Ráy tai là chất nhầy tự sinh ra trong ống tai. Nhiều người nghĩ nó là chất bẩn. Không hẳn vậy, ráy tai là chất sáp giúp chống nhiễm trùng và làm ấm, bôi trơn cho ống tai. Nó đồng thời ngăn cản bụi bẩn xâm hại ống tai.
Vì vậy, thực tế các mẹ không cần lấy ráy tai cho trẻ thường xuyên. Chúng ta cũng không nên ngoáy tai cho bé hằng ngày vì sẽ làm mất đi một yếu tố bảo vệ tự nhiên cho tai khỏi bụi bặm và nhiễm trùng.
Ráy tai chỉ thực sự gây rắc rối trong 2 trường hợp:
· Khi chất bẩn tích tụ quá nhiều, cản trở việc quan sát màng nhĩ của bác sĩ trong lúc thăm khám;
· Khi chất bẩn gây tắc nghẽn hoàn toàn ống tai ngoài. Lúc này thính lực của trẻ có thể bị giảm
Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không nên dùng các vật dụng sắc nhọn như móng tay hoặc tăm bông để lấy ráy tai cho bé. Theo Ths.BS Nguyễn Tiến Hải, chuyên khoa Tai mũi họng: "Tăm bông trên thị trường hiện nay đa phần đều to hơn ống tai của trẻ sơ sinh, vì vậy các mẹ cần hạn chế dùng tăm bông để vệ sinh tai cho bé. Đặc biệt ở trẻ em, ống tai rất nhỏ và không thẳng, ráy tai nhiều nên việc các mẹ dùng que tăm bông lấy chỉ làm ráy bị đẩy vào sâu thêm bên trong".
Để lấy ráy tai cho bé, mẹ có thể dùng một chiếc khăn bông mỏng, mềm, xoắn nhẹ một góc từ từ đưa sâu vào bên trong tai và tiếp tục xoắn lại. Ráy tai sẽ theo đường xoắn của chiếc khăn bông và ra ngoài. Với tính chất mềm của khăn sẽ không làm hại đến màng tai của bé mà ráy tai vẫn được làm sạch.
BS Nguyễn Tiến Hải cảnh báo thêm: "Một số em bé ráy tai nhiều quá, khi tắm nước có thể vào tai và gây ra những vấn đề như nhọt ống tai, viêm ống tai do ráy tai ngâm vào nước lâu, mùi hôi, khiến trẻ bứt tai liên tục".
Vì thế các mẹ nên thường xuyên kiểm tra tai cho con. Nếu thấy tai có mùi hôi hoặc con có biểu hiện bứt tai liên tục cần đưa đến các phòng khám tai mũi họng gần nhà để vệ sinh ống tai, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Theo VOV