Bệnh nhân đang được điều trị kháng sinh để diệt vi khuẩn và ngăn ngừa mầm bệnh phát triển. Dự kiến, với điều kiện sức khỏe cho phép, bệnh nhân sẽ được chuyển về bệnh viện tại Nghệ An để được tiếp tục theo dõi, điều trị.
Hiệu quả của vaccine có thể giảm dần sau 10 năm, do vậy người dân nên tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu - Ảnh: VGP/HM
Theo BS CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, biểu hiện lâm sàng của bệnh bạch hầu rất đa dạng, từ không triệu chứng, bạch hầu da đến tình trạng viêm họng giả mạc, bạch hầu hô hấp hoặc nhiễm độc toàn thân.
Một trường hợp bệnh bạch hầu điển hình thường qua giai đoạn ủ bệnh từ 2 - 5 ngày, sau đó khởi phát với các triệu chứng đau và viêm họng nhẹ. Khám họng bệnh nhân có thể thấy, vết loét có giả mạc màu trắng xám dai, khó bóc bám ở vùng amidal, thành bên và sau họng hoặc thậm chí lan rộng xuống thanh môn và khí quản.
Giả mạc đường hô hấp gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân, khàn tiếng, khó nuốt và nuốt đau (26 - 40%). Giả mạc này có thể nhanh chóng gây suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở hoặc hít phải màng giả vào khí quản phế quản.
Triệu chứng của bệnh bạch hầu
Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm: đau họng (85 - 90%), sốt nhẹ và ớn lạnh, mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, viêm hạch cổ thành hình ảnh cổ bạnh to.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể có chảy dịch mũi huyết thanh hoặc mủ, giả mạc lan lên lỗ mũi sau.
BS Nguyễn Trung Cấp lưu ý những diễn biến trầm trọng do bệnh bạch hầu gây ra, như: viêm cơ tim, tổn thương thận thường xảy ra sau khi mắc bệnh 1-2 tuần - khi các triệu chứng ở hầu họng có thể đã giảm.
Những người chưa có miễn dịch đều có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, bao gồm: trẻ em chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vaccine hoặc người đã được tiêm vaccine nhưng vaccine không còn hiệu lực bảo vệ.
Tác dụng bảo vệ của vaccine phòng bệnh bạch hầu kéo dài ít nhất 10 năm. Sau 10 năm, hiệu quả bảo vệ có thể giảm dần, khi hiệu lực bảo vệ giảm thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh, do vậy người dân nên tiêm nhắc lại với vaccine bạch hầu.
Nếu xác định bệnh nhân bị bạch hầu thì cần phải cách ly, để tránh lây lan cho người khác. Tốt nhất là đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị các triệu chứng, vì người mắc bạch hầu được điều trị kháng sinh sớm, sẽ có cơ hội giảm được nguy cơ diễn biến nặng.
Nếu tự cách ly, không theo dõi giám sát, khi biến chứng nặng và muộn, sẽ nhiễm độc toàn thân, khi đó, thuốc kháng bạch hầu không có tác dụng.
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt, nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh là 10 - 20%, cao hơn COVID-19, nhất là những người chưa được tiêm chủng.
Theo các chuyên gia, nguy cơ lây nhiễm của bạch hầu thấp hơn so với COVID-19, do đó khả năng gây đại dịch thấp.
Theo Chinhphu