh giá cán bộ; sơ kết, tổng kết các mặt hoạt động CTĐ, CTCT…để giáo dục nâng cao nhận thức về hoạt động bồi dưỡng năng lực CTĐ, CTCT cho ĐNTĐT. Kết hợp chặt chẽ giáo dục nâng cao nhận thức với đấu tranh khắc phục tư tưởng lệch lạc. Quá trình giáo dục cần phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng đối với hoạt động bồi dưỡng.
Quá trình giáo dục cần có sự liên hệ thực tiễn, tuyên truyền, biểu dương mặt tốt, phê phán nhận thức, hành động sai trái, lệch lạc như: coi hoạt động CTĐ, CTCT chỉ là hoạt động “cờ, đèn, kèn, trống”; tiến hành CTĐ, CTCT là việc riêng của Phòng Chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp hoặc cho rằng: ĐNTĐT quản lý học viên là cán bộ quân sự nên chỉ bồi dưỡng kiến thức khoa học quân sự mà không quan tâm bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng tiến hành CTĐ, CTCT.
Thứ tư, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp bồi dưỡng
Cần lựa chọn, kết hợp chặt chẽ các hình thức, phương pháp bồi dưỡng như: bồi dưỡng thường xuyên với tổ chức các lớp tập huấn định kỳ; bồi dưỡng thông qua hoạt động thực tiễn, tổ chức tốt sơ, tổng kết các mặt hoạt động CTĐ, CTCT; bồi dưỡng thông qua hội thi, hội thao, tham quan học tập điển hình tiên tiến; duy trì chế độ, nền nếp sinh hoạt đảng; bồi dưỡng ở đơn vị cơ sở với tham dự các lớp tập huấn do trên tổ chức; thực hiện cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới, cơ quan bồi dưỡng cho đơn vị, cán bộ chính trị bồi dưỡng năng lực CTĐ, CTCT cho cán bộ quân sự.
Để tập huấn đạt kết quả cao phải làm tốt công tác chuẩn bị cả về kế hoạch, chương trình, nội dung, lực lượng, phương tiện cơ sở vật chất và tài liệu phục vụ tập huấn. Làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các lực lượng và duy trì nghiêm túc kế hoạch bồi dưỡng; thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng các đợt tập huấn.
Trong quá trình tập huấn cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp như: lên lớp, hướng dẫn thực hành, tham quan, thảo luận, thu hoạch…Phải quán triệt rõ mục đích, yêu cầu; xây dựng thái độ, trách nhiệm đúng đắn; phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình; liên hệ vận dụng sát tình hình đơn vị và chú ý khắc phục những khuynh hướng lệch lạc. Tập trung khắc phục những khâu yếu ở một số đơn vị hiện nay như: công tác chuẩn bị thiếu chu đáo; sự phối hợp giữa các lực lượng không chặt chẽ; nội dung tập huấn chưa sát đối tượng; chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên phục vụ tập huấn thấp; cơ sở vật chất thiếu thốn.
Cần chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy các nội dung lý luận chính trị; làm tốt công tác chuẩn bị học tập chặt chẽ, có lãnh đạo, chỉ đạo, rút kinh nghiệm hoạt động giáo dục lý luận chính trị nghiêm túc, kịp thời. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; có thể vận dụng các hình thức như: thi viết; thi vấn đáp, thu hoạch cá nhân; tổ chức hội thi, hội thao. Nội dung đánh giá kết quả học tập cần coi trọng cả nhận thức tư tưởng, lý luận và liên hệ thực tiễn gắn với trách nhiệm chính trị của từng cán bộ. Có quy chế quản lý học tập chặt chẽ, gắn kết quả học tập chính trị với việc đánh giá, phân loại, bố trí, sử dụng cán bộ.
Tổng kết thực tiễn bồi dưỡng năng lực CTĐ, CTCT là một chủ trương thiết thực trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Thời gian qua công tác này ở một số đơn vị chưa được coi trọng, do đó tính thiết thực, hiệu quả và tác dụng bồi dưỡng năng lực CTĐ, CTCT cho ĐNTĐT không cao. Một số đơn vị có duy trì sơ kết, tổng kết nhưng hiệu quả thấp, chưa rút ra được kinh nghiệm bổ ích, thiết thực.
Để công tác sơ, tổng kết CTĐ, CTCT đạt kết quả, cần nghiên cứu, lựa chọn vấn đề, xác định rõ mục đích, nội dung, phạm vi sơ, tổng kết. Mặt khác, phải có chương trình, kế hoạch sơ, tổng kết cụ thể, việc điều tra, khảo sát thu thập số liệu, phân tích, xử lý tài liệu, rút ra kết luận, đánh giá nghiệm thu kết quả phải được coi trọng. Quá trình tiến hành sơ kết, tổng kết hoạt động bồi dưỡng năng lực CTĐ, CTCT cần phát huy tốt dân chủ, đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình; lắng nghe ý kiến của quần chúng để rút ra bài học kinh nghiệm thiết thực. Làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến, học tập kinh nghiệm tiên tiến trong đơn vị nhằm nâng cao năng lực CTĐ, CTCT cho ĐNTĐT.
Tiến hành CTĐ, CTCT là vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả CTĐ, CTCT ở TSQPB, đòi hỏi phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Nhà trường có phẩm chất và năng lực toàn diện, trong đó có năng lực CTĐ, CTCT. Vì vậy, việc làm rõ những vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn bồi dưỡng năng lực CTĐ, CTCT cho ĐNTĐT quản lý học viên ở TSQPB hiện nay là một đòi hỏi khách quan và mang tính cấp thiết. Đánh giá đúng thực trạng, tìm đúng nguyên nhân và rút ra những kinh nghiệm bồi dưỡng năng lực CTĐ, CTCT cho ĐNTĐT đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới.
Thiếu tá Nguyễn Kiến Nghị
Tài liệu tham khảo :
1. Quân ủy Trung ương (2019), Nghị quyết 109-NQ/QUTW ngày 11/02/2019 về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII , Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr.161.
Giảng viên Khoa KHXH&NV/Trường Sĩ quan Pháo binh