TNV - Phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần “7 dám”: “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Đó là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa qua.
Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên các tuyến biên giới. Các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới diễn ra với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ Lào, Campuchia qua khu vực biên giới vào Việt Nam tiêu thụ và đi sang nước thứ 3 có nhiều diễn biến phức tạp; hoạt động vận chuyển ma túy trên biển cũng gia tăng.
Đội ngũ sĩ quan trẻ Biên phòng là một bộ phận sĩ quan trong lực lượng Bộ đội Biên phòng. Đây là lực lượng chính trong tổ chức, giáo dục, huấn luyện, rèn luyện bộ đội và thực thi nhiệm vụ xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Vai trò đó đòi hỏi đội ngũ sĩ quan trẻ Biên phòng phải có trình độ, năng lực toàn diện, phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Đặc biệt hơn, đội ngũ sĩ quan trẻ Biên phòng phải đấu tranh với nhiều loại tội phạm ở địa hình rừng núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn; trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; tội phạm có trang bị vũ khí “nóng”; thường xuyên thay đổi phương thức, địa bàn, thủ đoạn hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi, manh động, liều lĩnh, sẵn sàng dùng vũ khí “nóng” chống trả quyết liệt. Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới của Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ Biên phòng phải có tinh thần “7 dám”.
Thực tế lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong lực lượng Bộ đội Biên phong có rất nhiều biện pháp quan tâm, động viên, đào tạo, bồi dưỡng, định hướng và phát huy vai trò, trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ sĩ quan trẻ Biên phòng phấn đấu, trưởng thành. Đồng thời, tăng cường công tác huấn luyện và bồi dưỡng sĩ quan trẻ, tập trung vào việc nâng cao năng lực làm chủ vũ khí, trang bị, phát huy cao nhất khả năng tác chiến, ứng phó với mọi tình huống, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Mặc dù, thực hiện nhiệm vụ tại các địa bàn biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn, địa hình, thời tiết khắc nghiệt, đối mặt với nhiều loại tội phạm nguy hiểm nhưng đội ngũ sĩ quan trẻ Biên phòng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với các tội phạm nguy hiểm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách.
Tuy nhiên, vẫn còn một số sĩ quan trẻ Biên phòng còn thiếu nhiệt huyết phấn đấu, ngại khó, ngại khổ. Sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, lối sống thực dụng cũng ảnh hưởng tới bộ phần đội ngũ sĩ quan trẻ, dẫn tới thiếu bản lĩnh, lòng nhiệt tình cách mạng, ý chí phấn đấu, trình độ và năng lực hành động thực tiễn... Đối chiếu với tiêu chuẩn “7 dám” thì không ít sĩ quan trẻ trong lực lượng Bộ đội Biên phòng chưa đạt được, nhất là việc dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung - những phẩm chất quan trọng hàng đầu của cán bộ Quân đội. Từ đó, cần có những biện pháp đột phá trong bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ Biên phòng theo tinh thần “7 dám” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo đó, hoạt động bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Biên phòng cần chú trọng tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ trong lực lượng Bộ đội Biên phòng được học tập, rèn luyện, trau dồi phẩm chất, năng lực công tác. Mặt khác, cần tăng cường các lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất người cán bộ Biên phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia hiện nay.
Cùng với công tác giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ sĩ quan trẻ Biên phòng cần phải gắn chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn nhằm tạo nên đội ngũ cán bộ có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, tư duy độc lập, sáng tạo, tinh thần ham học học hỏi, cầu tiến bộ; luôn trau dồi phẩm chất của người quân nhân cách mạng, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ biên giới trong điều kiện địa hình khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, đe dọa đến tính mạng do tính chất mạnh động, nguy hiểm của các loại tội phạm. Mặt khác, sự kết hợp giữa huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng với nghiên cứu phát triển khoa học nghiệp vụ biên phòng giúp cho phát huy tốt nhất năng lực đội ngũ sĩ quan trẻ trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc.
Từng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong đơn vị phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong công tác cho đội ngũ sĩ quan trẻ Biên phòng noi theo. Đặc biệt, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, có đời sống văn hóa, tinh thần trong sạch lành mạnh, phát huy dân chủ, đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động. Thường xuyên quan tâm đến quyền lợi chính trị, những nhu cầu chính đáng, đảm bảo tốt đời sống vật chất và tinh thần, giải quyết tốt chính sách hậu phương Quân đội cho đội ngũ sĩ quan trẻ Biên phòng.
Bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ sĩ quan trẻ Biên phòng theo tinh thần “7 dám” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đòi hỏi cần phải tiến hành đồng bộ các nội dung, biện pháp nêu trên. Qua đó, tạo ra đội ngũ cán bộ Biên phòng có phẩm chất, năng lực toàn diện, tạo dựng động lực giúp lực lượng Bộ đội Biên phòng tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức, giữ vững an ninh chính trị khu vực biên giới quốc gia, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau.
ThS Phạm Hồng HảiThiếu tá Bùi Kiên Cường