Bức tranh tương lai đất nước và khát vọng dân tộc qua Tầm nhìn 2045

Thứ tư, 17/02/2021 - 07:40

Trao đổi với phóng viên nhân dịp Năm mới, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, định hướng, mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập giúp cho người dân thấy được bức tranh tương lai đất nước khi đó, đồng thời thể hiện khát vọng của dân tộc.

Tiến sĩ Trần Du Lịch. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, cũng như nhìn lại chiến lược 10 năm (2011-2020), phải khẳng định đất nước ta có sự phát triển vượt bậc.

Cụ thể, trong giai đoạn 5 năm đầu (2011-2015), chúng ta vượt qua một thời kỳ bất ổn vĩ mô khá nặng. Còn 5 năm sau, chúng ta củng cố các nhân tố ổn định vĩ mô tương đối bền vững, nổi bật là ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống tín dụng, kiểm soát nợ công.

Về hội nhập kinh tế, Việt Nam rất thành công trong 5 năm trở lại đây, thể hiện qua 3 yếu tố quan trọng. Đầu tiên phải nói đến là xuất khẩu tăng liên tục, từ 162 tỷ USD năm 2015 lên hơn 282 tỷ USD vào năm 2020. Đây là điểm sáng của nền kinh tế giai đoạn 2015-2020, cho thấy năng lực mạnh mẽ của sản xuất trong nước. Tiếp đến là thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam trở thành điểm đến quan trọng, hấp dẫn. Và thứ ba là mở rộng quan hệ tín dụng, gồm cả các nguồn ODA thương mại...

Với kinh tế trong nước, trong 10 năm (2011-2020), nhất là 5 năm trở lại đây, cơ cấu kinh tế, đổi mới, cải cách thể chế có sự chuyển biến hết sức tích cực. Đó là tăng năng suất lao động, bình quân 5-6% mỗi năm. Năng lực cạnh trạnh quốc gia tăng mạnh. Hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, mang tính thị trường, tính hội nhập cao. Mặc dù vẫn còn nhiều mặt bất cập nhưng tổng thể là một hệ thống pháp luật cho phép thị trường có thể vận hành trôi chảy, TS. Trần Du Lịch phân tích.

Bên cạnh đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng, phải kể đến thành quả xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Việc giảm số lượng những điều kiện kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, chú ý năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh. Năm 2020, Việt Nam đã điều hành rất thành công trên vai trò nước chủ nhà ASEAN.

Từ nội lực, cũng như quan hệ đối ngoại, chứng minh vị thế của Việt Nam đã được nâng lên mạnh mẽ. Vị thế cả về kinh tế, chính trị, uy tín quốc gia, đặc biệt là thành công trong chống COVID-19.

Nói về các mục tiêu cụ thể đến 2025, 2030 và 2045 mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, Đại hội đã đặt ra tầm nhìn dài hạn, với những cột mốc quan trọng như 2025 chúng ta thoát khỏi nước thu nhập trung bình thấp; 2030 là nước có thu nhập trung bình cao; và năm 2045, kỷ niệm 100 năm độc lập, nước ta là nước phát triển, có thu nhập cao.
"Với định hướng như vậy, người dân thấy được bức tranh tương lai là gì, đất nước sẽ như thế nào và tôi cho rằng yếu tố này rất quan trọng", TS. Trần Du Lịch nói. "Dĩ nhiên đây mới chỉ là phác thảo cái ta muốn để phấn đấu, còn cần có những tiêu chí phát triển kinh tế, phát triển con người đi theo. Và quan trọng là làm như thế nào. Nhưng ít ra, người dân thấy rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chúng ta có khát vọng rõ ràng. Mục tiêu Văn kiện Đại hội XIII đưa ra chính là khát vọng của dân tộc".

Đáng lưu ý, tầm nhìn dài hạn đã lồng ghép được với những nội dung mới trong 3 đột phá chiến lược. Về thể chế, không còn chung chung, mà tương đối rõ ràng; về nguồn nhân lực, yêu cầu gắn với cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ 4, với công nghệ số và xác định rõ nhân lực để phục vụ mục tiêu này; hay về đầu tư kết cấu hạ tầng, đã chỉ rõ bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng cho công nghệ số… Như vậy, ở đây, tầm nhìn mang tính đồng bộ, khả thi và gắn với thời đại.

Ngoài ra, tư duy phát triển bao trùm, quan điểm không để lại ai phía sau được thể hiện khá rõ trong tầm nhìn dài hạn của đất nước. Hệ thống các nhóm giải pháp đều lồng ghép phát triển đồng bộ gồm kinh tế, xã hội, môi trường và nhất là chính sách để làm sao người dân tham gia vào quá trình này. Ví dụ như quan điểm về phát triển chuỗi, người dân tham gia vào quá trình này họ sẽ được hưởng lợi lợi ích.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, trong giai đoạn tới đây, chúng ta đã chỉ ra được yếu tố thời đại. Thời đại hiện nay, trong khoảng một thập niên tới là thời đại của công nghệ số. "Điều đáng mừng là Chính phủ đã sớm ban hành chương trình công nghệ số quốc gia gồm chính phủ số, xã hội số và doanh nghiệp số, thực hiện trong 5 năm đầu. Đây là các bước đi cực kỳ quan trọng và chúng ta phải tận dụng được. Trong cơ hội có thách thức. Công nghệ số là cơ hội nhưng không tận dụng được nó sẽ là thách thức", TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Quá trình hội nhập, việc tham gia các hiệp định thương mại đã mang lại hiệu quả thực tế bước đầu, thể hiện qua tăng trưởng xuất khẩu, dòng đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam. Tuy nhiên, tới đây nếu không tận dụng được, nó sẽ chảy chỗ khác. Trong 15 năm tới, thời kỳ dân số vàng của chúng ta vẫn còn, nếu không tận dụng được thì cũng sẽ mất thời cơ.

Nhìn toàn diện về đất nước trong suốt mấy thập niên vừa rồi, từ những chủ trương chủ động, tích cực hội nhập từ năm 1996 đến bây giờ, trong từng giai đoạn, từng chiến lược, TS. Trần Du Lịch cho rằng chúng ta đã đi sớm, chọn hướng đi đúng, phù hợp với thời đại. Bây giờ, chúng ta đi vào công nghệ số, tức là chúng ta đã chọn đúng những mấu chốt của thời đại, chọn đúng “chìa khóa” mở cánh cửa thời đại.

"Bước sang năm 2021, trên cơ sở những thành công và dấu ấn rõ nét nói trên, điều quan trọng là Chính phủ tiếp tục nỗ lực để củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp. Pháp luật, chính sách, thể chế phải ổn định và hiện đại, văn minh sẽ góp phần quyết định thành bại của một quốc gia", TS. Trần Du Lịch nói.

Mạnh Hùng/Chinhphu