Cafe Peru – Cánh cửa mới cho ngành cafe Việt Nam

Thứ ba, 12/07/2016 - 14:43

TNV - Việt Nam là một trong số những quốc gia xuất khẩu café hàng đầu trên thế giới. Vì vậy, làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như những giải pháp để nâng mức tiêu thụ nội địa và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế là điều mà Việt Nam luôn quan tâm. Do đó, thông qua các hoạt động giao lưu, giới thiệu, trao đổi kinh nghệm, hợp tác nhằm mở rộng thị trường café mà Đại sứ quán Peru tại Việt Nam tổ chức được xem là cánh cửa mới cho ngành café của Việt Nam.

image3

Nhân dịp kỷ niệm 195 năm Ngày Quốc khánh đất nước Peru (28/7/1821 - 28/7/2016) và 22 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Peru và Việt Nam, trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và văn hóa Peru tại Việt Nam, hội thảo Giới thiệu café Peru được xem là một trong những hoạt động hợp tác quan trong cho riêng ngành café Việt Nam, trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng xu hướng phát triển của ngành café thế giới.

Tại hội thảo ông Luis Tsuboyama – Đại diện Đại sứ quán Peru tại Việt Nam nhận định:  “Việt Nam sản xuất cà phê Robusta, thiên về vị, trong khi Peru sản xuất cà phê Arabica, thiên về hương; Phần lớn cà phê xuất khẩu của Việt Nam là cà phê nhân trong khi cà phê xuất khẩu của Peru là cà phê thành phẩm. Theo ông Luis: “Trong tương lai, Việt Nam có thể học hỏi kỹ thuật chế biến hạt cà phê của Peru đồng thời hai quốc gia có thể chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu cà phê ra thị trường thế giới”.

image1

Thực tế cho thấy rằng: Dù không phải là nước sản xuất và xuất khẩu café lớn trên thế giới nhưng Peru lại là một trong những nước hàng đầu trong xuất khẩu café hữu cơ, một minh chứng rõ nhất chính là trong tổng số 355 000ha café của cả nước thì có đến 90 000ha café hữu cơ. Điều đáng lưu ý nữa là tuy sản lượng café rất ít nhưng trên 80% café của nước bạn sản xuất ra đều có chứng chỉ, điều này đem lại lợi thế nhất định cho người nông dân. Người trồng café ở đây được tổ chức thành các tổ, nhóm, các hiệp hội từ 30 – 2 000 người. Chính phủ Peru có chính sách khuyến khích nông dân chuyển đổi vườn café bỏ hoang sang trồng café theo chuỗi, theo chứng chỉ. Các ngân hàng nông nghiệp tạo điều kiện cho người nông dân có khoản vay để có vốn sản xuất ban đầu, theo đó người trồng café phải cam kết thực hiện các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn. Trong quy trình này, sự liên kết ban đầu chính là vai trò nòng cốt của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp này không chỉ thu mua mà họ sẽ chế biến và bán sản phẩm ra thị trường.

Từ thực tế này, ông Đoàn Việt Dũng – Cố vấn thương mại, Đại sứ quán Peru nhận xét về những kinh nghiệm trong canh tác mà ngành café của Việt Nam có thể học hỏi, ông Dũng nói: “Để vùng sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của những nhà cấp chứng chỉ hữu cơ cần làm sạch đất để không phải dùng hóa chất, phân bón, hay thuốc trừ sâu mà vẫn đảm bảo năng xuất cũng như chất lượng cây café; Tổ chức các nông hộ nhỏ lẻ thành các tổ, nhóm, hợp tác xã, các hiệp hội nhằm tăng tính đồng bộ trong canh tác và sản xuất; Doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong dẫn dắt thị trường nhằm thúc đẩy các nông hội canh tác theo tiêu chuẩn, đảm nhận từ khâu thu mua - chế biến - xuất khẩu. Nếu Việt Nam làm tốt việc này sẽ không cần đến sự tham gia của bên thứ ba giúp tiếng nói và lợi ích của người nông dân được đảm bảo; Peru có sản lượng café thấp nhưng 90% café họ sản xuất ra đều có chứng chỉ hữu cơ, hoặc chứng chỉ bền vững. Việt Nam có thể hợp tác với Peru về kỹ thuật, triển khai các dự án thực hiện khâu đăng ký chứng chỉ, quy hoạch lại các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn. Ông Dũng cho biết thêm: “Hiện tại, hai nước đang có hiệp định liên chính phủ trong lĩnh vực hợp tác kinh tế và kỹ thuật. Hiệp định thành lập ủy ban liên chính phủ được ký kết năm 2015, giai đoạn 2016 – 2017 là gia đoạn thực hiện. Hi vọng rằng trong cuộc họp của ủy ban liên chính phủ sẽ đề cập đến hợp tác về kỹ thuật trong đó nhấn mạnh việc trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ công nghệ, bài học thực tế mà Peru trải qua trong canh tác café cho Việt Nam. Từ đó, Việt Nam có thể học tập được.”

ảnh 2

Với tư cách là người trực tiếp làm trong ngành cafe, ông Nguyên Viết Vinh - Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) chia sẻ ý nghĩa của việc hợp tác và định hướng thời gian tới : “Hội thảo là dịp để ngành cà phê Việt Nam có thể học hỏi hướng sản xuất cà phê hữu cơ của Peru, tiến tới xóa bỏ tình trạng lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất gây nhiều hậu quả với môi trường, qua đó nâng cao tỷ lệ chế biến để tăng giá trị gia tăng của hạt cà phê cũng như nâng mức tiêu thụ nội địa; Hợp tác với các nước trong đó có Peru nhằm bình ổn giá cho người dân và doanh nghiệp. Cũng theo ông Vinh: “Hiệp hội đang đề xuất trình chính phủ xây dựng quỹ phát triển ngành café Việt Nam. Nghĩa là dùng quỹ đó hỗ trợ lãi xuất, thu mua, nâng cao chất lượng, xúc tiến thương mại, và tạo trữ café”.

Lương Nguyễn