TNV - Vừa qua tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp: Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan - Giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế”.
Hội nghị có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, các lãnh đạo Bộ, các vụ, thu hút sự quan tâm lớn của hơn 200 doanh nghiệp, 30 hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan Trung ương và địa phương tại 63 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết:Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là chủ trương quan trọng mà Đảng và Chính phủ đã đề ra và đang ưu tiên thực hiện.
Riêng trong 10 tháng năm 2021, Bộ Xây dựng đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tích hợp, thay thế 5 Nghị định, 7 Thông tư vào 2 Nghị định.
Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng, dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện Chỉ số cấp phép xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng dư địa cải cách vẫn còn rất lớn, ông chia sẻ thêm.
Cũng tại Hội nghị, ôngPhạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Cải cách hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính. Đặc biệt cải cách hành chính trong những lĩnh vực quan trọng như đầu tư - xây dựng - đất đai - môi trường có tác dụng tích cực không kém một “gói cứu trợ” cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch.
Chương trình này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí, giúp giải phóng nhiều nguồn lực quốc gia đang bị tắc nghẽn, đình trệ, giúp các dòng vốn đầu tư cả công và tư nhanh chóng đi vào hoạt động, giúp tạo đà để nền kinh tế bứt phá nhanh hơn trong giai đoạn sắp tới, ông Công nhấn mạnh.
Đánh giá về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng từ kết quả khảo sát doanh nghiệp của VCCI do ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI trình bày cho biết, doanh nghiệp phản ánh còn gặp nhiều vướng mắc khi triển khai dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan.
Cụ thể, trong số 10 nhóm thủ tục được đánh giá, 2 thủ tục dễ thực hiện nhất đối với các doanh nghiệp là kết nối cấp thoát nước và kết nối cấp điện khi tỉ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn với 2 thủ tục này thấp nhất, lần lượt là 24,3% và 27,6%. Trong khi đó, doanh nghiệp còn gặp khó khăn nhất định khi tiến hành các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và các thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Tỉ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với 2 nhóm thủ tục này lần lượt là 50% và 48%, cao nhất trong các thủ tục được đánh giá.
Toàn cảnh Hội nghị.
Nghiên cứu chi phí thời gian trong hoạt động cấp phép xây dựng, một doanh nghiệp điển hình trung bình cần khoảng 3 lượt đến cơ quan quản lý Nhà nước để hoàn tất xin cấp phép xây dựng trong năm 2020, con số này không có thay đổi đáng kể so với khảo sát trong năm 2019. Tuy nhiên, số ngày từ lúc doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng đến khi nhận giấy phép trong năm 2020 đã có sự cải thiện đáng kể so với năm 2019.
Ngoài ra có sự khác biệt giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp tư nhân trong nước về cách chọn lựa địa điểm đầu tư, các quy định pháp lý và cách đối xử của chính quyền địa phương... Theo đó, mặc dù đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, việc nhận quyết định chủ trương đầu tư còn rất khó khăn nhưng đối với các doanh nghiệp FDI lại không phải vấn đề quá lớn.Trước thực trạng nói trên, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, còn nhiều dư địa cải cách trong lĩnh vực thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các nội dung liên quan. Chính phủ, Bộ Xây dựng cần tiếp tục các giải pháp cải cách thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các lĩnh vực có liên quan trong năm 2022. Theo đó, xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết, minh họa dễ hiểu về quy trình thực hiện các thủ tục liên ngành trong lĩnh vực xây dựng; lập các trang thông tin hỏi đáp về thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng để cập nhật thường xuyên các văn bản pháp lý, các tình huống hay gặp phải và giải pháp xử lý.
Thông qua Hội nghị lần này, Lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp về những khó khăn, vướng mắc về các thủ tục hành chính đầu tư xây dựng để trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ cùng các cơ quan quản lý Nhà nước kiến nghị Chính phủ và đề xuất các giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả và khả thi hơn trong thời gian tới./.
Hải Hà