Chỉ huy phi đội trực thăng Mi-35 của Nga, có biệt danh “Wild Boar” tiết lộ, họ đang sử dụng chiến thuật bay vòng tối đa theo địa hình để tránh bị hệ thống phòng không của Ukraine phát hiện và ngắm bắn. Trong video do Bộ Quốc phòng Nga đăng tải, trực thăng Mi-35 của Nga đã áp dụng chiến thuật này với việc di chuyển xung quanh khu vực chiến sự.
Không quân Nga đã điều chỉnh cách tiếp cận dựa trên yếu tố môi trường và cảnh quan, đặc điểm địa hình chẳng hạn các cánh rừng, hệ thống dây điện và nhiều yếu tố khác. Các phi công cho biết, độ tin cậy của Mi-35 đã giúp họ vượt qua những tình huống khó khăn ngoài sức tưởng tượng.
Theo phi công “Wild Boar”, thách thức lớn nhất là tránh đòn đáp trả của đối phương khi các thiết bị giám sát của đối phương phát hiện ra cuộc tấn công hoặc bức xạ máy bay. Trong những tình huống như vậy, phi hành đoàn phải dựa vào kinh nghiệm và khả năng của chính họ để điều hướng. Phi công này cho biết, mặc dù các tính năng của trực thăng Mi-35 vẫn còn hạn chế nhưng máy bay này đã hỗ trợ họ một cách đáng tin cậy khi thực hiện nhiệm vụ.
Phát biểu với EurAsian Times, ông Vikram Raghavan – cựu phi công của Lực lượng Không quân Ấn Độ cho biết: “Các máy bay trực thăng tấn công luôn sử dụng một kỹ thuật có tên Nap-of-the-earth (NOE) hay tận dụng địa hình để ẩn nấp”. Nap-of-the-earth (NOE) chỉ hoạt động bay ở độ cao rất thấp, lợi dụng địa hình có sẵn để che chắn nhằm tránh bị radar hoặc hệ thống phòng không di động (MANPADS) của đối phương phát hiện và tấn công trong môi trường có nhiều mối đe dọa.
Dựa trên các video xuất hiện trên chiến trường, cựu phi công IAF suy luận rằng, địa hình ở Ukraine tương đối bằng phẳng và như vậy hoạt động bay ban đêm được ưu tiên hơn là bay vào ban ngày. Ông Raghavan lưu ý, khả năng máy bay bị đối phương phát hiện vào ban ngày là khoảng 70%. Trong khi vào ban đêm, hầu hết hệ thống MANPADS không hiệu quả vì chúng phụ thuộc vào kính ngắm thông thường và rất ít hệ thống có dẫn đường bằng hồng ngoại.
Theo nhà phân tích Raghavan, trực thăng tấn công Mi-35 của Nga là phương tiện bọc thép khá ưu việt, còn được mệnh danh là “xe tăng bay” có thể ứng phó hiệu quả với các tổ hợp phòng không MANPADS và SAM dù 2 tổ hợp này đều có khả năng theo dõi ở tầm thấp.
Vai trò của trực thăng tấn công đa nhiệm Mi-35
Mi-35 là máy bay trực thăng chiến đấu và vận tải do Nga phát triển vào những năm 1980, có hình dáng bên ngoài khá giống Mi-24, nhưng phiên bản này đã được nâng cấp hệ thống điện tử và vũ khí chiến đấu. Sau khi ra đời, trực thăng này đã nhanh chóng trở thành xương sống trong lực lượng không quân Nga và lực lượng không quân của nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Mi-35 được thiết kế với mục đích chính là tiêu diệt các phương tiện bọc thép của đối phương, hỗ trợ lực lượng mặt đất, vận chuyển hàng hóa và binh sỹ. Phi hành đoàn gồm 2 người. Trực thăng sử dụng động cơ tuốc bin trục thế hệ mới nhất VK-2500, với công suất 2.200 mã lực, cho phép nó bay với tốc độ tối đa 310km/h, trần bay tối đa 5.400m.
Mi-35 được gia cố cấu trúc để tăng khả năng sống sót trên chiến trường, với buồng lái được bọc thép có thể chịu được hỏa lực của những loại vũ khí nhỏ, còn cánh quạt hạng nặng được thiết kế để chống chịu trước các mảnh đạn hoặc các vật thể khác. Ngoài ra, Mi-35 còn được tích hợp bộ thu cảnh báo radar hiện đại, thiết bị gây nhiễu hồng ngoại, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, gây khó khăn cho đối phương trong việc tìm kiếm và theo dõi.
Trực thăng được trang bị nhiều loại vũ khí, pháo nòng kép GSh-23V cỡ 23mm, tên lửa chống tăng có điều khiển Ataka-V hoặc Shturm-V, tên lửa không đối không Igla-V. Mi-35 phiên bản cải tiến có 2 chỗ ngồi, giúp các phi công tương tác và hỗ trợ nhau tốt hơn.
Theo quân đội Nga, Mi-35 đã chứng minh được hiệu quả trong chiến đấu và trong khi thực hiện các nhiệm vụ khác. Nhờ được trang bị vũ khí mạnh mẽ, công nghệ tiên tiến, thiết kế bền bỉ, tính cơ động cao, có khả năng tránh hỏa lực của đối phương, Mi-35 được coi là phương tiện chiến đấu đáng gờm trên chiến trường./.