TNV - Mỗi tổ chức, cá nhân khi làm công tác thiện nguyện đều có những cách thực hiện khác nhau. Người thì kêu gọi quần áo, lương thực, thực phẩm. Người thì vận động tiền mặt, vận động công sức. Mục tiêu cuối cùng là để giúp đỡ, hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội vượt qua những khó khăn, thách thức, tự tin vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Để giới thiệu đến bạn đọc về một cách làm từ thiện đặc biệt, phóng viên đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Thu Bính – một trong những tấm lòng nhân ái luôn nhiệt huyết trong công việc thiện nguyện thời gian vừa qua.
- Trong thời gian dịch bệnh căng thẳng vừa qua, mọi người thường thấy chiếc xe “Thầy lang Bính” của anh chạy khắp nơi, từ Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương đến Thanh Hóa, Nghệ An. Chiếc xe này có điều gì đặc biệt vậy thưa anh?
Chiếc xe không chỉ là phương tiện đi lại, mà nó đã trở thành người bạn đồng hành của tôi trên mọi nẻo đường.
Trong thời gian dịch bệnh căng thẳng vừa qua những chuyến xe giải cứu giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản đã phần nào vơi đi gánh nặng, nhọc nhằn, mất mát cho người dân. Những giọt mồ hôi, xen lẫn nước mắt, cùng với lời cảm ơn của bà con như tiếp sức cho việc tôi đang làm. Tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn họ rất nhiều. Nhất là trong khu cách ly tập trung tại Bắc Ninh-Bắc Giang, cuộc sống thiếu thốn rất nhiều. Có chị em đến cả tấm giấy vệ sinh hay những gói BVS còn không thể mua được. Tôi đã kêu gọi bạn bè Facebook ủng hộ cả tiền và đồ dùng để san sẻ những thiếu thốn phần nào cho chị em. Nhiều người nói tôi, cười tôi không thấy ngại à? có gì phải ngại, mà xấu hổ chứ. Họ đã khổ và thiếu thốn đủ đường, giúp được phần nào cho họ là bản thân tôi cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ lắm rồi.
Với tôi chiếc xe không có gì đặc biệt. Có lúc thấy bạn bè, người quen hay thậm chí chỉ là người đi đường chụp hình ảnh tôi và chiếc xe, lúc thì thấy Thầy lang tôi đứng bán rau, củ, quả, trứng giải cứu giúp bà con Hải Dương; Lúc thì Củ đậu, lúc thì chở nhãn; Lúc thì Băng vệ sinh, lúc thì rau muống; lúc thì chở người già, trẻ nhỏ, các mẹ bỉm sữa...
- Xuất phát từ đâu mà anh chấp nhận làm công việc đầy khó khăn này?
Dù làm bất cứ công việc gì đều có khó khăn, vất vả. Nhưng đổi lại tôi được rất nhiều thứ. Vì qua đó tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều hoàn cảnh éo le. Vì tôi có sức khỏe, có công việc để làm. Và nhất là được giúp đỡ nhiều người kém may mắn hơn mình. Tôi làm từ thiện vì tâm tôi thôi thúc, tôi cảm thấy hạnh phúc, thanh thản. Và tôi nghĩ đơn giản làm để tạo phúc cho con cháu.
- Nhiều người khá tò mò về dòng chữ “Thầy lang Bính” ghi trên thân chiếc xe 16 chỗ của anh?
Ý nghĩa dòng chữ "Thầy lang Bính" dán trên chiếc xe rất giản đơn: "Ở đâu bệnh nhân cần là tôi có, chỗ nào khó đi lại đã có xe tôi".
- Người dân vẫn đang rất tế nhị khi nhắc đến 2 từ “thầy lang”. Anh nghĩ sao về điều này?
Nhiều người vẫn hay gọi thầy lang là lang băm, lang chặt... Tôi thiết nghĩ một con sâu không thể đổ giầu nồi canh được. Đó là cái nhìn sai lệch của một số bộ phận trong xã hội. Bản thân tôi làm gì cũng phải có cái tâm thì mới làm được, tâm không sáng thì sao làm được nghề cứu người.
- Có vẻ như công việc thiện nguyện và công việc “thầy lang” anh đã, đang làm có sự trùng hợp nào đó?
Tôi đến với nghề Thầy lang đó cũng là một cái duyên. Trước đây tôi cũng đã từng làm nghề giáo, vậy nên không được làm Thầy giáo thì thầy lang vậy. Và tôi phải cảm ơn nghề thầy lang đã cho tôi có cơ duyên để làm thiện nguyện. Những chuyến xe 0 đồng của tôi đã giúp cho nhiều bệnh nhân biết đến tôi hơn. Qua Facebook, qua bạn bè, giới thiệu, thậm chí chỉ là người đi qua đường để tạo cho tôi có duyên làm nhiều việc có ý nghĩa và thiết thực.
Trong thời gian tới dự định của tôi là luôn song hành làm thiện nguyện với tư cách là thầy lang. Tôi đã và sẽ luôn đồng hành cùng một số thầy lang đi tới các vùng miền chữa miễn phí cho nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh éo le, khó khăn, cơ nhỡ, bệnh trọng. Chỉ tiếc là sức người có hạn, nên tôi cũng chỉ giúp đỡ được phần nào thôi vì tôi còn phải đi làm nhà nước. Nên chỉ có thể kết hợp giữa các việc trong điều kiện khả năng cho phép của mình.
Thành Nguyễn