Sự đa sắc đó được hình thành từ nhiều loại hình nghệ thuật do các đơn vị nghệ thuật Trung ương, địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… tham gia càng ngày càng đa dạng phong phú.
Tuy nhiên, trên thực tế thì chất lượng của các hoạt động nghệ thuật biểu diễn (NTBD) lại là vấn đề đáng quan tâm tạo ra nhiều tranh cãi trái chiều trong xã hội. Với sự đa dạng về loại hình NTBD thì rõ thấy sự mông lung trong công tác quản lý.
Hoạt động NTBD chuyên nghiệp
Trên địa bàn thủ đô Hà Nội tập trung 27 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, trong đó có 11 đơn vị nghệ thuật Trung ương, 8 đơn vị nghệ thuật của các lực vũ trang và 6 đơn vị nghệ thuật của Hà Nội. Ngoài ra còn có 7 trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành nghệ thuật của trung ương và Hà Nội. Bên cạnh đó Hà Nội còn là nơi tập trung các Viện nghiên cứu chuyên ngành nghệ thuật như: Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Viện Sân khấu, Viện Nghiên cứu âm nhạc… Thêm vào đó có sự xuất hiện của các hội chuyên ngành nghệ thuật như Hội văn nghệ Dân gian, Hội nghệ sĩ Múa, Hội Âm nhạc, Hội nghệ sĩ Sân khấu, Hiệp hội người mẫu… cùng chung tay đóng góp về mặt chuyên môn, lý luận để ngày một nâng cao trình độ, tính chuyên nghiệp cho hoạt động NTBD của các đoàn nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội.
Ca sĩ Hồng Duyên-Á quân Sao mai 2015 (ảnh: nguồn KTĐT)
Là trung tâm văn hóa của cả nước, Hà Nội nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động nghệ thuật biểu diễn chuyên và không chuyên, các cuộc thi người đẹp, cuộc thi biểu diễn nghệ thuật… bên cạnh đó là các đoàn nghệ thuật nước ngoài tới giao lưu, biểu diễn. Với lực lượng công chúng lớn, thủ đô Hà Nội luôn được các đơn vị nghệ thuật bạn đánh giá là thị trường tiềm năng để phát triển NTBD.
Tuy chỉ chiếm 6 trong 27 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp hoạt động tại địa bàn Hà Nội, nhưng đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của Hà Nội lại hùng hậu với năng lực sáng tạo của nhiều đơn vị, nghệ sĩ không thua kém so với các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương thậm trí còn vượt trội. Ví dụ điển hình như Nhà hát Kịch Hà Nội nổi tiếng cả nước với dòng chính kịch đầy trí tuệ, thành công từ nhiều vở diễn để đời như:Trái tim người Hà Nội, Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường, Làng song sinh, Mảnh đất lắm người nhiều ma... tất cả đã tạo nên niềm tự hào của sân khấu kịch nói miền Bắc.
Nhà hát Chèo Hà Nội cũng là đơn vị đem đến sự hấp dẫn cho công chúng qua những vở chèo nổi tiếng như: Vòng đời duyên nợ (diễn năm 2024), Cung thương một khúc, Nắm xôi kỳ diệu, Chuyện Thằng Bờm, Cánh diều làng Vũ Đại(diễn năm 2023) và các vở diễn truyền thống như: Quan Âm Thị Kính, Ngọc Hân công chúa, Nàng Sita…Nhà hát là cầu nối đem nghệ thuật truyền thống tới khán giả, đặc biệt khán giả trẻ say mê loại hình NTBD truyền thống.
Những năm gần đây, với sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông đại chúng, các trò chơi giải trí vừa mới mẻ, thuận tiện khiến một lượng khán giả đến với các loại hình NTBD truyền thống giảm sút rất lớn. Bên cạnh đó là sự phát triển các loại hình NTBD mới, đang có sức hút mạnh đối với khán giả, điều này khiến các nhà quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra hướng đi đúng đắn cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Thêm vào đó, trên cả nước nói chung và địa bàn thủ đô nói riêng xuất hiện nhiều các đơn vị không chuyên tổ chức NTBD tạo nên những mối cạnh tranh.
Hà Nội vốn là trung tâm sân khấu của cả nước, nơi đây có sự đa dạng về loại hình NTBD. Hiện nay, các loại hình lại càng trở nên phong phú hơn, thậm chí một số loại hình hình thành theo thị hiếu dễ dãi của công chúng. Chính vì thế, việc khán giả tìm đến sân khấu xem loại hình NTBD truyền thống không còn như trước, ngược lại sân khấu lại phải tự tìm khán giả. Tuy nhiên, thời gian gần đây, phong trào phục hồi nghệ thuật dân tộc đang dần được một bộ phận khán giả quan tâm. Các câu lạc bộ như Câu lạc bộ ca trù Thăng Long, các cuộc thi hát ru, hát dân ca được hình thành để lấy lại thăng bằng.
Bên cạnh bầu không khí trầm lắng của sân khấu của hầu hết đoàn nghệ thuật truyền thống, thì ở lĩnh vực âm nhạc lại diễn ra sôi động hơn. Trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, xuất hiện rất nhiều các cuộc thi sáng tác âm nhạc, cuộc thi giọng hát, các chương trình biểu diễn âm nhạc, các thể loại nhạc mới của nước ngoài du nhập vào như: Kpop, hiphop, rock… đang thu hút đông đảo khán giả. Trong lĩnh vực múa, các biên đạo, nghệ sĩ ngày càng cố gắng dàn dựng các chương trình, tiết mục múa đương đại với tính chuyên nghiệp cao. Nhưng phần lớn chương trình, tiết mục múa của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Hà Nội và của Trung ương chưa được đầu tư xứng đáng. Phần lớn biểu diễn múa chỉ dừng lại là một tiết mục minh họa cho một ca khúc.
Hoạt động NTBD chuyên nghiệp trong thời gian gần đây có sự phân hóa rõ rệt. Văn hóa nghe nhìn lấn át văn hóa đọc, văn hóa đại chúng với các loại hình nghệ thuật mới xuất hiện lấn át loại hình nghệ thuật công phu. Điển hình như trong ca múa nhạc hiện nay có thể loại nhạc nhẹ thu hút đông đảo công chúng nhất thì chủ yếu chỉ xoay quanh những ca khúc có nội dung tình yêu ủy mị, đi kèm với phong cách biểu diễn lai căng, trang phục biểu diễn lệch chuẩn… Xét tình hình chung thì hoạt động NTBD hiện nay rất cởi mở, đa dạng, sôi nổi hơn, nhưng giá trị giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ đã dần bị lu mờ. Hiện nay, chúng ta thiếu những tác phẩm nghệ thuật có chiều sâu giá trị và tầm nhìn khái quát để tác động thực sự tốt đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân như thời gian trước.
Hoạt động NTBD không chuyên
Hoạt động NTBD không chuyên diễn ra thường xuyên, liên tục ở khắp phường, xã, quận, thị trấn trên địa bàn Hà Nội. Ở 228 phường, xã, thị trấn của Hà Nội đều có đội văn nghệ riêng thu hút nhiều thành phần tham gia như thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… Hằng năm, các cơ sở tổ chức những chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa ở địa phương. Đặc biệt, thành phố Hà Nội luôn chú trọng quan tâm tổ chức các hội diễn, liên hoan như: Hội diễn nghệ thuật không chuyên Thủ đô, Liên hoan đội văn nghệ của các nhà văn hóa, Hội diễn sân khấu không chuyên Thủ đô, Liên hoan sân khấu tuồng không chuyên Thủ Đô, Hội Ca múa nhạc Bác Hồ - niềm tin sáng mãi,… Cấp quận huyện lập các đội NTBD tổ chức hội diễn nhiều loại hình như múa rối, chèo tuồng. Các đội này hàng năm phối hợp với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, mục đích học tập nâng cao trình độ, biểu diễn để bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống. Điển hình như huyện Đông Anh có: phường rối nước Đào Thục, đội tuồng Đồng Ấu, đội chèo Châu Phong… Các hội diễn, liên hoan này thu hút khá đông lực lượng tham gia biểu diễn và cổ vũ của nhân dân. Đây thực sự là môi trường sinh hoạt lành mạnh để quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật trong Lễ trao giải Cây chổi vàng do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức (ảnh: Thế Lợi)
Sở VHTT Tp. Hà Nội là đơn vị tổ chức nhiều cuộc thi, liên hoan nghệ thuật không chuyên cho các tổ chức, cá nhân hoạt động nghệ thuật không chuyên ở Hà Nội tham gia, đơn cử như: Liên hoan Nghệ thuật Múa không chuyên – Hà Nội năm 2023, chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Liên hoan có có sự tham gia của các diễn viên, hạt nhân văn nghệ quần chúng của 23 đơn vị quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội. Các trung tâm văn hóa Tp. Hà Nội còn tổ chức các hoạt động: Liên hoan dân ca, dân vũ Hà Nội; Liên hoan ca múa nhạc “Văn hóa-hội tụ-bản sắc và phát triển”, Liên hoan nghệ thuật múa rối nước không chuyên Hà Nội... Các liên hoan, hội diễn được tổ chức nhằm định hướng cho sự phát triển của các bộ môn nghệ thuật, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, năng lực biểu diễn, khả năng cảm thụ và thể hiện tác phẩm nghệ thuật của diễn viên không chuyên. Thông qua liên hoan, quần chúng nhân dân có điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa-nghệ thuật, thưởng thức các tác phẩm do chính người dân ở cộng đồng dân cư thể hiện. Từ đó, phong trào BDNT quần chúng ở cơ sở có điều kiện phát triển, tạo khí thế phấn khởi cho nhân dân Thủ đô.
Tuy nhiên, với đặc điểm mang tính tự phát, quy mô nhỏ nên việc quản lý đối với các hoạt động này tương đối khó khăn, đặc biệt là đối với các loại nghệ thuật biểu diễn mới du nhập như hiphop, dance - sport, flashmob… Một số địa phương có hoạt động du lịch cũng tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách. Những đêm sinh hoạt văn nghệ trong khuôn viên của công ty, của các trường học chuyên nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng rất khó kiểm soát, bởi ở đó họ hát gì, múa gì các cơ quan quản lý đều không biết. Các lễ hội mới du nhập vào Việt Nam như Hallowen, Canavan… đang được giới trẻ Hà Nội rất hào hứng tham gia. Những lễ hội này diễn ra tự phát, diễn biến khó lường, thậm chí là môi trường thuận lợi để kẻ xấu lợi dụng làm ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội.
Những trường hợp tổ chức NTBD không chuyên tại các hội nghị, cuộc họp nhưng lại có sự góp mặt của các ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp, tại đó họ được trả thù lao lớn gấp nhiều lần theo quy định của nhà nước. Đây là một biểu hiện rất phổ biến đặt ra nhiều thách thức cho các nhà quản lý.
Nhìn chung, hoạt động NTBD quần chúng tại cơ sở trên địa bàn Hà Nội hiện nay phần lớn diễn ra trong các tổ chức, đội, nhóm, câu lạc bộ... đều không được đầu tư hoặc hỗ trợ kinh phí, thiết bị của Nhà nước. Hoạt động của các tổ chức này, nhóm chủ yếu theo phương châm xã hội hóa, tự nguyện. Khi các tổ chức này phục vụ lễ hội, lễ tế, liên hoan, hội diễn thì mới được các cấp chính quyền sở tại đầu tư mức kinh phí nhất định.
Trên cơ sở khái quát bức tranh về tình hình NTBD trên địa bàn thủ đô Hà Nội, thì thấy có sự thăng trầm trong sự phát triển xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Những nguyên nhân này thực sự đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các nhà quản lý trong thời gian tới.
Nguyễn Thế Lợi