Cải thiện kỹ năng nói cho sinh viên năm thứ hai ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Tài chính

Thứ năm, 07/11/2024 - 14:58

Tóm tắt: Trong học ngoại ngữ, việc sử dụng thành thạo các kỹ năng trong quá trình học tập của sinh viên sẽ giúp cho khả năng sử dụng ngoại ngữ đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đối với tiếng Anh, việc sử dụng thành thạo 4 kỹ năng sẽ giúp cho sinh viên có thể nâng cao trình độ tiếng Anh của bản thân. Trong 4 kỹ năng, kỹ năng nói sẽ góp phần quan trọng trong tiến trình học tập tiếng Anh, để có thể cải thiện được khả năng nói của mình, mỗi sinh viên cần có những phương pháp cải thiện riêng biệt. Bởi lẽ, khả năng nói chính là chìa khóa giao tiếp giúp sinh viên thành thạo hơn trong việc học tiếng Anh.

Từ khóa: Kỹ năng, ngôn ngữ, tiếng anh, sinh viên.

Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai được học nhiều nhất và là ngôn ngữ chính thức của gần 60 quốc gia có chủ quyền trên toàn thế giới. Do đó, việc học tập và sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp là một trong những yêu cầu cơ bản đối với công dân toàn cầu. Trong hệ thống giáo dục Việt Nam, tiếng Anh từ lâu là môn học bắt buộc ở tất cả các cấp học, bao gồm giáo dục đại học.

Cải thiện kỹ năng nói cho sinh viên năm thứ hai ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Tài chính- Ảnh 1.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định đối với bậc học đại học: "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học". Đây là một nội dung quan trọng trong tiến trình nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các cơ sở giáo dục đào tạo hiện nay. Trong các ngành học, việc đào tạo ngành Ngôn ngữ anh đang được nhiều cơ sở đào tạo tổ chức thực hiện chuyên sâu, đồng bộ và phát triển mạnh mẽ, nhờ đó mà sinh viên có thêm nhiều sự lựa chọn đối với môn học tiếng Anh mà bản thân theo đuổi. Để học tốt môn tiếng Anh cũng như các môn học ngoại ngữ khác, đòi hỏi mỗi sinh viên cần có quá trình học tập chăm chỉ, rèn luyện bền bỉ, chịu khó, tích cực để có được một phương pháp học tập tốt đối với môn tiếng Anh.

Học viện Tài chính có chức năng, nhiệm vụ đào tạo cán bộ trình độ Đại học, Sau đại học về các lĩnh vực tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh, tiếng Anh Tài chính và Tin học Tài chính kế toán với 4 loại hình đào tạo (Đại học chính quy, Đại học vừa làm vừa học, Đại học bằng 2, Liên thông đại học); Nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng công nghệ quản lý về lĩnh vực tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh phục vụ hoạch định chính sách tài chính, kinh tế cho ngành và cho đất nước; phục vụ giảng dạy và quản lý; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ quản lý về tài chính - kế toán. Hiện nay, Học viện Tài chính cùng với nhiều cơ sở đào tạo trong cả nước có đủ trình độ và năng lực đáp ứng tiêu chuẩn về đào tạo ngành Ngôn ngữ anh, với bề dày truyền thống Học viện Tài chính luôn mở rộng hợp tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu với các Viện, Trường Đại học nước ngoài nhằm nâng cao vị thế của Học viện không chỉ trong đào tạo mà cả trong nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy của nhà trường.

Kĩ năng nói là một trong những kỹ năng quan trọng trong việc học ngôn ngữ, đóng vai trò quyết định trong học tập và sự nghiệp. Kỹ năng nói giúp người học giao tiếp hiệu quả trong nhiều bối cảnh khác nhau, từ học thuật đến cuộc sống thường ngày và môi trường công việc. Đối với sinh viên, kỹ năng này không chỉ giúp họ biểu đạt ý tưởng một cách rõ ràng mà còn là nền tảng để phát triển sự tự tin và khả năng tương tác trong các cuộc thảo luận, thuyết trình, và làm việc nhóm. Kỹ năng nói cũng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ xã hội, cải thiện khả năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề. Ngoài ra, khả năng nói tốt giúp người học dễ dàng thích nghi và đáp ứng với các yêu cầu giao tiếp trong môi trường chuyên nghiệp, từ đó tăng cơ hội thành công trong nghề nghiệp.

Khoa Ngoại Ngữ tại Học viện Tài chính với gần 20 đào tạo sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Tiếng anh Tài chính Kế toán có các giảng viên có trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ với nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy tiếng Anh. Sinh viên được chia thành các lớp nhỏ và học các kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Các bài giảng chủ yếu dựa vào giáo trình "Intelligent Business" và thường tập trung vào các chủ đề kinh doanh, kết hợp với các bài thực hành thêm từ giảng viên để hỗ trợ sinh viên.

Các môn học Nói được giới thiệu qua các học phần Nghe-Nói-Đọc-Viết 1-6, với số tín chỉ còn khá khiêm tốn. Giáo trình "Intelligent Business" với những chủ đề bám sát tình hình thực tế được sử dụng để nghiên cứu và trao đổi thảo luận. Ngoài ra, các bài thi giữa kỳ và cuối kỳ được thiết kế để đánh giá kỹ năng Nói của sinh viên với hệ thống tiêu chí chấm điểm rõ ràng để có thể vừa đánh giá được kĩ năng nói lại vừa kiểm tra được kiến thức về kinh tế của sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh tài chính kế toán.

Cải thiện kỹ năng nói cho sinh viên năm thứ hai ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Tài chính- Ảnh 2.

Đối với giảng viên, trong quá trình dạy kĩ năng Nói giảng viên thường gặp phải không ít khó khăn, có thể kể đến:

Một là, trình độ không đồng đều của sinh viên. Trong một lớp học, sinh viên thường có trình độ ngôn ngữ không đồng đều. Một số sinh viên có kỹ năng nói tốt hơn, trong khi những sinh viên khác có thể gặp nhiều khó khăn hơn. Điều này khiến giảng viên khó khăn trong việc thiết kế bài giảng phù hợp cho mọi đối tượng. Một số sinh viên học nhanh và tiếp thu nhanh các kỹ năng nói, trong khi những sinh viên khác cần thời gian và sự hỗ trợ nhiều hơn. Điều này gây ra sự mất cân bằng trong tiến độ học tập.

Hai là, khó khăn trong việc đánh giá và phản hồi. Kỹ năng nói là kỹ năng tương tác trực tiếp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngữ điệu, phản xạ ngôn ngữ và bối cảnh giao tiếp. Điều này khiến giảng viên khó đánh giá một cách khách quan và toàn diện, đặc biệt khi số lượng sinh viên lớn. Điều này hạn chế việc giúp sinh viên nhận ra và cải thiện những lỗi sai của mình.

Ba là, thiếu môi trường thực hành thực tế. Các lớp học thường diễn ra trong không gian hạn chế và thiếu tình huống giao tiếp đa dạng, khiến sinh viên ít có cơ hội thực hành ngôn ngữ trong bối cảnh thực tế.

Bốn là, áp lực về chương trình giảng dạy và thời gian. Giảng viên thường phải tuân theo một chương trình học tập có sẵn với thời gian hạn chế. Điều này khiến họ khó có thể tổ chức các hoạt động thực hành nghe-nói sáng tạo, đặc biệt khi phải đảm bảo hoàn thành chương trình giảng dạy theo yêu cầu. Với sinh viên, do lịch học bận rộn hoặc áp lực từ các môn học khác, sinh viên thường không đủ thời gian để tập trung vào việc cải thiện kỹ năng nói của mình.

Năm là, còn nhiều hạn chế trong việc sử dụng công nghệ. Mặc dù công nghệ có thể hỗ trợ rất tốt trong việc giảng dạy kỹ năng nói (ví dụ như phần mềm luyện nghe, ứng dụng học ngôn ngữ), không phải trường học nào cũng có đủ nguồn tài nguyên công nghệ hoặc cơ sở vật chất để giảng viên sử dụng trong lớp học.

Sáu là, thiếu động lực từ sinh viên. Nhiều sinh viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng nói trong quá trình học ngôn ngữ, do đó, họ không thực sự chủ động trong việc tham gia các hoạt động lớp học. Điều này tạo nên thách thức cho giảng viên trong việc kích thích sự hứng thú và duy trì động lực học tập cho sinh viên. Kỹ năng nói yêu cầu sinh viên phải vượt qua sự sợ hãi và ngại ngùng khi giao tiếp bằng một ngôn ngữ mới. Nhiều sinh viên cảm thấy không thoải mái hoặc lo sợ mắc lỗi, điều này ảnh hưởng đến quá trình học tập của họ và làm giảm hiệu quả giảng dạy.

Đối với sinh viên năm thứ hai của ngành Ngôn ngữ anh tại Học viện Tài chính, có rất nhiều cơ hội để mỗi sinh viên có thể tự thể hiện trình độ, khả năng, kỹ năng nói tiếng Anh của bản thân, cũng như tự rèn luyện khả năng nói trước đám đông của mình. Hiện tại Học viện Tài chính cùng các cơ sở giáo dục khác đã tổ chức rất nhiều hoạt động bổ ích khác nhau giành cho sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ anh. Đặc biệt, khoa Ngoại ngữ còn tổ chức nhiều buổi dạ hội, mít tinh, hội thảo khoa học… về tiếng Anh cho các bạn sinh viên của nhà trường có thể tham dự với nhiều nội dung khác nhau như: hát, kể chuyện, tham luận, các câu lạc bộ tiếng Anh, các hoạt động trải nghiệm với người nước ngoài… Bên cạnh đó, nhà trường tích cực cập nhật thông tin, xu hướng mới, tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những phần mềm hỗ trợ sinh viên, giảng viên trong dạy và học, giúp cho sinh viên có được những hiểu biết thực tế hơn và chuẩn bị tốt hơn cho quá trình học nhằm đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu giáo dục và đào tạo mà nhà trường đã xác định đối với chuyên ngành Ngôn ngữ anh hiện nay.

Trước thực trạng hiện nay đối với người học tiếng Anh nói chung và đối với sinh viên năm thứ hai học ngành Ngôn ngữ anh nói riêng ở Học viện Tài chính. Với tư tưởng chung khi học tiếng Anh là ngại nói, ngại giao tiếp chủ yếu tập trung học từ vựng, nắm chắc cấu trúc ngữ pháp, thành thạo phần lý thuyết mà bỏ qua phần thực hành giao tiếp trực tiếp… hiện tượng sinh viên mặc dù có khả năng, có ý tưởng nhưng khó có thể diễn đạt bằng lời với những chủ đề nhất định, hoặc sử dụng ngôn ngữ nói diễn tả không chính xác, chưa phù hợp… Điều này đồng nghĩa với việc, các sinh viên đó đang bị hổng kiến thức hay khả năng nói, diễn đạt của bản thân bằng tiếng Anh. Cho nên, việc học tiếng Anh sẽ đem lại hiệu quả và chất lượng không được như mong muốn, các kỹ năng trong học tiếng Anh có sự thiên lệch, kỹ năng nói ít được đầu tư và làm mất đi vị trí, vai trò của kỹ năng nói trong quá trình học tập Ngôn ngữ anh đối với sinh viên năm thứ hai.

Vì vậy, để có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho sinh viên năm thứ hai học ngành Ngôn ngữ anh tại Học viện Tài chính, cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau đây:

Về phía giảng viên:

Thứ nhất, cần tăng cường cơ hội thực hành giao tiếp cho sinh viên. Giáo viên cần tạo nhiều cơ hội cho sinh viên thực hành nói, bao gồm tranh luận, thảo luận nhóm, thuyết trình và đóng vai. Các hoạt động này giúp sinh viên tự tin hơn trong việc biểu đạt ý tưởng và cải thiện tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp cũng như từ vựng và ngữ pháp.

Thứ hai, cần khuyến khích sinh viên chủ động tham gia các hoạt động giao tiếp trên lớp. Lắng nghe tích cực giúp sinh viên hiểu được các giọng điệu, ngữ điệu và nhịp điệu khác nhau, từ đó cải thiện khả năng nói trôi chảy. Giáo viên có thể sử dụng các bài phát biểu, podcast và phỏng vấn để phát triển kỹ năng nghe và sau đó yêu cầu sinh viên tóm tắt hoặc chia sẻ ý kiến của mình về nội dung đã nghe.

Thứ ba, cung cấp phản hồi kịp thời và mang tính xây dựng cho sinh viên. Sau khi hoàn thành bài nói, giáo viên nên cung cấp phản hồi cụ thể và mang tính xây dựng, chỉ rõ các điểm mạnh, điểm yếu, cùng các bước cải thiện cụ thể, giúp sinh viên nhận ra và phát triển kỹ năng của mình.

Thứ tư, cung cấp thêm các chủ đề bên ngoài phù hợp với nội dung giảng dạy. Để giúp sinh viên thích ứng với nhiều ngữ cảnh, giáo viên nên cung cấp thêm các chủ đề phong phú ngoài lĩnh vực tài chính, kinh doanh, giúp sinh viên có cơ hội phát triển toàn diện và làm quen với nhiều chủ đề khác nhau.

Thứ năm, tận dụng triệt để việc sử dụng các ứng dụng kĩ thuật số vào giảng dạy. Với sự phát triển của công nghệ, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ sinh viên cải thiện kỹ năng nói.

Về phía sinh viên:

Thứ nhất, tích cực, chủ động thực hành nói tiếng Anh chủ động. Đây là một nội dung rèn luyện về khả năng nói cũng như trau dồi vốn kiến thức tiếng Anh đối với sinh viên. Bởi lẽ, khi thực hiện giao tiếp càn nhiều, càng làm cho vốn từ vựng đượng tăng lên, khả năng xử lý tình huống, cải thiện kỹ năng nói sẽ giúp cho sinh vie ngày càng thấy tự tin, thoải mái khi giao tiếp. Đồng thời, sinh viên sau khi thực hiện được việc cải thiện kỹ năng nói còn tạo điều kiện cho tư duy phản xạ được linh hoạt đối với các phản ứng tiếp nhận từ bạn bè, đồng nghiệp, trong lớp học, hoặc trong các tình huống giao tiếp với người nước ngoài khi thực hành ngôn ngữ tiếng Anh. Thực tế cho thấy, nếu thực hành kỹ năng nói được nâng lên, đồng nghĩa với việc xử trí tình huống của sinh viên ngày càng trở lên đa dạng làm cho sinh viên ngày càng trôi chảy trong quá trình giao tiếp.

Thứ hai, tập trung lắng nghe tích cực. Sinh viên tập trung vào việc cải thiện kỹ năng lắng nghe tích cực đó cũng là một điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kỹ năng nói của bản thân mình. Vì thực tế, khi chịu khó lắng nghe tích cực đó cũng chính là một khả năng quan trọng để phát triển khả năng giao tiếp, khi sinh viên tích cực tham gia lắng nghe tích cực có nghĩa là đang tập trug vào cách phát âm, ngữ điệu và từ vựng từ người nói, điều này giúp sinh viên cải thiện khả năng nói của bản thân và trong quá trình đó sinh viên tự nhận thức được về vốn từ, kỹ năng phát âm, kỹ năng nói của mình hiện tại đang ở mức độ nào, nhận thức được ưu điểm, hạn chế trong quá trình giao tiếp. Ngoài ra, lắng nghe tích cực cho phép sinh viên có thể hiểu được bối cảnh và ý nghĩa câu chuyện và những gì đang được đề cập, điều này rất cần thiết để giao tiếp hiệu quả.

Thứ ba, tận dụng các ứng dụng để cải thiện kỹ năng nói. Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, nhiều ứng dụng và phần mềm được tạo ra để giúp cho người học có thể dễ dàng tiếp cận đối với các môn ngoại ngữ phục vụ học tập. Vì vậy, sinh viên có thể sử dụng các ứng dụng trực tuyến ngay trên máy tính hoặc trên điện thoại di động thông minh để có thể truy cứu, học trực tuyến các nội dung liên quan đến việc học tiếng Anh phục vụ cho nhu cầu của bản thân như: xem phim có phụ đề, các chương trình truyền hình phát bằng tiếng Anh, nghe Podcast và sách nói, trò chuyện với đối tác hoặc bạn học nước ngoài bằng tiếng Anh thông qua các nền tảng trực tuyến như Skype hoặc Zoom… đây là những cách thức bổ trợ giúp cho sinh viên có nhiều điều kiện, khả năng để có thể cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh một cách hiệu quả, tạo sự phong phú trong vốn từ, ngữ âm, ngữ điệu cách giao tiếp, sự thoải mái, tự tin khi nói tiếng Anh. Cùng với đó, sinh viên có thể sử dụng các ứng dụng số để có thêm ý tưởng và nâng cao khả năng nói thông qua một số ứng dụng mới như: Chat GPT, ELSA, Speak, Duolingo, Cake… các ứng dụng này mang lại những lợi thế tuyệt vời cho sinh viên có thể trải nghiệm thong qua các chủ đề học tập riêng biệt được lập trình, góp phần tăng tính kích thích, tạo hứng thú cho người học trong việc chủ động tạo ra các chủ đề, nội dung học tập theo ý muốn của bản thân trong quá trình học tập.

Thứ tư, tìm phương pháp cải thiện kỹ năng nói phù hợp với bản thân. Đối với sinh viên năm thứ nhất của chuyên ngành Ngôn ngữ anh nên có sự chủ động trong việc tiếp thu kiến thức, thực hành kỹ năng nói của bản thân, vì những điều này rất quan trọng để cải thiện khả năng giao tiếp tiếng anh. Ngoài việc thực hành, sinh viên nên lập kế hoạch trong chuẩn bị, kiểm tra lại ý tưởng, chuẩn bị trước bài học và nhận phản hồi trực tiếp hoặc gián tiếp từ giảng viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ giao tiếp của bản thân trên lớp học. Ngoài ra, sinh viên muốn nâng cao kỹ năng nói của bản thân cần chú ý đến kinh nghiệm của những người học trước, lời khuyên của giáo viên và thực hiện các phương pháp học tập phù hợp, tổng hợp những điều này sẽ giúp cho sinh viên cải thiện được kỹ năng nói của bản thân trong quá trình học tập môn tiếng Anh.

Tóm lại, không thể phủ nhận việc cải thiện kỹ năng nói trong tiếng Anh là một thành phần thiết yếu của việc học ngôn ngữ. Đặc biệt, đối với sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ anh năm thứ hai tại Học viện Tài chính. Với tầm quan trọng ngày càng tăng của tiếng Anh như một ngôn ngữ kinh doanh toàn cầu, và hơn tất thẩy, giáo viên phải có một trình độ, kỹ năng truyền đạt hiệu quả, phù hợp để cung cấp tri thức, tự tin cho sinh viên học tập tốt 4 kỹ năng, nhất là cải thiện khả năng nói tiếng Anh trong quá trình học tập đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường và bản thân sinh viên.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Hà Nội, ngày 4/11/2013.

2. Trần Ninh Bình (dịch), Dạy học trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Nxb Trẻ, Hà Nội.

3. Patel, R., & Singh, V. (2023). Effect of different AI technologies on English language speaking proficiency. International Journal of Educational Technology in Higher Education, 20(3), 200-215.

ThS Phan Thị Xuân

Khoa Ngoại ngữ, Học viện Tài chính