TNV – Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp , trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 75 triệu đồng và đối với tổ chức là 150 triệu đồng; đặc biệt, ngoài thẩm quyền xử phạt Thanh tra chuyên ngành, Nghị định này còn quy định rõ quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, lãnh đạo Công an nhân dân và cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự... được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Việt Nam ở nước ngoài.
Mức phạt lên đến 150 triệu đồng
Nghị định 88/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành dựa trên cơ sở Luật Tổ chức Chính phủ (năm 2015 và sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Xử lý vi phạm hành chính (năm 2012 và sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật Việc làm (năm 2013); Luật Giáo dục nghề nghiệp (năm 2014); Luật Giáo dục (năm 2019); Bộ luật Lao động (năm 2019).
Cụ thể, Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, với mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 75 triệu đồng và đối với tổ chức là 150 triệu đồng.
Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (quận 7) trong suốt thời gian qua luôn thực hiện tốt các quy định của cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Quyền hạn xử phạt của các cơ quan chức năng
Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là 01 năm, trong đó, xác định rõ quyền hạn xử phạt của từng cơ quan chức năng cụ thể.
Chẳng hạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 10 triệu đồng hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 20 triệu đồng; đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt tiền đến 75 triệu đồng; đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 150 triệu đồng.
Đối với Thanh tra viên và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 1 triệu đồng hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2 triệu đồng; đối với Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có quyền phạt tiền đến 75 triệu đồng hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 150 triệu đồng; đối với Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có quyền phạt tiền đến 105 triệu đồng hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 210 triệu đồng; đối với Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có quyền phạt tiền đến 150 triệu đồng.
Đối với Trưởng trạm, Đội trưởng của chiến sỹ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 1,5 triệu đồng; Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế có quyền phạt tiền đến 2,5 đồng hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5 triệu đồng; Trưởng Công an cấp huyện và tương đương có quyền phạt tiền đến 30 triệu đồng hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 60 triệu đồng;
Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quyền phạt tiền đến 75 triệu đồng; Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội có quyền phạt tiền đến 150 triệu đồng; Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh có quyền phạt tiền đến 150 triệu đồng;
Riêng đối với Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài cũng có quyền phạt tiền đến 150 triệu đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả
Ngoài các hình thức xử phạt quy định, Nghị định 88/2022/NĐ-CP còn quy định các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc nộp lại văn bản, giấy tờ, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tẩy xóa, sửa chữa cho cơ quan có thẩm quyền cấp; Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác; Buộc hủy bỏ kết quả trúng tuyển, kết quả học tập, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ...; Buộc hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học; Buộc hủy bỏ bộ sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học; Buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể...
Hiệu lực thi hành
Nghị định 88/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2022 và thay thế Nghị định số 79/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Đối với hành vi vi phạm hành chính xảy ra trước ngày Nghị định 88/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết, thì áp dụng quy định của Nghị định này để xử lý, nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn.
Riêng đối với quyết định đã được thi hành xong, trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt còn khiếu nại, thì áp dụng quy định của Nghị định số 79/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ để giải quyết.
Lê Thanh