Từ khóa: năng lực dạy học; yếu tố ảnh hưởng; trung học cơ sở; trung học phổ thông; giáo viên; học sinh; M.V.Lomonoxop
1. Giáo dục đào tạo luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Giáo dục tạo nên sức lao động, tái tạo hoặc thay thế bằng sức lao động mới đã bị cũ, lạc hậu thông qua phát triển những năng lực chung và năng lực chuyên biệt của con người. Cùng với đó, xã hội hiện đại cũng đặt ra những yêu cầu cao đối với chất lượng nguồn nhân lực: có trình độ học vấn cao; có tay nghề vững vàng, năng động, sáng tạo, linh hoạt để thích nghi, đáp ứng được những yêu cầu của tiến trình phát triển xã hội. Điều đó cho thấy, năng lực dạy học của giáo viên là một trong những yếu tố rất quan trọng có tác động, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục, là chìa khoá để thúc đẩy nâng cao trình độ, kỹ năng cho người học, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động hiện nay.
Dạy học vừa là một hoạt động tất yếu của quá trình đào tạo, vừa là khâu then chốt, quyết định trực tiếp đến người học, đến chất lượng quá trình đào tạo. Thông qua hoạt động dạy học, giáo viên không chỉ truyền đạt các kiến thức chuyên môn thuộc lĩnh vực mà mình giảng dạy, đồng thời giáo viên còn có thể truyền cảm hứng, gợi mở để người học biết cách chiếm lĩnh tri thức, mở rộng và nâng cao vốn kiến thức, tầm hiểu biết. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động dạy học còn giúp giáo viên có thêm cơ hội để sáng tạo trong việc lựa chọn phương pháp, hình thức giảng dạy; có cơ hội để thử nghiệm, tìm ra các phương pháp giảng dạy mới, phù hợp với đối tượng dạy học; đồng thời quá trình này cũng mang đến những điều kiện thuận lợi để giáo viên có thể đánh giá, đo lường được mức độ hiểu bài, cũng như tính cách, tâm lý, trình độ học vấn của từng học sinh.
Có thể thấy, năng lực dạy học của giáo viên có vai trò, vị trí rất quan trọng, quyết định chi phối đến hiệu quả đào tạo, đòi hỏi người giáo viên cần nhận thức đúng về năng lực dạy học, có tinh thần tích cực, nỗ lực trong việc nghiên cứu, tích luỹ, sáng tạo nhằm nâng cao năng lực dạy học của bản thân, từ đó phát huy được hiệu quả hoạt động đào tạo, không chỉ tạo được hứng thú, say mê nghiên cứu cho người học mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người học phát triển tư duy, biết cách phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề, chiếm lĩnh các tri thức khoa học. Năng lực dạy học của giáo viên là chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục, nó không chỉ giúp cho giáo viên hình thành được những kĩ năng dạy học, giao tiếp với học sinh, kỹ năng quản lý lớp học... mà còn giúp cho nhà trường nâng cao thành tích học thuật, khẳng định vị thế, uy tín của cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Về các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực dạy học của giáo viên, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau. Theo học giả Darling-Hammond, các thành phần của năng lực dạy học của giáo viên bao gồm: kiến thức chuyên môn, kỹ năng giảng dạy, khả năng tương tác với học sinh và khả năng lãnh đạo trong lớp học. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đào tạo và phát triển nghề nghiệp liên tục đối với chất lượng giáo viên, đặc biệt là vai trò của chính sách giáo dục trong việc đảm bảo chất lượng giáo viên, bao gồm việc thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng, cải thiện quy trình tuyển dụng và đào tạo giáo viên, cũng như việc tạo ra cơ hội phát triển nghề nghiệp và hỗ trợ cho giáo viên trong quá trình làm việc.
Hình 2. Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực giảng dạy của giáo viên theo quan điểm của Đào Ngọc Anh
Nghiên cứu này cho rằng, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến năng lực dạy học của giáo viên là “yếu tố cá nhân”. Theo đó, tác giả Đào Ngọc Anh cho rằng, đề cập đến yếu tố cá nhân là nhấn mạnh đến tính riêng có của giáo viên, được thể hiện qua một số khía cạnh như: khả năng dạy học, sự đam mê với nghề, tinh thần học hỏi, nâng cao năng lực… Trong nghiên cứu của mình, tác giả cũng cho rằng, bên cạnh yếu tố cá nhân, cũng còn có sự xuất hiện của một số yếu tố khác có tác động, ảnh hưởng đến năng lực dạy học của giáo viên, như: các yếu tố về chính sách và cơ sở vật chất. Mặc dù vậy, như đã phân tích ở trên, các yếu tố còn lại chủ yếu có tác động, ảnh hưởng thúc đẩy hoặc kìm hãm đối với năng lực dạy học của giáo viên, còn yếu tố cá nhân mới là yếu tố chính, quyết định lớn nhất đến năng lực dạy học.
3. Tại trường THCS và THPT M.V.Lomonoxop, qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề này, tác giả bài viết đã đề xuất mô hình nghiên cứu như sau:
Hình 3. Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực giảng dạy của giáo viên
theo quan điểm của các học giả tại Trường THCS và THPT M.V.Lomonoxop
Các nhân tố được đặt tên như sau:
Nhân tố chất lượng đào tạo giáo viên (CLDTGV), gồm các biến: CLDTGV1, CLDTGV2, CLDTGV3, CLDTGV4, CLDTGV5, CLDTGV6, CLDTGV7. Nhân tố kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên (KNGD), gồm các biến: KNGD1, KNGD2, KNGD3, KNGD4, KNGD5, KNGD6. Nhân tố yếu tố cá nhân (YTCN), gồm các biến: YTCN1, YTCN2, YTCN3, YTCN4, YTCN5. Nhân tố điều kiện môi trường làm việc (DKLV), gồm các biến: DKLV1, DKLV2, DKLV3, DKLV4, DKLV5. Nhân tố chính sách và phúc lợi (CSPL), gồm các biến: CSPL1, CSPL2, CSPL3. Nhân tố năng lực dạy học của giáo viên (NLGD), gồm các biến: NLGD1, NLGD2, NLGD3, NLGD4, NLGD5, NLGD6.
Tại Trường THCS và THPT M.V.Lomonoxo, để đưa ra được mô hình tổng hợp trên, tác gải đã tổng hợp các phương pháp nghiên cứu hiện đại, bao gồm: phân tích nhân tố (EFA), phân tích tương quan Pearson và phân tích kết quả hồi quy tuyến tính để làm nổi bật các nhân tố có ảnh hưởng đến năng lực dạy học của giáo viên. Với tổng số 32 biến quan sát, cuộc khảo sát được thực hiện thông qua việc sử dụng link Google Form gửi đến những đối tượng được quan sát. Tổng số phiếu hồi đáp hợp lệ thu được là 171. Mẫu nghiên cứu được minh họa trong Bảng 1.
Trên cơ sở khảo sát, tác giả đã tổng hợp, đánh giá độ tin cậy, tính chính xác, phân tích các nhân tố bằng các phương pháp khoa học:
(1) Đánh giá độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha
Thông qua kết quả tại Bảng 2 có thể thấy: Tổng quan, các nhân tố đều đạt độ tin cậy Cronbach’s Alpha (>0.6). Các giá trị Cronbach’s Alpha của thang đo đạt trong khoảng từ 0.856 - 0.933. Nhân tố có giá trị độ tin cậy thấp nhất trong toàn thang đo là nhân tố NLGD (0.856). Nhân tố đạt giá trị tin cậy cao nhất trong thang đo là nhân tố CLDTGV (0.933). Các biến thành phần có hệ số tương quan biến – tổng trải dài trong khoảng 0.514 - 0.864.
(2) Kiểm định tương quan Pearson
*. Tương quan ở mức ý nghĩa 0.05 (2 đuôi)
**. Tương quan ở mức ý nghĩa 0.01 (2 đuôi)
Bảng 3. Mối quan hệ giữa các nhân tố
Có thể thấy, để đánh giá sự tương quan giữa các nhân tố, tác giả đã sử dụng kiểm định Pearson. Bảng 3 cho thấy kết quả phân tích tương quan tuyến tính của phần lớn các nhân tố là phù hợp (Sig. < 0.05). Các nhân tố thuộc biến độc lập đạt giá trị phân biệt, ngoại trừ mối quan hệ giữa 2 nhân tố KNGDGV và CSPL (Sig. = 0.151). Đối với mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và biến độc lập, nhân tố phụ thuộc NLGD thể hiện sự tương quan đối với 2 biến độc lập KNGDGV và CSPL. Đặc biệt, nhân tố phụ thuộc NLGD thể hiện sự tương quan mạnh mẽ với nhân tố KNGDGV (Sig. = 0.680).
(3) Phân tích nhân tố khám phá EFA cho biến độc lập
Bảng 4. Phân tích nhân tố khám phá EFA
Trong phân tích nhân tố khám phá EFA, tác giả đã sử dụng phép trích nhân tố Principal Compoment (PCA) với phép quay không vuông góc Promax. Tác giả cài đặt điểm dừng khi thực hiện trích nhân tố với Eigenvalue ≥ 1 với 26 biến quan sát của các nhân tố độc lập. Phân tích nhân tố khám phá EFA cho ra kết quả đều đạt các yêu cầu và giữ lại toàn bộ 26 biến quan sát. Chỉ số KMO là 0.818 > 0.5, chỉ số Bartlett’s cho ra Sig. = 0.000 < 0.05. Thông qua kết quả trên, đã bác bỏ giả thuyết H0 (cho rằng không có sự tương quan giữa các biến).
Kết quả phân tích EFA cho ra 26 biến quan sát, được trích thành 5 nhân tố với Eigenvalues 9.117 > 1. Tổng phương sai được trích là 75.710% > 50%, phép trích thể hiện được 75.710% ý nghĩa của tổng thể dữ liệu.Phân tích EFA cho thấy các biến quan sát đều nằm trong cùng 1 nhóm nhân tố như giả thuyết. Về mặt nhân tố, các biến quan sát thuộc thang đo này là phù hợp.
Với tổng số phiếu hồi đáp hợp lệ để thực hiện đánh giá là 171 phiếu, các nhà nghiên cứu đặt giới hạn tải lên của hệ số tải nhân tố ( Factor Loading ) là 0.35. Như vậy, tất cả các trọng số của biến quan sát thuộc các nhân tố đều đạt yêu cầu và phù hợp ( > 0.35 ). Biến quan sát có hệ số tải thấp nhất được trích là biến CLDTGV1 (0.790), biến quan sát có hệ số tải cao nhất được trích là biến CSPL2 (0.926). Phần lớn các biến quan sát có sự biến động về hệ số tải trong khoảng từ 0.8 tới 0.9. Như vậy, các biến quan sát của thang đo này đều tải cùng một nhân tố và đều đạt yêu cầu. Sau khi xem xét ma trận nhân tố, tác giả nhận thấy các biến quan sát đều tải lên cùng một nhân tố và tải được hết đồng thời cả 5 nhân tố theo như giả thuyết. Như vậy, thang đo cho năng lực tự học đạt yêu cầu và có sự tương quan giữa các biến.
(4) Phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM)
Với mục đích phân tích mối quan hệ đa chiều giữa nhiều biến trong một mô hình, tác giả đã lựa chọn cách tiếp cận dựa trên hiệp phương sai với bộ công cụ IBM SPSS Amos 24.0.
Mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) được biểu diễn với 5 biến độc lập tác động lên 1 biến phụ thuộc, không có biến trung gian. Xét hệ số tác động (P) của các biến độc lập, chỉ có duy nhất 1 biến KNGD (Kinh nghiệm giảng dạy) có ý nghĩa giải thích cho nhân tố mẹ NLGD (Năng lực giảng dạy) với mức ý nghĩa 5% (Amos kí hiệu *** khi P = 0.000). Các biến còn lại đều không giải thích được sự tác động lên biến phụ thuộc, P nằm trong khoảng 0.240 – 0.785 > 0.05. Hệ số hồi quy (Esimate) của 2 chỉ số hồi quy chưa chuẩn hóa (Regression Weights) và hồi quy chuẩn hóa (Standardized Regression Weights) đều cho thấy sự tác động thuận chiều mạnh mẽ của biến NLGD với giá trị tương ứng lần lượt là 0.669 và 0.801. Biến CSPL (Chính sách và phúc lợi) có tác động thuận chiều nhưng mức ảnh hưởng là rất nhỏ (0.073). Các biến còn lại đều có ảnh hưởng nghịch chiều tới biến phụ thuộc, tác giả bác bỏ các giả thuyết H1, H3, H4. Hệ số bình phương tương quan đa biến (Squared Multiple Correlations) đạt 0.680. Các biến độc lập ảnh hưởng 68% đến sự biến thiên của NLGD.
4. Thông qua các kết quả nghiên cứu khoa học về dạy học và năng lực dạy học của giáo viên, đối với giáo viên đang giảng dạy tại trường THCS&THPT M.V.Lomonoxop, có thể đưa ra mô hình gồm 5 yếu tố ảnh hưởng đến năng lực dạy học của giáo viên gồm: chất lượng đào tạo giáo viên, kinh nghiệm giảng dạy, yếu tố cá nhân, điều kiện làm việc và chính sách phúc lợi. Mặc dù chỉ có duy nhất 01 biến NLGD có ý nghĩa thống kê sự tác động, tuy nhiên, tác giả không loại bỏ bớt đi biến nào. Những biến không giải thích được ý nghĩa cho nhân tố phụ thuộc, nhưng có mối quan hệ và tác động qua lại với nhau với các biến độc lập khác, tăng thêm sự tác động cho biến NLGD và mức ảnh hưởng chung của mô hình.
Từ kết quả khảo sát, nghiên cứu nêu trên, tác giả khuyến nghị Trường THCS&THPT M.V.Lomonoxop, cũng như các cơ sở giáo dục khác có các điểm tương đồng cần có thêm các biện pháp nhằm quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho giáo viên, nhất là với các giáo viên trẻ mới ra trường, kinh nghiệm giảng dạy còn hạn chế. Đồng thời, cần tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt chế độ, chính sách cho giáo viên, tạo được động lực, thúc đẩy giáo viên yên tâm gắn bó, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là quan tâm nâng cao năng lực dạy học, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn./.
Chu Gia Bảo
K2, Khoa Quản trị chất lượng,
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đào Ngọc Anh (2000), Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực giảng dạy của giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân, đề tài khoa học.
Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội