Từ khóa : tiêu chí, đánh giá, cán bộ, công chức, cấp huyện
1. Đặc điểm của cán bộ, công chức cấp huyện
Cán bộ, công chức cấp huyện là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; đồng thời là người đưa những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến nhân dân và đồng thời trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc thì kịp thời tháo gỡ, phát hiện thiếu sót từ thực tế khách quan để kịp thời bổ sung và hoàn thiện. Cán bộ, công chức cấp huyện là những người hàng ngày trực tiếp tiếp xúc với nhân dân, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống và biến thành hành động cách mạng của quần chúng.
Về cơ bản cán bộ, công chức có các đặc điểm sau:
Một là , cán bộ, công chức thuộc biên chế của UBND huyện có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác được phân công và thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo UBND huyện giao.
Hai là, cán bộ, công chức cấp huyện là những người triển khai đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.
Ba là, Hoạt động quản lý nhà nước của cán bộ, công chức cấp huyện là hoạt động đa dạng và phức tạp; luôn đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải có trình độ, kỹ năng nhất định nhất là trong các lĩnh vực như quản lý thực hiện quy hoạch, quản lý đất đai, nhà ở, hộ tịch, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị…
Bốn là , do địa bàn của các cơ quan hành chính cấp huyện đóng ở địa phương thường phức tạp về an ninh trật tự, nhiều biến động và trình độ dân trí không đồng đều đòi hỏi cán bộ, công chức phải có tính chuyên nghiệp, kỷ cương.
2. Các tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, công chức
Công tác đánh giá cán bộ, công chức là công tác vô cùng phức tạp, nhạy cảm là cơ sở cho việc xây dựng, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức. Chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức được đánh giá dưới góc độ phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực và khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, chất lượng cán bộ, công chức cấp huyện còn được đánh giá ở khả năng thích ứng, xử lý các tình huống phát sinh của người cán bộ, công chức đối với công vụ được giao.
1.3.1. Về chính trị tư tưởng
Đây là tiêu chí quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng cán bộ, công chức. Để trở thành những nhà tổ chức, người có năng lực trước hết phải là người có phẩm chất chính trị tư tưởng. Phẩm chất chính trị tư tưởng của cán bộ, công chức được biểu hiện trước hết là là tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.
Phẩm chất chính trị tư tưởng được đo bằng lòng nhiệt tình cách mạng, trung thành tuyệt đối với lý tưởng, mục tiêu của Đảng; tinh thần tận tụy với công việc, hết sức phục vụ nhân dân. Phẩm chất chính trị tư tưởng của người cán bộ, công chức được biểu hiện thông qua thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần gương mẫu trong công tác, tinh thần trách nhiệm đối với đời sống của nhân dân tại địa phương. Người cán bộ, công chức tốt phải luôn trăn trở trước những khó khăn ở địa phương; phải có quyết tâm đưa địa phương nơi mình công tác ngày càng phát triển về mọi mặt. Một người cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị tốt là người hết lòng vì nước, vì dân, không sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, không bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, làm tròn trách nhiệm, bổn phận được khi được phân công nhiệm vụ.
Thực tế chứng minh, những cán bộ, công chức có lập trường chính trị vững vàng, hoạt động vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng thì sẽ được nhân dân kính trọng, tin yêu và họ sẽ vận động được nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
1.3.2. Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật
Đạo đức cách mạng là nền tảng, là sức mạnh của người cán bộ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn; cây phải có gốc không có gốc thì cây héo; người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức thì có tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” [1] ; sức có mạnh thì mới gánh được nặng và đi được xa, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng về đạo đức cách mạng thì không thể làm tốt những công việc được giao. Đạo đức hết sức quan trọng với mỗi người nhất là người cán bộ, công chức “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” [2] .
Người cán bộ, công chức bên cạnh việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn phải trau dồi đạo đức lối sống. Đạo đức là nền tảng, là gốc của con người. Có đạo đức cách mạng với lối sống giản dị, trong sạch, lành mạnh người cán bộ, công chức sẽ có uy tín trước nhân dân, được nhân dân tín nhiệm và đồng thuận ủng hộ, tin và nghe theo họ. Cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức là người luôn có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần tập thể khiêm tốn, giản dị, trung thực, có nếp sống văn minh, nêu gương cho quần chúng. Chỉ trên cơ sở đó họ mới tạo được niềm tin từ phía nhân dân, thuyết phục được nhân dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng, trung thành với sự nghiệp cách mạng. Phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức rất quan trọng, nó là cái gốc của người cán bộ.
Người cán bộ, công chức có đạo đức là người có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần tập thể, khiêm tốn, giản dị, trung thực, nêu gương cho quần chúng. Có như vậy mới tạo được niềm tin từ phía nhân dân, thuyết phục được nhân dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng, trung thành với sự nghiệp của cách mạng. Cán bộ, công chức luôn phải đề cao phẩm chất đạo đức, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc, đến khả năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
1.3.3. Về trình độ
- Về trình độ học vấn:
Trình độ học vấn của cán bộ, công chức là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động, hiệu quả công việc. Đây là nền tảng cho việc nhận thức, tiếp thu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là tiền đề tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật vào trong cuộc sống. Trình độ học vấn có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đưa các chủ trương, chính sách đó vào trong cuộc sống thực tiễn; đồng thời cũng ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Do đó, trình độ học vấn là tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực quản lý nhà nước của công chức.
- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ được hiểu là kiến thức chuyên môn sâu về một lĩnh vực nhất định được biểu hiện qua kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ được đào tạo ở các cấp học. Đây là những kiến thức chuyên sâu được biểu hiện qua cấp độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ… Những kiến thức mà cán bộ, công chức Nhà nước cần được đào tạo để giải quyết công việc chuyên môn, có năng lực thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Những kiến thức này đặc biệt quan trọng đối với cán bộ, công chức không thể thiếu trong giải quyết công việc. Nếu thiếu kiến thức chuyên môn nghiệp vụ thì họ sẽ lúng túng trong giải quyết công việc, khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Trình độ lý luận chính trị
Cán bộ, công chức có lập trường chính trị vững vàng, hoạt động vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng thì sẽ được nhân dân kính trọng, tin yêu và sẽ vận động được nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Nếu lập trường chính trị không vững vàng, làm việc vì lợi ích cá nhâ, bè phái, cục bộ, thoái hóa, biến chất sẽ gây mất lòng tin trong nhân dân, ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, hiệu quả quản lý Nhà nước thấp.
Đối với cán bộ, công chức ở UBND huyện trong quan hệ tiếp xúc công việc với đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần. Vì vậy đòi hỏi cán bộ, công chức phải vững về lập trường chính trị, biết lý luận sao có sức thuyết phục để nhân dân tin theo, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Do đó, cán bộ, công chức ở UBND huyện cần phải được đào tạo trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.
- Trình độ quản lý nhà nước
Đây là hệ thống tri thức khoa học về quản lý xã hội mang tính quyền lực nhà nước; là những kiến thức các nhà quản lý dùng để giải quyết các tình huống cụ thể xảy ra trong quá trình quản lý, điều hành.
Trong quá trình phát triển xã hội, cán bộ, công chức cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, phương pháp quản lý nhà nước để có sự linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán để xử lý giải quyết công việc kịp thời đúng quy định của pháp luật, nếu không làm tốt thì quản lý nhà nước kém hiệu quả. Do đó, trình độ quản lý nhà nước của cán bộ, công chức ở UBND cấp huyện phải là chuyên viên trở lên.
1.3.4. Về năng lực và uy tín
Có tư duy đổi mới, có tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học; có năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo. Có khả năng phát hiện những mâu thuẫn, thách thức, thời cơ, thuận lợi, vấn đề mới, khó và những hạn chế, bất cập trong thực tiễn; mạnh dạn đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để phát huy, thúc đẩy hoặc tháo gỡ. Có năng lực thực tiễn, nắm chắc và hiểu biết cơ bản tình hình thực tế để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công; cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và vì nhân dân phục vụ. Có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo; gương mẫu, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, cá nhân; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm. Các năng lực mà người cán bộ, công chức cần trang bị, bao gồm:
- Thứ nhất , năng lực tư duy lý luận, tiếp thu, quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của cấp trên để vận dụng sáng tạo linh hoạt vào điều kiện, hoàn cảnh của địa phương.
- Thứ hai , năng lực lãnh đạo, quản lý: là khả năng vận dụng một cách có hiệu quả những kiến thức về quản lý, điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây là năng lực rất cần thiết và quan trọng nhất là cán bộ chủ chốt. Họ phải có khả năng hoạch định chiến lược, có tầm nhìn xa, biết tâm lý của nhân viên để thu hút mọi người để bố trí, sử dụng lực lượng một cách hiệu quả. Năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ, công chức là một tổ hợp các khả năng lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động của tổ chức với chất lượng và hiệu quả cao.
- Thứ ba , năng lực tuyên truyền, vận động tổ chức nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước: đối với cán bộ, công chức năng lực khả năng tổ chức động viên quần chúng thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước là rất quan trọng. Vì cán bộ, công chức là cầu nối, người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ đến với nhân dân, nên đòi hỏi cán bộ, công chức phải có năng lực.
- Thứ tư , năng lực huy động các nguồn lực trong và ngoài địa phương: đó là năng lực giao tiếp, đối thoại, đoàn kết, dân chủ, thu phục nhân tâm. Người cán bộ, công chức phải cư xử đúng mực với nhân dân, hiểu biết tâm tư nguyện vọng của họ, lắng nghe tiếng nói từ nhân dân, biết tôn trọng, khuyến khích động viên nhân dân.
- Thứ năm , năng lực xử lý tình huống đột xuất, bất ngờ. Để xử lý những tình huống trong công việc đòi hỏi cán bộ, công chức phải có tính quyết đoán, phán đoán một cách chính xác, những quyết định nhanh chóng, chuẩn xác; dám chịu trách nhiệm về những quyết định do mình đưa ra.
- Thứ sáu , năng lực nắm bắt tình hình, phản hồi thông tin, đánh giá, kiến nghị điều chỉnh, ban hành đường lối, chính sách phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của địa phương. Cán bộ, công chức phải có khả năng tổng hợp, khái quát, báo cáo lên cấp trên để đề ra được những giải pháp, quyết định đúng đắn để giải quyết nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn cơ sở.
1.3.5. Kết quả công việc và sự hài lòng của người dân
UBND cấp huyện là nơi tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương; thực hiện quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn theo thẩm quyền được giao; hướng dẫn và giám sát các hoạt động, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đóng trên địa bàn thực hiện theo quy định của pháp luật. Cán bộ, công chức ở UBND huyện là những người thường xuyên tiếp xúc với dân, trực tiếp giải quyết quyền lợi cho nhân dân. Việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân là việc thu nhận ý kiến, coi trọng đánh giá và đóng góp của người dân đối với công tác xây dựng chính quyền trong việc cải cách thủ tục hành chính, sự phục vụ của cán bộ nhà nước đối với người dân thông qua đó có sự điều chỉnh cho phù hợp để phục vụ nhân dân tốt hơn, góp phần mang lại hiệu quả quản lý nhà nước tại địa phương.
Kết luận, kết quả hoạt động của cán bộ, công chức ở UBND huyện phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất, năng lực, trình độ. Thực tế, địa phương nào tình hình kinh tế- xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, nhân dào sự lãnh đạo tin tưởng vào chính quyền địa phương điều đó minh chứng ở đó cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, có trình độ, có phẩm chất đạo đức, có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Do công việc hàng này tiếp xúc với nhân dân nên cán bộ, công chức cần phải có uy tín với nhân dân, chỉ trên cơ sở tín nhiệm với nhiệm với nhân dân thì nói dân mới tin và nghe theo.
Bùi Công Thành
Tài liệu tham khảo
1. Đinh Ngọc Giang, Vũ Khánh Hoàn (2016), Công tác tuyển dụng, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức hiện nay , Tạp chí Lý luận chính trị, số 8.
2. Luật số 22/2008/QH12, Luật cán bộ, công chức , Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành, kỳ họp thứ 4 khóa XII, ngày 13 tháng 11 năm 2008.
3. Hồ Chí Minh (2011 ), Toàn tập , tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập , tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5. Bộ Nội vụ (2012), Thông tư 05/2012/TT-BNV sửa đổi Thông tư 13/2010/TT-BNV hướng dẫn tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, Hà Nội.
[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập , tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.292.
[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập , tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.601.
Quận đoàn Hà Đông