TNV - Đã một tháng qua, với BSCKII Trần Văn Khanh, thời gian dường như được chắt chịu từng phút.Vừa tham gia tổ chức xây dựng gấp rút bệnh viện và trực tiếp điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3( phường An Khánh, Tp Thủ Đức, TPHCM) anh vừa chỉ đạo trực tiếp công việc ở bệnh viện Lê Văn Thịnh.
BSCKII Trần Văn Khanh
Vượt lên tất cả, người bác sĩ có dáng người mảnh khảnh ấy vẫn đảm đương tốt công việc của mình với nghị lực phi thường và tình yêu thương con người.
Tiết kiệm từng phút vì người bệnh
Điện thoại đường dây nóng reo vang, BS-CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh, kiêm nhiệm Giám đốc BV Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3, vội nghe máy. Đầu dây bên kia, một bệnh nhân ở tầng 5 tòa nhà B gắt gỏng: “Tôi đang có biểu hiện khó thở, gọi hoài sao không thấy bác sĩ nào tới thăm khám, bác sĩ gì kỳ cục vậy?” - “Vâng, chị bình tĩnh, tôi sẽ lên ngay”.
Gác máy, bác sĩ Khanh nhanh chóng mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, cùng một điều dưỡng hỗ trợ bước vội vào dãy hành lang hun hút. 15 phút sau, trở về khu điều hành trung tâm, ánh mắt như đang cười, ông kể: “Nữ bệnh nhân này nhập viện ngày 25-7 cùng chồng và một con nhỏ 7 tuổi. Tâm lý căng cứng, nóng giận bất thường nên tôi phải trực tiếp thăm khám, động viên tinh thần để bệnh nhân yên tâm điều trị”.
Giới thiệu về những cán bộ y tế đang hối hả nhập liệu ngay trên những chiếc giường xếp cá nhân, thậm chí sử dụng những thùng đồ đựng giấy vệ sinh làm ghế ngồi tại khu điều hành trung tâm, bác sĩ Khanh cho biết: “Chỉ trong vòng 1 ngày rưỡi chuẩn bị, từ một khu nhà chưa sử dụng, trống trơn đã trở thành một BV. Dù là “dã chiến” cũng đã là sự nỗ lực phi thường của tất cả lực lượng chức năng”.
Câu chuyện chưa dứt, điện thoại tiếp tục reo vang, mất gần 5 phút động viên một bệnh nhân lớn tuổi khác, bác sĩ Khanh vội vàng trở lại khu cấp cứu khi bác sĩ trực thông báo có ca F0 trở nặng, có diễn tiến xấu…
Tại khu vực cấp cứu, nơi đang có gần 20 bệnh nhân được hỗ trợ thở oxy, theo dõi liên tục nồng độ oxy máu, một bệnh nhân lớn tuổi suy hô hấp, nồng độ oxy máu giảm xuống còn 73%. Ông níu tay bác sĩ để cầu cứu nhưng những lời nói bị cản lại bởi bình khí oxy đang úp kín vùng mũi miệng.
Nắm chặt tay người bệnh như để truyền thêm sức lực, rồi nhanh chóng phối hợp với đồng nghiệp kiểm tra các chỉ số cho bệnh nhân, bác sĩ Khanh nhẹ nhàng khuyên nhủ: “Bác đừng lo, có con ở đây! Ráng nhắm mắt lại nằm nghỉ và hít thở thật sâu vào, mọi chuyện sẽ ổn!”. Bệnh nhân như trút được phần nào lo lắng, đôi mắt lim dim, bàn tay đang nắm chặt lỏng dần.
Sau 30 phút căng thẳng, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Bác sĩ Khanh trở về khu hành chính để tiếp câu chuyện còn dang dở.
BS-CKII Trần Văn Khanh - Giám độc Bệnh viện Lê Văn Thịnh trò chuyện, hỏi thăm bác Lê Thăng
(72 tuổi) khi bác tiêm ngừa vaccine phòng Covid-19 dành cho người lớn tuổi tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh - TP Thủ Đức.
Ông kể: BV Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3 được thành lập và đưa vào sử dụng ngày 7-7. Lúc mới thành lập, BV được giao tiếp nhận điều trị tầng 1 (ca nhiễm chưa có triệu chứng) là 3.000 giường; tuy nhiên sau gần 1 tháng hoạt động, số ca nhiễm gia tăng, công suất gần như được lấp đầy. Cùng với đó, có từ 3%-5% bệnh nhân đột ngột trở nặng với triệu chứng dễ nhận biết là suy hô hấp cấp. Thành phố đã giao BV thu dung, điều trị bệnh nhân ở tầng 2 và 3 (có triệu chứng và chuyển nặng) để giảm tải bớt cho các BV tuyến trên. BV đã chuẩn bị 20 giường cấp cứu ICU (đơn vị chăm sóc tích cực), thời gian tới sẽ nâng lên khoảng 100 giường.
“Từ khi tiếp nhận nhiệm vụ tại đây, tất cả chúng tôi luôn xác định: Tiết kiệm tối đa thời gian một cách nhiều nhất; ăn, ngủ và làm việc tại chỗ để chăm sóc cho người bệnh, bởi nếu chúng tôi ngơi tay thì sinh mệnh bệnh nhân lâm nguy. Tất cả động viên nhau dốc tâm sức điều trị bằng cả tấm lòng, quyết cứu bệnh nhân qua những nguy kịch, hạn chế tối đa các ca diễn biến nặng”, ông tâm sự.
Vậy mà ánh mắt lo lắng đó vẫn sáng lên niềm tin: “Từ ngày đi vào hoạt động đến nay đã có trên 1.700/4.200 bệnh nhân mắc Covid-19 ở đây được điều trị khỏi và xuất viện. Đó không chỉ là niềm vui của các bệnh nhân mà còn là động lực cho các y bác sĩ làm tốt hơn công việc của mình”.
Khi được hỏi, lúc nào bác sĩ dành thời gian cho bản thân và gia đình, bác sĩ Khanh cười rồi bật mí: “Điều tôi hạnh phúc nhất lúc này là cả gia đình đều đang góp phần nhỏ sức mình nơi tuyến đầu chống dịch. Bà xã chăm lo, điều trị cho sản phụ mắc Covid-19; con lớn là sinh viên ngành y cũng đang tham gia công tác phòng chống dịch ở địa phương. Sợi dây gắn kết chúng tôi là những lúc cả nhà gặp nhau qua Messenger, Zalo để trò chuyện, động viên đứa con út ở nhà”.
Gửi nghị lực sống cho những cảnh đời cơ cực
Giống như mọi ngày, khi công việc ở BV Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3 tạm ổn, bác sĩ Khanh vội vàng ra xe trở về BV Lê Văn Thịnh. Gần 15 phút về tới BV Lê Văn Thịnh, vừa kịp ký duyệt xong chồng hồ sơ dày cộp, thì anh Trần Quang Châu, Trưởng Phòng Công tác xã hội, hối hả thông báo: “Nhà ăn hạnh phúc” vừa báo, trưa nay đã chuẩn bị được 2.000 suất ăn 0 đồng cho người bệnh và người dân tại một số khu tạm thời phong tỏa trên địa bàn. Đợi anh em đến nhận phần ăn đưa đến các khu cách ly, cơm sẽ nguội hết. Anh tính sao?”.
Suy nghĩ giây lát, bác sĩ Khanh nhổm dậy, bước vội: “Đi, lấy xe của tôi. Xem còn ô tô của ai nữa hỏi mượn mà đi cho kịp. Cơm phải đến ngay cho bà con, kịp bữa và đảm bảo vệ sinh thực phẩm”. Rất nhanh chóng, các suất ăn được sắp xếp gọn gàng lên hai chiếc ô tô được “trưng dụng” để đi các điểm cách ly, phong tỏa.
BS-CKII Trần Văn Khanh động viên tinh thần các tình nguyện viên trong đội hình tiêm ngừa
lưu động tại cụm công nghiệp Phong Phú, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức.
Vừa vui vẻ chào nhóm Nhất Tâm (đơn vị hỗ trợ bữa cơm 0 đồng với BV) đang tất bật lo nấu nướng, phục vụ người bệnh dùng bữa trưa tại “Nhà ăn hạnh phúc”, bác sĩ Khanh nhắc anh Châu hỏi thêm về việc ăn uống của bệnh nhân nghèo ở khu nội trú BV để hỗ trợ.
Nhìn theo bác sĩ Khanh, người đàn ông có gương mặt khắc khổ, đang ngồi đợi tới lượt vào nhận phần cơm trưa, rưng rưng kể: “Ổng tốt lắm. Tôi sống được và khỏe mạnh như ngày hôm nay là nhờ ơn ổng hết đó. Tôi là Tăng Thương (64 tuổi), người gốc Khmer, bán vé số dạo khu vực quận 2 cũ. Không may bị tai nạn giao thông, được BV miễn phí từ tiền điều trị đến bữa ăn hơn 1 tháng qua. Giờ BV còn giữ lại, nói đang liên hệ địa phương để cho tôi được tiêm vaccine Covid-19 rồi mới cho về”.
Bà Nguyễn Thị Nhanh (61 tuổi), bệnh nhân Khoa Nội, cũng gần 2 tuần qua được phục vụ cơm miễn phí tại BV, xuýt xoa: “Tôi sống cùng con trai út ở phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, làm chẳng đủ ăn lại còn ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đã nghèo, càng túng bấn thêm. Thấy tui khó khăn, nhiều bệnh nền, bác sĩ Khanh kêu lên BV chữa bệnh không mất tiền, lại tặng cho thẻ BHYT. Chẳng thân quen gì mà ổng tốt với tui quá!”.
Ý tưởng xây dựng mô hình “Nhà ăn hạnh phúc” nhen nhóm khi bác sĩ Trần Văn Khanh chứng kiến nhiều bệnh nhân, người nhà ăn bữa cơm trưa ít ỏi, thiếu chất. Bệnh nhân cần ăn đủ no, đủ chất để bồi bổ sức khỏe, mau hồi phục. Người nhà cũng cần ăn đầy đủ để có sức chăm sóc người bệnh. Từ đó, BV vận động các mạnh thường quân xây dựng “Nhà ăn hạnh phúc” để cung cấp suất cơm trưa miễn phí 5 ngày/tuần cho bệnh nhân, người nhà và cả người bán vé số, người nghèo sống quanh khu vực BV. Tất cả dệt nên câu chuyện đầy ắp tình người giữa mùa dịch bệnh.
“Làm việc nghĩa cho bệnh nhân nghèo là công sức của cả tập thể. Đây chính là hạnh phúc chung của tất cả mọi người”, bác sĩ Khanh đúc kết.
Chia tay “Nhà ăn hạnh phúc” khi trời đang nắng gắt, cũng là lúc người đàn ông cao gầy, giọng nói trầm ấm đó lại khoác lên mình bộ đồng phục của đội tiêm chủng vaccine Covid-19 lưu động để tìm đến người dân ở các khu phong tỏa, cách ly.
Đầu tư phát triển bệnh viện hạng I
Sau 12 năm hình thành và phát triển, dưới sự chèo lái của BS-CKII Trần Văn Khanh, BV Quận 2 cũ, nay là BV Lê Văn Thịnh được công nhận là BV hạng I. Đây là BV cấp quận thứ hai được xếp hạng I trên địa bàn TPHCM.
Bác sĩ Trần Văn Khanh hướng dẫn các tình nguyện viên tiêm ngừa lưu động tại TP Thủ Đức, TPHCM
Với 751 cán bộ - viên chức, trong đó có hơn 209 bác sĩ, BV có 9 phòng chức năng, 30 khoa lâm sàng, 4 khoa cận lâm sàng với 6 đơn vị chuyên môn trực thuộc các khoa, phòng… Mỗi ngày, BV tiếp nhận khám ngoại trú trên 3.000 bệnh nhân, điều trị nội trú khoảng 550 bệnh nhân, cấp cứu 90 - 120 ca/ngày.
BV hiện làm chủ hơn 14.000 kỹ thuật y khoa, trong đó có các kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi cắt u trong ổ bụng, phẫu thuật nội soi cắt túi mật, điều trị các bệnh lý gan mật, nối mật - ruột, tái tạo dây chằng, thay khớp gối, khớp háng…
Tấn Tài