Bồi dưỡng năng lực thực tiễn cho bí thư chi đoàn ở các đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay

Thứ tư, 06/07/2016 - 10:58

TNV - Bồi dưỡng năng lực thực tiễn cho bí thư chi đoàn ở các đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay được hiểu là: hoạt động tích cực, chủ động có mục đích của tổ chức và chính bản thân mỗi đồng chí bí thư chi đoàn nhằm không ngừng nâng cao trình độ, phương pháp tác phong công tác, kỹ năng hoạt động công tác đoàn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, cũng như việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Năng lực hoạt động thực tiễn của bí thư chi đoàn bao gồm tổng hợp những kiến thức, những kỹ năng, kỷ xảo đã được thu lượm trong thời học tập ở nhà trường, đơn vị và khả năng vận dụng những kiến thức đó vào giải quyết một tình huống, một vấn đề trong thực tiễn đơn vị mình công tác. Nó được biểu hiện ở kết quả hoàn thành nhiệm vụ ở từng mức độ cụ thể. Nếu kết quả hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ thấp thì cho thấy năng lực hoạt động thực tiễn của đồng chí bí thư chi đoàn chưa nhiều. Ngược lại, nếu kết quả hoàn thành nhiệm vụ tốt được tập thể nghi nhận thì chứng tỏ năng lực hoạt thực tiễn của đồng chí đó rất tốt, đã biết vận dụng giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa nhà trường với đơn vị.

Nhằm bồi dưỡng năng lực hoạt động thực tiễn có hiệu quả theo tôi cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho bí thư chi đoàn ở đơn vị cơ sở về năng lực hoạt động thực tiễn.

Cán bộ đoàn là người trực tiếp tham gia vào các hoạt động phong trào. Họ thường xuyên bám nắm, động viên, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động cho đoàn viên thanh niên ở đơn vị. Nếu họ không hiểu rõ chức trách, nhiệm vụ này sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ. Do đó, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ đoàn về  năng lực hoạt động thực tiễn phải được quan tâm, chú trọng. Đội ngũ cán bộ đoàn phải nhận thức được rằng năng lực hoạt động thực tiễn sẽ quyết định đến chất lượng hiệu quả công việc được giao, kiến thức chỉ là một phần còn thực tiễn mới là “mảnh đất” để kiểm nghiệm, chứng minh mỗi người. Có nhận thức được như vậy, thì họ mới có quyết tâm, mới tích cực chủ động đi sâu vào thực tiễn, lăn mình vào hoạt động thực tiễn để gắn lý luận với thực tiễn hoạt động của đoàn, tự mình xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cho bản thân sao cho hợp lý và có hiệu quả nhất.

Hai là, thường xuyên tổ chức, phát động những hoạt động phong trào để bồi dưỡng năng lực thực tiễn cho bí thư chi đoàn

Chỉ có thông qua hoạt động thực tiễn mới bộc lộ rõ những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, mới thể hiện rõ trình độ, năng lực tiến hành công tác đoàn…Vì vậy, việc tổ chức, phát động những hoạt động phong trào một mặt sẽ góp phần nâng cao trình độ tay nghề của bản thân, mặt khác còn góp phần đào tạo ra những đồng chí bí thư chi đoàn “vừa hồng”, “vừa chuyên”  đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị. Thực tế hiện nay cho thấy những đồng chí bí thư chi đoàn ở các đơn vị cơ sở thường là những đồng chí học viên kiêm nhiệm, nên kỹ năng tay nghề hoạt động công tác đoàn còn nhiều hạn chế như việc dự thảo chương trình hành động của đoàn còn lúng túng, đề ra những chủ trương, biện pháp chưa sát với đặc điểm tình hình của đơn vị. Do đó, để bồi dưỡng năng lực hoạt động thực tiễn của họ thì cán bộ chủ trì đơn vị phải tổ chức những buổi học để trao đổi, hướng dẫn họ cách làm, cách viết sao cho hợp lý và có hiệu quả.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác của bí thư chi đoàn trong các hoạt động thực tiễn ở các đơn vị cơ sở hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Con đường học tập tiến bộ của mỗi người là thông qua tự học, tự rèn đó là cách tốt nhất để cho mỗi người ngày càng hoàn thiện mình hơn. Bản thân mỗi đồng chí bí thư chi đoàn phải luôn nêu cao tinh thần ham học hỏi, cầu tiến trong mọi lúc, mọi nơi, biết tận dụng thời gian để học hỏi, bổ sung những kiến thức còn hổng, còn thiếu, quan sát và biết lắng nghe những ý kiến đóng góp của cán bộ, của đồng chí, đồng đội để hoàn thiện mình hơn. Muốn làm được điều đó, phải xây dựng kế hoạch tự học, tự rèn thật chu đáo, cẩn thận, tỷ mỉ, xác định những việc cần làm trước và xắp xếp bố trí thời gian hợp lý để không ảnh hưởng đến nhiệm vụ chuyên môn. Nếu bản thân mỗi đồng chí bí thư chi đoàn luôn nêu cao được tính tự lập của bản thân trong công việc , miệt mài trong việc vượt qua những hụt hẫng về mặt kiến thức, biết lắng nghe người khác, chịu khó học hỏi, kiên trì trong công việc, thì sẽ trưởng thành rất nhanh. Ngược lại, nếu bản thân đồng chí Bí thư chi đoàn không thường xuyên trau rồi những kiến thức về hoạt động công tác đoàn, không miệt mài học hỏi mọi người xung quanh, còn tự ti, giấu dốt sẽ không trưởng thành, tiến bộ để tổ chức những hoạt động phong trào cho đoàn viên thanh niên trong đơn vị sao cho có hiệu quả nhất. Do vậy, phát huy tính tích cực, chủ động tự giác của bí thư chi đoàn trong hoạt động thực tiễn ở đơn vị cơ sở hiện nay phải được xem như là một yêu cầu có tính nguyên tắc.

Bốn là, đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến với những đồng chí bí thư đoàn có nhiều cố gắng vươn lên trong hoạt động thực tiễn của đơn vị.

Nếu người chỉ huy đơn vị làm tốt việc này thì sẽ kích thích tạo động lực cho họ phấn đấu vươn lên trong công việc, ngược lại nếu việc làm này không mang tính công tâm, dân chủ, đúng người, đúng việc sẽ cản trở hoặc thui chột động lực trong họ. Do vâỵ, đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng một mặt tạo ra không khí thi đua sôi nổi trong đơn vị, kích thích, khuyến khích những tập thể, cá nhân khắc phục khó khăn, vất vả phấn đấu hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu thi đua mà đơn vị đã đề ra, mặt khác còn góp phần tìm ra những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong từng lĩnh vực hoạt động làm gương cho người khác học tập và làm theo. Tuy nhiên, việc thi đua này phải mang tính lành mạnh, dân chủ, công khai, thi đua chứ không phải là ganh đua, để mỗi người thấy được trách nhiệm của mình trong phong trào thi đua đó.

Trên đây là một số nội dung, biện pháp để bồi dưỡng năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ bí thư chi đoàn ở các đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay. Mỗi giải pháp có vai trò, vị trí khác nhau, song có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại với nhau, nằm trong tính chỉnh thể thống nhất, là cơ sở, tiền đề để thực hiện các giải pháp tiếp theo. Tuy nhiên, để cho những giải pháp đó có sức sống, đi vào thực tiễn thì người chỉ huy đơn vị phải căn cứ vào đặc điểm, tình hình của từng đơn vị, từng đối tượng để áp dụng cho có hiệu quả nhất, tránh áp dụng một cách máy móc, dập khuôn, hoặc theo ý muốn chủ quan của bản thân. Việc lựa chọn, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ bí thư  đoàn để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới là công việc thận trọng và lâu dài, tiến hành từng bước. Với đội ngũ cán bộ này lại càng quan trọng,  bởi bí thư đoàn là người thổi hồn vào những hoạt động của đơn vị, tạo nên sợi dây gắn kết giữa các đoàn viên với nhau, là cánh tay đắc lực của Đảng. Người chỉ huy các cấp phải quan tâm đến đội ngũ cán bộ đoàn để họ tin tưởng, gắn bó với đơn vị, đem hết kiến thức của bản thân phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đơn vị nói riêng và sự nghiệp xây dựng quân đội  nói chung.

Thiếu tá Nguyễn Văn Lợi

Đại học Nguyễn Huệ