Câu chuyện đầu tiên – tiền đâu?
Bóng đá Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và hướng đến những thành tích cao ở đấu trường châu lục cũng như thế giới. Thành công bước đầu của đội tuyển quốc gia dưới triều đại của HLV Park Hang-seo mang đến niềm tin vững vàng cho người hâm mộ (NHM) cả nước.
Tuy nhiên, nhìn bao quát hệ thống bóng đá Việt trong năm 2022, chắc chắn chúng ta không khỏi lo lắng. Tại giải đấu số 1 quốc gia – V-League, các đội bóng tuyên bố giải thể liên tục khi không có đủ ngân sách. Than Quảng Ninh (2021) rồi đến Sài Gòn FC (2022). Điều này cho thấy đường hướng phát triển từ nền móng ở giải vô địch quốc gia chưa đưa xây chắc.
Các ông bầu đa phần “ăn sỏi, ở thì” và rút lui khi đội bóng đang nợ rất nhiều tiền. CLB Cần Thơ hồi giữa mùa 2022 cũng suýt bỏ giải khi ông chủ Nguyễn Đắc Văn rời đi. Mới đây nhất là sự việc CLB Bình Định báo nợ 38.5 tỷ và đề nghị lãnh đạo tỉnh nhà vào cuộc để hỗ trợ. Chuyện làm bóng đá ở Việt Nam cứ bấp bênh, khiến các tập thể đội từ Ban huấn luyện, đặc biệt là cầu thủ lo lắng về nguồn thu nhập chính đáng của mình. Vì đến sau cùng, họ mới chính là những người thiệt thòi nhất.
Câu chuyện đầu tiên – tiền đâu luôn ám ảnh chúng ta trong hơn 10 năm trở lại đây. Những Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành, Vissai Ninh Bình, Hùng Vương An Giang (năm 2014 sau này đến CLB An Giang 2021), Than Quảng Ninh, Sài Gòn FC lần lượt mất tích trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Để rồi giờ đây, một thiếu gia như Bình Định vung đến hơn 300 tỷ trong 3 mùa (2019 đến 2022) nay lại phải kêu cứu vì nợ các khoản phí thưởng.
Chưa dừng lại ở đó, chuyện kim tiền đang đe doạ đến số lượng CLB đăng ký tại các giải chuyên nghiệp Việt Nam trong năm 2023 khi mà Sài Gòn FC (đã giải thể), Cần Thơ và Phù Đổng chưa đăng ký thi đấu. Việc 2 đội Cần Thơ và Phù Đổng nợ lương cầu thủ từ giữa mùa 2022 cũng đã được báo chi đưa tin. Có lẽ đến nay, họ vẫn chưa thể giải quyết hết và mất định hướng khi không có nhà tài trợ nào chung tay.
Bức tranh u ám
Từ viễn cảnh nói trên, có thể thấy bức tranh của các giải chuyên nghiệp Việt Nam trong năm 2023 nhuốm màu u ám. Các CLB gặp khó khăn về tài chính, khó tạo nên một đấu trường có tính cạnh tranh, ổn định và xuyên suốt thời gian giải diễn ra.
Tạm gác lại chuyện ấy, ta tiếp tục nhìn rộng ra ở một số giải đấu trẻ mà đơn cử là VCK U21 quốc gia 2022 đang diễn ra tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Một giải đấu mà có đến 2 đội bị loại vì vi phạm quy định của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là các CLB này không nắm bắt được quy định hay cố tình vi phạm? Nhưng dù câu trả lời có như thế nào thì giải đấu đánh mất phần nào sự uy tín và độ hấp dẫn vốn có của sân chơi cao nhất của giải trẻ quốc gia.
Ngoài ra, vấn đề trọng tài ở mùa giải 2022 mang đến nỗi nhức nhối cho NHM cả nước. Tất nhiên sai sót của những ông vua áo đen là điều khó thể tránh trong bóng đá, nhất là V-League chưa có VAR. Nhưng tần suất và độ ảnh hưởng không hề nhỏ đến kết quả trận đấu khiến cho hình ảnh giải đấu bị tác động phần nào. Việc đưa trọng tài ngoại sang bắt những trận cầu đinh cuối mùa cũng chỉ là giải pháp tình thế và vô tình khiến các trọng tài Việt mất đi cơ hội rèn bản lĩnh của mình.
Chúng ta - những người yêu bóng đá Việt Nam hy vọng sẽ có điều kỳ diệu xuất hiện với Bình Định, Cần Thơ hay Phù Đổng để các giải chuyên nghiệp 2023 hấp dẫn, cạnh tranh hơn. Những vấn đề tồn đọng ở cuối năm kể trên mong sẽ có hướng giải quyết triệt để và ngăn chặn không cho tái diễn. Muốn nền bóng đá đi lên cần rất nhiều công sức, tài chính của nhiều nguồn và nhiều con người.
Video những giây phút cuối cùng của Sài Gòn FC.
Nguồn: VPF.