Các phương án quân sự của Nga
1- Tạm thời rút một số quân khỏi vùng biên giới và tập trung vào giải pháp ngoại giao trong khi tiếp tục hậu thuẫn cho lực lượng vũ trang nổi dậy ở miền Đông Ukraine. Đó là trạng thái trước khi quân đội Nga tiến tới sát biên giới hai nước. Trên thực tế, đây không hẳn là một lựa chọn của quân đội Nga. Nếu vấn đề được giải quyết thông qua phương thức ngoại giao, chúng ta sẽ không phải chứng kiến tình hình hiện nay ở Ukraine.
(Ảnh minh họa của Blue Diamond Gallery)
2- Tiến quân vào Donetsk và Luhansk dưới danh nghĩa gìn giữ hòa bình, và duy trì hiện diện quân sự tại đó tới khi đạt được một kết quả có lợi cho Đông Ukraine và Nga thông qua đàm phán hòa bình. Kịch bản này khó xảy ra. Vì với việc quân Nga đóng sát biên giới, ít khả năng quân đội Ukraine sẽ đánh bại được lực lượng vũ trang ly khai.
3- Tiến vào lãnh thổ Ukraine cho tới khi chạm bờ đông sông Dnieper. Con sông này không chỉ là đường phân giới địa lý chính ở Ukraine, mà còn là đường phân cách 2 nhóm dân cư. Nửa phía tây của sông Dnieper chịu ảnh hưởng của Ba Lan và Công giáo La Mã, tính dân tộc Ukraine ở đây mạnh hơn nơi khác. Nửa phía đông của sông thì chịu ảnh hưởng nhiều hơn của Nga và Chính thống giáo. Dân cư ở nửa đông này thân thiện với Nga hơn. Nga sẽ dễ dàng ổn định tình hình trên thực địa ở khu vực này sau khi can thiệp quân sự. Trong tình huống đó, Nga sẽ giải quyết các vấn đề ở Đông Ukraine dứt điểm một lần.
4- Tiến quân từ biển Azov tới bờ Biển Đen, đồng thời hành quân dọc theo sông Dnieper. Trong phương án này, một cầu đất sẽ được mở giữa Nga, Crimea, và Transnistria. Lúc đó, Ukraine sẽ trở thành một quốc gia tứ bề là đất liền, không có đường ra biển. Còn bán đảo Crimea (do Nga kiểm soát) cũng sẽ giải quyết được vấn đề thiếu nước ngọt.
5- Tiến vào biển Azov và bờ Biển Đen. Nhưng đây là lãnh thổ bằng phẳng không có các cứ điểm phòng ngự mạnh. Nơi đây cũng thiếu sông núi thuận tiện cho phòng thủ bờ đông của sông Dnieper.
6- Tiến quân vào toàn lãnh thổ Ukraine. Đây là phương án có quy mô lớn nhất và có tác động lớn nhất về chính trị, quân sự và kinh tế. Phương án này cũng đặt quân đội Nga vào thế đối đầu trực diện lần đầu tiên với khối quân sự NATO kể từ khi Liên Xô tan rã (ngoài ba nước Baltic).
Trường hợp dừng ở Dnieper
Nếu sông Dnieper là điểm đến, ba lộ trình chính sẽ bao gồm các tuyến phía bắc, miền trung, và phía nam.
Tuyến phía bắc tập trung vào tấn công Kiev một cách riêng rẽ. Nếu Belarus hợp tác, quân đội Nga có thể đi vòng tránh khu vực Chernobyl vốn không thích hợp cho trung chuyển, để rồi tấn công Kiev từ sườn và sau lưng.
Tuyến Novyurkovich-Chernihiv-Kiev dài khoảng 250km, còn tuyến Tropotnoy-Konotop-Nizin-Kiev dài khoảng 320km. Nếu quân đội Nga có đi qua lãnh thổ Belarus, thì tuyến Masur-Korosten-Kiev chỉ dài khoảng 250km. Với sức mạnh vượt trội của mình, quân đội Nga có thể bao vây kín thành phố này trong sớm nhất là 3 ngày và lâu nhất là 7 ngày.
Nếu tiến qua ngả miền trung, Nga có 3 tuyến để đi: Tuyến Belgorod-Kharkov-Poltava-Kremenchuk (dài khoảng 320km), tuyến Donetsk (có thể chia làm 2 cung lớn là Netsk-Dnipro và Donetsk-Zaporizhzhia, mỗi cung dài khoảng 220km), và tuyến Rostov-Mariupol-Bertyansk-Melipol, lấy sông Dnieper làm mục tiêu chính. Nếu quân đội Nga có thể vòng tránh Kharkov và thẳng tiến thì họ có thể tới Dnieper trong sớm là 3 ngày, lâu là 7 ngày.
Tuyến phía nam xuất phát từ Crimea. Sườn phía đông và phía nam của tuyến miền trung hành quân tách biệt và hội tụ ở Melipol, trong khi sườn phía tây tiến tới cửa sông Kherson của sông Dnieper. Chiến dịch này có thể hoàn thành trong 3-7 ngày. Tuy nhiên, tuyến hậu cần thông qua cầu Kerch và Crimea sẽ không dễ dàng hậu thuẫn cho một cuộc chuyển quân quy mô lớn.
Chiến dịch đồng thời đi theo 3 tuyến sẽ có quy mô và tác động lớn nhất.
Nếu mặt trận phía nam không dừng lại tại sông Dnieper, việc tiến quân tới Dnieper có thể là pha đầu trong một chiến dịch với pha hai được thực hiện bằng cuộc đổ bộ đường biển lên Odessa cùng lúc quân Nga vượt qua sông Dnieper.
Nếu hoạt động quân sự trên thành công, con đường phía bắc sẽ mở hành lang trên bộ với Transnistria (một dải đất nằm giữa Moldova và Ukraine), còn con đường phía nam sẽ mở kết nối với Bujak (nằm về phía nam Moldova). Vùng ảnh hưởng của Nga khi đó sẽ tiến sát biên giới Romania.
Trường hợp vượt qua mốc Dnieper
Nếu Nga quyết định tiến sang bờ tây sông Dnieper thì họ sẽ cần thêm một chiến dịch 2 giai đoạn nữa, với một chặng dừng ngắn trên tuyến Vinnytsia-Zhytomyr-Korosten để nhận tiếp tế. Sau đó, quân Nga sẽ tiếp tục tiến về phía tây, tới sát biên giới của Hungary, Slovakia và Poland.
Vinnytsia là một điểm quan trọng trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô trước đây. Bộ chỉ huy mặt trận phía Đông của trùm phát xít Đức Hitler từng đặt đại bản doanh tại vị trí cách Vinnytsia 12km về phía bắc.
Nếu quân đội Nga đủ mạnh thì với sự hợp tác chính trị từ phía Belarus, họ sẽ có khả năng kết hợp 2 pha của cuộc tiến quân về phía tây sông Dnieper thành một chiến dịch. Xuất phát từ Belarus, các lực lượng Nga có thể hành quân dọc theo biên giới Ba Lan và cắt đứt đường rút lui của quân Ukraine cũng như sự kết nối với NATO. Cách khác là vu hồi tuyến Vinnytsia-Zhytomyr-Kristen và hội quân với lực lượng Nga ở mặt trận phía đông.
Có thể thấy rằng hậu cần quân đội Nga vẫn phụ thuộc nặng vào vận tải đường sắt, nên đường phát triển tiến công sẽ bám theo tuyến đường sắt. Các trạm đường sắt quan trọng sẽ là tâm điểm của các cuộc chiến.
Quân đội Nga giỏi đánh chớp nhoáng. Nhưng Ukraine là một nước rất lớn, bề ngang Đông-Tây rộng hơn 1.000km, còn bề dọc Bắc-Nam là hơn 600km. Ukraine có dân số 41 triệu người, bao gồm nhiều thành phố không hề nhỏ.
Khi ấy, quân đội Nga nếu tiến đánh sẽ phải tác chiến thật nhanh chóng, bỏ qua các thành phố và chọc thẳng đến hậu cứ đối phương. Nếu không, cuộc tiến công đó của Nga sẽ rơi vào tình trạng bế tắc như ở Grozny (nơi chỉ có 400.000 dân)./.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịchNguồn: Guancha, Asia Times