Cách Tính Độ Dốc Mái Tôn Nhanh Và Chính Xác

Thứ tư, 02/10/2024 - 15:37

Trong quá trình thiết kế nhà ở, việc nắm rõ cách tính độ dốc mái tôn là một bước quan trọng trước khi chuyển sang khâu thiết kế nội thất. Bài viết sẽ cung cấp đầy đủ công thức và ví dụ cụ thể giúp bạn hình dung cách áp dụng trong thiết kế nhà ở.

Độ Dốc Mái Tôn Là Gì?

Độ dốc mái tôn là gì? Cách tính độ dốc mái tôn
Độ dốc mái tôn là gì? Ảnh: alu-mica.com

Độ dốc của mái tôn là mức nghiêng của phần mái so với mặt phẳng ngang của ngôi nhà, thường được xác định bằng tỷ lệ giữa chiều cao và chiều dài của mái. Mục tiêu chủ yếu của việc xác định độ nghiêng của mái tôn là nhằm tối ưu hóa khả năng thoát nước và giảm thiểu chi phí vật liệu. Độ dốc này có thể thay đổi tùy theo sở thích của chủ nhà và phong cách kiến trúc của công trình, vì vậy không có một quy định chung nào cho mọi trường hợp. Những thiết kế có mái cao sẽ đòi hỏi sử dụng nhiều vật liệu hơn.

Công Thức Tính Độ Dốc Mái Tôn, Bao Nhiêu Là Hợp Lý?

Công thức tính độ dốc mái tôn.
Công thức tính độ dốc mái tôn. Ảnh: Xây dựng số

Cách tính độ dốc mái tôn là tỷ số giữa chiều cao và chiều dài của thiết kế mái nhà.

Công thức tính độ dốc mái theo tỷ lệ phần trăm có thể được áp dụng như sau: i = H/L x 100%

Để tính độ dốc mái theo góc, có thể sử dụng công thức: tan ⍺ = H/L

Trong đó:

  • ⍺ là góc tạo giữa mái và bề ngang của nhà
  • i là kết quả độ dốc mái tôn
  • H là chiều cao của mái tôn
  • L là chiều dài của mái tôn

Khi phân tích hai công thức ở trên, ta thấy rằng với tỷ lệ nghiêng đạt 100% (tức là chiều cao và chiều dài mái bằng nhau), góc nghiêng sẽ là 45 độ.

Mỗi chất liệu lợp mái sẽ có tỷ lệ độ dốc khác nhau, cụ thể:

  • Mái bằng chất liệu fibro ximăng thường có độ dốc 30-40%
  • Đối với mái làm từ tôn sóng, độ dốc thường nằm trong khoảng từ 15 đến 20%.
  • Trong khi đó, mái lợp ngói thường có độ dốc nằm trong khoảng từ 50% đến 60%
  • Mái bằng chất liệu bê tông cốt thép thường có độ dốc 5-8%
Cách tính độ dốc mái tôn 2 mái
Cách tính độ dốc mái tôn 2 mái. Ảnh: Hùng Đặng

Ví dụ, ta có bản vẽ nhà với chiều cao mái là 2m và chiều dài mái tôn là 3m như hình. Dù cho mặt cắt ngang của căn hộ cho thấy chiều ngang của ngôi nhà là 6m, nhưng do mái tôn có cấu trúc hai mái cân xứng, chiều dài thực tế chỉ là 3m, tạo thành một hình tam giác vuông với chiều cao mái. Sử dụng công thức tính độ dốc theo tỷ lệ phần trăm, ta có thể tính được độ dốc chính xác:

i = H/L x 100% = 2/3 x 100% = 66,67%

Yếu Tố Nào Quyết Định Độ Dốc Mái Tôn?

Yếu tố quyết định độ dốc mái tôn
Yếu tố quyết định độ dốc mái tôn. Ảnh: Tôn Chống Nóng
  • Tùy theo thiết kế nhà từ đơn giản đến phức tạp, bạn cần dùng hình mặt cắt tương ứng để xác định được chiều dài và chiều cao mái tôn.
  • Lưu lượng mưa tại địa phương cũng ảnh hưởng đến độ dốc mái. Ở những khu vực có khí hậu khô hanh, bạn có thể chú trọng nhiều hơn đến yếu tố thẩm mỹ trong thiết kế. Ở những vùng có khí hậu mưa nhiều và độ ẩm cao, cần tập trung vào thiết kế mái tôn để tối ưu hóa khả năng thoát nước.
  • Chất liệu được sử dụng có tác động đáng kể đến độ nghiêng của mái nhà. Một số vật liệu có bề mặt không bằng phẳng sẽ khó thoát nước và cần độ dốc lớn hơn để ngăn chặn tình trạng ứ đọng và sự phát triển của rong rêu trên mái. Một số vật liệu khác lại khá trơn và bạn có thể tận dụng lợi thế này nếu không muốn thiết kế mái quá cao.
  • Cuối cùng là thẩm mỹ của công trình nhà ở cần được đảm bảo. Thiết kế mái mất cân đối khiến cho căn nhà trở nên thiếu thẩm mỹ và có khả năng dẫn đến mất an toàn.

Tiêu Chuẩn Đo Độ Dốc Mái Tôn Là Gì?

Giới hạn độ dốc mái tôn
Giới hạn độ dốc mái tôn. Ảnh: GIÁ THÉP 24H.COM

Để tính độ dốc mái tôn một cách chính xác, điều quan trọng là bạn phải biết rằng độ dốc tối thiểu cho mái tôn là 10%, thấp hơn đáng kể so với 30% của mái ngói.

  • Với mái tôn lợp nhà, độ dốc tối thiểu cần đạt được là 10% để hệ thống thoát nước của mái hoạt động hiệu quả. Điều này giúp ngăn ngừa nước ứ đọng trên mái nhà và tạo ra rong rêu mất về sinh.
  • Mái tôn thiết kế lợp tầng hầm để ô tô và xe máy cần có độ dốc tối đa là 20%. Độ dốc mái tôn có thể thay đổi tùy theo thiết kế của tầng hầm. Tuy nhiên, chiều cao tối thiểu của trần cần đảm bảo là 2,2 mét so với mặt sàn để đảm bảo an toàn cho việc di chuyển của các phương tiện.
  • Độ dốc tối thiểu của mái tôn trên sàn bê tông hoặc khu vực vệ sinh là 15%. Giới hạn này để đảm bảo chức năng thoát nước của mái nhà. Bên cạnh đó, chủ nhà cũng nên chú ý đến các vị trí cố định đinh vít và sử dụng lớp bảo vệ silicon để hạn chế tình trạng gỉ sét.

Độ Dốc Mái Tôn Khác Nhau Theo Từng Kiểu Nhà

Cách Tính Độ Dốc Mái Tôn Nhanh Và Chính Xác- Ảnh 6.
Độ dốc mái tôn khác nhau theo kiểu nhà, tuy nhiên cách tính độc dốc mái tôn thì chỉ theo 1 công thức. Ảnh: Vĩnh Tường

Dù bạn đã biết công thức tính độ dốc cho mái tôn, nhưng mỗi ngôi nhà có cấu trúc và loại vật liệu mái khác nhau lại đòi hỏi một độ dốc riêng biệt.

Nhà Ống 

Nhà ống là một trong các kiểu nhà phổ biến tại Việt Nam do thiết kế đơn giản, và dễ dàng thi công. Một trong những đặc điểm nổi bật của loại hình nhà này là chiều ngang hẹp hơn nhiều so với chiều dài, tạo nên hình dáng giống như một ống dài. Mái tôn được lợp cho nhà ống thường có độ dốc từ 10-15% để thiết kế nhà hài hòa và không tạo nhiều khó khăn như mái nhà có độ dốc lớn. Ngoài ra, việc thiết kế mái tôn với độ dốc vừa phải giúp giảm thiểu tiếng ồn do mưa so với những ngôi nhà có mái dốc nhiều hơn.

Nhà Xưởng

Nhà xưởng thường có diện tích đất rộng và mái tôn lớn hơn so với thiết kế nhà ở thông thường. Để đảm bảo nước mưa chảy đến máng mai bên mái, độ dốc mái tôn nhà xưởng dao động trong khoảng 10-30%. Ngoài khả năng thoát nước, khi thiết kế mái tôn chủ đầu tư còn phải quan tâm đến an toàn cho công nhân trong xưởng và dụng cụ lao động, máy móc liên quan.

Lưu Ý Khi Tính Độ Dốc Mái Tôn

Lưu ý trong cách tính độ dốc mái tôn
Lưu ý trong cách tính độ dốc mái tôn. Ảnh: Tấm lợp Tôn Austn

Một số điểm cần lưu ý sau khi hiểu cách tính độ dốc của mái tôn bao gồm:

  • Chọn loại sóng của mái tôn phù hợp: Mái tôn được chọn là loại 5 hoặc 10 sóng, và độ cao của sóng cần được xem xét. Sóng càng to thì nước sẽ càng dễ trôi dẫn đến độ dốc của mái cũng được giảm xuống. Lựa chọn loại sóng cho mái tôn một cách hợp lý sẽ giúp công trình của bạn tiết kiệm đáng kể chi phí nguyên vật liệu.
  • Trong thiết kế nhà xưởng, mái tôn có độ dốc lớn hơn 2,4 m cần được gia cố lại, đảm bảo an toàn cho công nhân làm việc bên trong. Trái lại, mái có độ cao hơn 2,4 m cần được thiết kế thêm đường thoát ống nước riêng để đảm bảo không có nước ngưng tụ trên mái nhà.
  • Tùy theo đặc điểm thiết kế của công trình, bạn có thể sẽ cần trang bị thêm máng xối để thoát nước cho mái tôn. Khi hệ thống thoát nước được bố trí bên trong ngôi nhà, bạn cần thiết kế máng treo phù hợp và lắp đặt nắp đậy bằng bê tông cho máng thoát nước.

Bài viết đã cung cấp thông tin chi tiết về cách tính độ dốc mái tôn, kèm theo những lưu ý cần thiết cho từng trường hợp cụ thể. Bạn có thể áp dụng thông tin này khi làm việc với chủ thầu để đảm bảo mái tôn đáp ứng được khả năng thoát nước và tính thẩm mỹ cần có.

Hoài Tăng


    batdongsan